Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/2 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/2

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NT2

CTCK Phú Hưng (PHS)

Chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh trong năm 2024 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch (NT2 – sàn HOSE) sẽ có cải thiện đáng kể sau một năm 2023 đầy khó khăn. Theo đó, Doanh thu thuần có thể tăng trưởng trở lại và đạt 7.665 tỷ đồng (tăng 21% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế cũng có sự phục hồi về mức 640 tỷ đồng (tăng trưởng 29%).

Chúng tôi cho rằng, biên lợi nhuận gộp của NT2 tiếp tục chịu nhiều áp lực khi gặp phải sự cạnh tranh từ nhiệt điện than có giá rẻ (nhờ chi phí đầu vào đã giảm mạnh) và sự trở lại mạnh mẽ của thủy điện từ giữa năm 2024, thời điểm dự báo kết thúc pha El Nino và bước vào pha trung tính. Tuy nhiên, xét đến việc thủy điện vẫn tiếp tục gặp bất lợi do El Nino trong nửa đầu 2024, sẽ hỗ trợ tích cực cho giá điện (CGM), chúng tôi kỳ vọng Biên lợi nhuận gộp và Biên lợi nhuận ròng sẽ phục hồi nhẹ và ổn định ở mức 11% và 8% trong cả năm.

Điểm nhấn đầu tư: (1) Doanh thu và Lợi nhuận có thể phục hồi tốt trong năm 2024 nhờ sản lượng điện phục hồi đáng kể (tăng trưởng 21%) so với mức thấp của 2023, trong khi giá bán điện trung bình cả năm có thể giảm nhẹ (giảm 1%). Theo đó, chúng tôi dự báo tổng sản lượng sẽ đạt khoảng 3.501 triệu kWh trong năm 2024.

(2) NT2 có Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn duy trì ở mức cao và bền vững, cho phép công ty tiếp tục xu hướng giảm nợ vay và chi trả cổ tức ở mức cao trong tương lai.

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý cho NT2 là 32.300 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 27%.

Rủi ro: (1) Biến động bất lợi của giá khí tự nhiên; (2) Sự thay đổi bất lợi trong chính sách điều hành của Chính phủ.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VIB

CTCK Phú Hưng (PHS)

Kết thúc năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB – sàn HOSE) đạt 8.562 tỷ đồng (tăng 1,1% so với năm trước). NIM của VIB giảm nhẹ 2 bps so với cuối năm 2022 còn 4,75%. Tăng trưởng tín dụng năm 2023 của VIB đạt 14,2%. Sự tăng trưởng ở mảng dịch vụ thanh toán, hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối, và hoạt động kinh doanh thu hồi nợ là động lực chính cho tăng trưởng 55% thu nhập ngoài lãi.

Điểm nhấn đầu tư: Ngân hàng dẫn đầu tăng trưởng nhờ mở rộng các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Cho vay mua ô tô của VIB dẫn đầu thị trường với thị phần 12% toàn thị trường, trong khi mảng Cho vay mua nhà có tăng trưởng cao nhất thị trường (45% vào năm 2018, 46% vào năm 2019, 41% vào năm 2020, 25% vào năm 2021, 29% vào năm 2022, 6,3% vào năm 2023). Do đó, tăng trưởng tín dụng của VIB đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, với CAGR 19% trong giai đoạn 2019-2023.

Khả năng cải thiện NIM (Biên lãi thuần) được hỗ trợ bởi chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ và ngân hàng số. NIM của VIB tăng từ 2.9% vào năm 2016 lên 4,75% vào năm 2023, thuộc top những ngân hàng có NIM cao nhất.

Chúng tôi dự phóng tăng trưởng tín dụng của VIB năm 2024 đạt 18,9% nhờ hoạt động kinh tế Việt Nam được kỳ vọng khởi sắc trong năm 2024. Nhờ hoạt động tín dụng tăng trưởng tốt, chúng tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng nhẹ trong khi lãi suất huy động tăng chậm hơn, chúng tôi dự phóng NIM năm 2024 đạt 4,85%.

Chúng tôi kỳ vọng áp lực nợ xấu sẽ gia tăng do khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu và sự ảnh của những khó khăn năm 2023, nhưng sự phục hồi của nền kinh tế sẽ góp phần giảm nhẹ gánh nặng nợ xấu. Qua đó, chúng tôi dự phóng tỷ lệ nợ xấu năm 2024 đạt 3,59% và chi phí trích lập dự phòng năm 2024 của VIB là 5.287 tỷ đồng (tăng trưởng 9%). Do đó, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế của VIB năm 2024 là 9.843 tỷ đồng (tăng trưởng 15%).

Bằng phương pháp định giá Residual Income và P/B, chúng tôi khuyến nghị mua đối với VIB ở mức 27.000 đồng/cổ phiếu, cho thấy tiềm năng tăng giá 27% so với giá hiện tại.

Rủi ro: (1) Tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp nhất trong ngành, và việc gia tăng mạnh nợ cần chú ý, sẽ tạo sức ép lên lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2023; (2) Rủi ro lạm phát cao ảnh hưởng đến cho vay bán lẻ.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MWG

CTCK Vietcombank (VCBS)

Luận điểm đầu tư dành cho cổ phiếu MWG của CTCP Thế giới Di động, gồm Thế giới di động và Điện máy xanh: Doanh thu hai chuỗi này được dự báo phục hồi chậm ở mức 1 con số, đạt 89.767 tỷ đồng (tăng 7% so với năm trước) trong năm 2024 trên cơ sở (1) kinh tế phục hồi, (2) các chính sách hỗ trợ của chính phủ dành cho tiêu dùng trong nước và, (3) hàng tồn kho đối với các sản phẩm ICT đã về mức thấp.

Chúng tôi cũng kỳ vọng biên lợi nhuận cho mảng ICT sẽ duy trì mức tương đương quý IV/2023 (khoảng 2,8%) khi cuộc chiến giá bớt khốc liệt.

Bách Hóa Xanh: Việc Bách Hóa Xanh hòa vốn trong tháng 12/2023 đã đưa MWG sang một bước phát triển mới. Chúng tôi cho rằng doanh thu Bách Hóa Xanh sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024 nhờ tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ và mở mới một cách chọn lọc. Với giả định doanh thu thuần Bách Hóa Xanh đạt 36.700 tỷ trong 2024 (tăng trưởng 18%) và MWG tiếp tục cắt giảm chi phí, chúng tôi kì vọng Bách Hóa Xanh có thể đem về lãi ròng 300 – 400 tỷ trong 2024.

Rủi ro đầu tư: Sức mua hồi phục chậm hơn dự kiến đối với mảng ICT, cạnh tranh giá tiếp tục gay gắt; Bách hóa xanh không tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ như kì vọng (<15%).

Chúng tôi khuyến nghị mua MWG với giá mục tiêu 56.100 đồng/cp, tương đương với P/E mục tiêu đạt 35x dựa trên triển vọng tích cực của việc hòa vốn Bách Hóa Xanh và sự hồi phục của mảng điện máy trong năm tới.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục