Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/8

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DBD

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (DBD – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu thuần trong quý II/2023 đạt 414 tỷ đồng (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong đó, mảng kinh doanh cốt lõi – thuốc tự sản xuất tăng 27%, đạt 392 tỷ đồng, đóng góp hơn 94% tổng doanh thu. Biên lãi gộp đạt 49,7%, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chi phí SG&A tăng 17% (chủ yếu là tăng lương cơ bản nhân viên và chi phí dịch vụ mua ngoài). Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 71,8 tỷ đồng (tăng trưởng 21%). Lũy kế 6 tháng đầu năm, DBD đã hoàn thành 46% chỉ tiêu doanh thu thuần và 58% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Kênh ETC tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2023 nhờ hưởng lợi từ những chính sách mới của Bộ Y Tế: 2023 là thời điểm mà các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Dược bắt đầu có hiệu lực.

Điển hình trong số đó là việc gia hạn số đăng thuốc (Nghị quyết 80/2023/QH15) có hiệu lực từ tháng 1/2023, và Thông tư số 06/2023/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến đấu thầu thuốc, giá thuốc có hiệu lực kể từ ngày 27/04 đã giúp cho kênh ETC tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm. Giá trị trúng thầu kênh bệnh viện trong nửa đầu năm 2023 đạt 27.477 tỷ đồng (tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái). Kênh ETC của DBD cũng đạt kết quả khả quan với 481 tỷ đồng doanh thu (tăng trưởng 35%).

“Bảo vệ” lợi nhuận ròng nhờ đã chốt giá nguyên vật liệu và kiểm soát chi phí hiệu quả: Trong nửa đầu năm 2023, Biên lãi gộp của DBD trong quý II/2023 khoảng 49,7%, ngang với DHG nhờ công ty đã chốt giá nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm chủ lực đến hết năm 2023. Tỷ trọng chi phí hoạt động/doanh thu thuần ở mức 29%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Bắt đầu khởi công nhà máy mới đạt chuẩn EU – GMP vào cuối 2023: DBD là một trong những doanh nghiệp nổi bật trong công cuộc chạy đua nâng cấp nhà máy đạt chuẩn EU – GMP tại Việt Nam. Ngoài việc nâng cấp dây chuyền sản xuất ung thư, Công ty còn dự kiến sẽ xây dựng thêm 2 nhà máy mới trong giai đoạn 2023-2026 là nhà máy sản xuất thuốc vô trùng và non betalactam theo tiêu chuẩn EU – GMP với tổng nguồn vốn hơn 1.600 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, trong quý IV/2023 công ty sẽ khởi công nhà máy thuốc tiêm vô trùng với chi phí xây dựng ước tính trong năm nay dự kiến 71 tỷ đồng. Công ty sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vốn tự có, ngoài ra sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược trong giai đoạn 2023-2024 (với mức sở hữu <=25%).

Chúng tôi dự phóng DBD trong 2023 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.790 tỷ đồng (tăng 15% so với năm ngoái) và 316 tỷ đồng (tăng trưởng 29%). Ở mức giá hiện tại, DBD đang giao dịch tại mức P/E 2023 là 11,9x, so với mức trung bình 5 năm là 16,7x. BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM cho DBD với giá mục tiêu là 64.900 đồng/cổ phiếu – với tiềm năng tăng trưởng 28%.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG

CTCK BIDV (BSC)

Tháng 7/2023, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của CTCP Thế giới di động (MWG – sàn HOSE) đạt 9.800 tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương tăng 4% so với quý trước.

Trong đó, Thế giới di động và Điện máy xanh giảm 2% so với quý trước do nhu cầu sản phẩm điện lạnh giảm, nhưng ước tính thị phần của các dòng sản phẩm giá tốt và Apple tiếp tục duy trì và mở rộng thị phần.

Còn Bách hóa Xanh ghi nhận mức tăng trưởng 9% so với quý trước, tương đương doanh thu/cửa hàng tăng 10,4% so với quý trước chủ yếu nhờ tiếp tục tăng trưởng về tần suất mua hàng của khách cũ và thu hút khách mới, trong khi giá trị đơn hàng chưa hồi phục.

Định hướng hoạt động của MWG nửa cuối năm 2023 kỳ vọng sức mua chung phục hồi so với nửa đầu năm 2023 nhờ đặc điểm mùa vụ.

Cụ thể: Với Thế giới di động và Điện máy Xanh: Tiếp tục duy trì và mở rộng thị phần từ 5%-10% tại nhiều phân khúc sản phẩm nhờ chiến lược giá tốt, dịch vụ nổi bật và nhiều dòng sản phẩm chuyên biệt chỉ có tại MWG; đồng thời cân đối giữa cơ hội mở rộng thị phần (nhờ giá tốt và khuyến mãi) và biên lợi nhuận khi áp lực tồn kho trên thị trường không còn lớn.

Với Bách Hóa Xanh: Kỳ vọng doanh thu tăng hơn 10% so với nửa đầu năm 2023 chủ yếu nhờ traffic tăng trưởng và sức mua dần phục hồi. Thêm vào đó, cải thiện biên lợi nhuận hoạt động nhờ doanh thu tiếp tục tăng và tối ưu hoá chi phí đến từ thay đổi mô hình cung ứng và quản lý vận hành logistic, thay vì chỉ tập trung tiết giảm chi phí 1H/2023.

MWG kỳ vọng doanh thu/cửa hàng tăng 10% so với tháng 7/2023, Bách hóa Xanh sẽ đạt điểm hoà vốn; tương đương doanh thu/cửa hàng/tháng đạt từ 1,7 – 1,8 tỷ đồng do các áp lực từ chi phí điện tăng cao.

Còn các chuỗi khác- tiếp tục tối ưu hoá vận hành và vẫn chưa đẩy mạnh mở mới cửa hàng.

Với An Khang: Ngành vẫn còn phân mảnh khi thị phần nhà thuốc nhỏ lẻ chiếm 90% về số lượng và 85% thị phần về giá trị. Đồng thời, tiếp tục triển khai mô hình cửa hàng nhỏ ( diện tích 30-40m2) với chi phí vận hành thấp, chú trọng độ phủ và sự tiện lợi và hướng đến điểm hoà vốn và có lãi nửa cuối năm 2023 và 2024.

Với Erablue: tối ưu vận hành và kì vọng tăng số lượng cửa hàng từ 5 lên 30 cửa hàng vào cuối năm.

Với Avakid: tiếp tục tối ưu hoá hoạt động.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG với giá mục tiêu là 63.300 đồng/CP.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu DGW

CTCK Phú Hưng (PHS)

Như chúng tôi đã nhận định trong báo cáo phân tích cập nhật trước đó, quý I/2023 nhiều khả năng sẽ là đáy kết quả kinh doanh của CTCP Thế giới số (DGW – sàn HOSE) do doanh nghiệp sẽ chủ động xử lý lượng hàng tồn kho lớn do lô hàng Iphone 14 Pro Max về ồ ạt cuối năm.

Không khó để thấy doanh nghiệp đã có sự hồi phục so với quý trước rõ ràng thông qua các chỉ số về doanh thu và lợi nhuận, chúng tôi cũng cho rằng sự hồi phục này sẽ tiếp tục duy trì trong các quý còn lại của năm nhờ vào yếu tố mùa vụ (quý III sẽ là mùa mua sắm tựu trường và quý IV sẽ là cao điểm mua sắm cuối năm) cộng với việc Iphone 15 chuẩn bị ra mắt trong quý 3 sẽ kích thích nhu cầu mua sắm. Tuy vậy, nếu loại trừ yếu tố mùa vụ, chúng tôi vẫn chưa thấy sự hồi phục rõ ràng trong sức mua nói chung.

Chúng tôi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm 2023 sẽ lần lượt đạt 19.376 tỷ đồng (giảm 12,2% so với năm ngoái) và 440 tỷ đồng (giảm 35,6%) bởi sức cầu suy yếu mạnh đối với các sản phẩm ICT do thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế chung.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 50.800 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị giữ với mức tăng giá tiềm năng là -7%. Định giá của chúng tôi đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.

Rủi ro: (1) Rủi ro mất các hợp đồng đối tác (2) Rủi ro liên quan đến mở rộng ngành hàng (3) Rủi ro suy yếu sức mua mạnh hơn dự báo.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHM

CTCK Vietcap (VCSC)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua và nâng giá mục tiêu thêm 5,8% lên 84.100 đồng/cổ phiếu cho CTCP Vinhomes (VHM). Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu do chúng tôi đưa 2 dự án mới vào định giá – Sky Park (1,1 ha tại Bắc Giang) và Dương Kinh Kiến Thụy (240,6 ha tại Hải Phòng) – và điều chỉnh giảm chiết khấu trên RNAV từ 15% xuống 10%.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2023 là 29,9 nghìn tỷ đồng (tăng 4% so với năm ngoái), chủ yếu hỗ trợ bởi bàn giao tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 & 3 trong nửa cuối năm 2023. Dự báo này thấp hơn 2% so với dự báo trước đây của chúng tôi do (i) chúng tôi dự báo bàn giao thấp hơn tại dự án Grand Park và Ocean Park 1 vốn có biên lợi nhuận gộp cao hơn so với việc bàn giao Ocean Park 2 theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và (ii) chúng tôi dự báo chi phí khác cao hơn, được bù đắp một phần bởi (iii) dự báo thu nhập tài chính tăng của chúng tôi.

Chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2024 thêm 2% chủ yếu do chúng tôi điều chỉnh thời gian ghi nhận bàn giao đối với các dự án Grand Park và Ocean Park 1. Chúng tôi gần như giữ nguyên dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2025.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TCB

CTCK Vietcap (VCSC)

Chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) ở mức 42.200 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua.

Tác động tích cực từ mức tăng 0,9% trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2027 đến định giá của chúng tôi cho TCB bị ảnh hưởng bởi giả định cao hơn của chúng tôi đối với chi phí vốn chủ sở hữu của TCB do cập nhật chỉ số beta. Chúng tôi duy trì P/B mục tiêu cho TCB ở mức 1,2 lần.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2023 ở mức 18,5 nghìn tỷ đồng (giảm 8,1% so với năm ngoái) do (1) dự báo thu nhập từ lãi (NII) năm 2023 thấp hơn 8,8% sau mức giảm 38 điểm cơ bản của NIM dự phóng và (2) dự báo thu nhập phí ròng (NFI) (bao gồm cả lãi từ ngoại hối) năm 2023 thấp hơn 7,1%, được bù đắp bởi dự báo chi phí hoạt động kinh doanh giảm 8,5% và dự báo chi phí dự phòng giảm 30,3%.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục