MBS Khuyến nghị mua DGW và MWG
Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng công nghệ (technical consumer goods) tại Việt Nam có mức tăng trưởng đều qua các năm. Trong giai đoạn 2011 – 2015, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này đã tăng trưởng với tốc độ bình quân 15,7%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng mức tiêu thụ mặt hàng công nghệ đạt 94.472 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ.
Trong tương lai, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khi các hãng sản xuất liên tục có cải tiến ra mắt sản phẩm mới trên nền tảng điện thoại thông minh. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ cũng gia tăng cùng với sự gia tăng thu nhập bình quân đầu người.
Đều đặn qua các năm, thị phần của các chuỗi bán lẻ hiện đại dần dần gia tăng, và lấn sâu vào thị phần của các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống (mom and pop). Từ năm 2011, thị phần của các chuỗi bán lẻ hiện đại chỉ chiếm khoảng dưới 20%, trong khi đến năm 2016, thị phần của các chuỗi bán lẻ trong thị trường hàng hóa công nghệ điện tử gia tăng lên mức khoảng 55%.
Thị trường hàng hóa công nghệ điện tử dành cho các nhà phân phối bán sỉ ngày càng thu hẹp, khi mà thị phần của các cửa hàng mom and pop đang sụt giảm mạnh. Do các chuỗi bán lẻ lớn đang dần nhập hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất, thay vì thông qua các nhà phân phối bán sỉ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phân phối có thể giữ vững được vị thế trung gian phân phối, bằng chiến lược phân phối độc quyền kèm theo dịch vụ marketing cho các hãng sản xuất.
Vì vậy, sau khi xem xét chuỗi giá trị ngành phân phối và bán lẻ hàng công nghệ điện tử, chúng tôi đề xuất hai cơ hội đầu tư tương ứng với hai mảng lần lượt là CTCP Digiworld (DGW) và CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG).
Cụ thể, DGW là một trong số ít doanh nghiệp hoạt động phân phối độc quyền cho các hãng sản xuất, kèm theo các dịch vụ marketing và bán hàng. Điều này giúp doanh nghiệp duy trì được vị thế và thị trường trong bối cảnh ngành phân phối gặp khó khăn.
Trong khi đó, MWG trong hiện tại là chuỗi bán lẻ có quy mô lớn nhất trên thị trường hàng công nghệ điện tử. Vị thế của doanh nghiệp được xây dựng từ chất lượng dịch vụ, quản trị hàng tồn kho, và chính sách nhân sự. Điều này giúp doanh nghiệp tạo sự vượt trội so với các cửa hàng bán lẻ truyền thống, gia tăng thị phần và tăng trưởng trong tương lai.
KIS khuyến nghị mua vào cổ phiếu VSH
Theo nhận định của KIS, đồ thị tuần, cổ phiếu VSH của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh tăng mạnh sau giai đoan tích lũy và phá đỉnh trung hạn 16,5. Khối lượng giao dịch tăng đột biến và gấp 5 lần trung bình 15 ngày. Đồng thời chỉ báo Chaikin, OBV và MFI(14) tăng đồng loạt phản ánh dòng tiền đang rất mạnh.
Bên cạnh đó, khoảng cách giữa +DI và –DI đang rộng ra, và ADX(14) cắt đường –DI xác nhận xu hướng tăng trung hạn, Ngoài ra, đường MACD cũng tăng mạnh từ đường 0, hỗ trợ tích cực cho đường giá.
Ngoài ra, đường Bolinger band đang mở rộng ra xác nhận xu hướng tăng trung hạn.
Vì vậy, khuyến nghị mua vào cổ phiếu VSH với giá mục tiêu 20.000 đồng/CP, giá cắt lỗ 16.000 đồng/CP và thời gian đầu tư là 3 tháng.
>> Tải báo cáo