Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/5

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán lược trích phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/5 của một số công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/5

MSN: Khuyến nghị theo dõi

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Năm 2013, kết quả kinh doanh của MSN kém khả quan khi doanh thu không còn duy trì đà tăng trưởng mạnh như các năm trước và lợi nhuận sụt giảm khá mạnh. Cụ thể doanh thu thuần chỉ đạt 11.943 tỷ đồng, tăng 15% thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kép bình quân của giai đoạn 2010 – 2012 khoảng 38%. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ chỉ đạt 451 tỷ đồng, giảm đến 64% so với năm trước. 

Nguyên nhân chính là do MSN đẩy mạnh đầu tư và tái cơ cấu, trong khi hoạt động tài chính và liên doanh liên kết kém hiệu quả. MSN tập trung đẩy mạnh đầu tư bằng việc đưa các sản phẩm mới. Công ty khá thành công khi đưa ra sản phẩm mì ăn liền cho thị trường trung cấp là Sagami. 

Cùng với các nhãn hàng thuộc hai phân cao cấp (Omachi) và phổ thông (Kokomi), MSN đang hướng đến mục tiêu chiếm lĩnh 40% thị phần ngành hàng mì ăn liền để trở thành công ty dẫn đầu trong ngành mì ăn liền ở Việt Nam. Bên cạnh đó, sản phẩm cháo dinh dưỡng B'fast và cháo Komi được người tiêu dùng chấp nhận tốt cũng góp phần làm gia tăng vị thế của MSN trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi. Mảng còn lại là cà phê tăng trưởng doanh thu khoảng 9% nhờ tái tung sản phẩm Wake Up Sài Gòn vào giữa năm 2013 và việc tung ra sản phẩm cà phê 2 trong 1.

Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện không đáng kể, tăng nhẹ lên 42% từ mức 41% trong khi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng khá mạnh, lần lượt 51% và 28% so với năm trước chủ yếu để phát triển sản phẩm mới và xây dựng thương hiệu khiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thuần chỉ đạt 2.128 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với năm trước.

Lợi nhuận tài chính giảm mạnh chỉ đạt 57 tỷ đồng do doanh thu tài chính giảm chỉ còn khoảng 664 tỷ đồng trong năm 2013, (-18% so với năm trước) trong khi chi phí tài chính tăng gần gấp 2 lần so với năm 2012, lên đến 606 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí lãi vay (chiếm 66% chi phí tài chính) trả cho ngân hàng và trái chủ lần lượt tăng 43% và 46% so với năm trước.

Sau khi bị lỗ khá nặng vào quý IV/2012, TCB đã có những cải thiện nhất định tuy nhiên mức lãi thu được còn khá khiêm tốn, cụ thể lợi nhuận thuần trong năm 2013 đạt 659 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2012, khiến phần đóng góp của TCB vào MSN sau khi trừ phân bổ lợi thế thương mại vẫn bị âm đến 193 tỷ đồng Kết quả lợi nhuận sau thuế của MSN chỉ đạt 1.297 tỷ đồng (-34% so với năm trước, 36% kế hoạch), bên cạnh đó phần lợi ích cổ đông thiểu số tăng cao (+24% so với năm trước) do tỷ lệ đầu tư vào các công ty con giảm 41% khiến lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ còn 451 tỷ đồng, sụt giảm mạnh đến 66% so với năm trước, tương ứng TLSN ròng = 4% và EPS pha loãng chỉ khoảng 429 đồng/cổ phiếu là mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

Công ty kỳ vọng sẽ tạo 3.000 – 3.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2014 (đã được điều chỉnh để phản ánh kết quả kinh doanh trong điều kiện bình thường bằng cách loại bỏ tác động của phân bổ lợi thế thương mại)

Tỷ đồng

Kế hoạch 2014

Thực hiện

2013

+/-so với năm 2013

Thấp

Cao

Thấp

Cao

DTT

21.000

22.500

11.943

76%

88%

LNST*

3.000

3.800

2.161

39%

76%

TSLN ròng

14%

17%

18%

     (*: Dữ liệu Proforma, Nguồn: Tài liệu họp ĐHCĐ 2014 – MSN)

Kế hoạch kinh doanh được xây dựng dựa trên hai trụ cột chính. (1) Masan Consumer tiếp tục tăng trưởng nhờ các ngành hàng mới đi vào ổn định, dự kiến đóng góp khoảng 16.000-17.000 tỷ đồng doanh thu, và 3.200 – 4.000 tỷ đồng lợi nhuận. (2) Masan Resources với dự án Mỏ Núi pháo bắt đầu mang lại doanh thu dự kiến đóng góp khoảng 5.000 – 6.000 tỷ đồng, có thể bắt đầu được ghi nhận tính từ quý II/2014. 

Chúng tôi cho rằng kế hoạch này cũng khá thách thức đối với MSN. Dựa trên một số giả định (i) ngành hàng mì ăn liền tăng trưởng khả quan (+15%) do thị phần gia tăng (ii) các ngành hàng khác tăng vượt trội so với trung bình ngành khoảng 3%, (iii) doanh thu dự án Núi Pháo đóng góp 5.000 tỷ đồng và một số giả định khác, chúng tôi dự báo công ty có thể đạt 19.200 tỷ đồng doanh thu (+58% so với năm trước) và 1.625 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+24% so với năm trước).

Đối với kế hoạch đầu tư: Các khoản đầu tư lớn vào tài sản cố định theo kế hoạch trong năm 2014 dự kiến sẽ vào khoảng 3.000 - 3.250 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư này chưa bao gồm các thương vụ M&A tiềm năng.

Phân loại

Tấn

WO3 %

CaF2%

Bi%

Cu%

Au g/t

Đã chứng thực

25.200.000

0,26

8,31

0,12

0,25

0,27

Tiềm năng

39.350.000

0,17

7,71

0,08

0,17

0,18

Tổng trữ lượng

52.540.000

0,21

8,00

0,10

0,21

0,22

(Nguồn: Bảng ước tính tài nguyên khoáng sản, BCTN 2014 – MSN)

Đầu năm 2014 đến nay, trị giá sản phẩm giao cho khách hàng đã đạt hơn 14,4 triệu USD bao gồm các sản phẩm giá trị gia tăng vonfram, cũng như tinh quặng florit và đồng.

MSN là tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Việt Nam hiện nay với chiến lược phát triển tập trung vào ngành hàng tiêu dùng với thế mạnh về thương hiệu, quản trị và năng lực đàm phán tốt trong các thương vụ M&A. Tuy nhiên kết quả kinh doanh 2013 không khả quan cùng với cấu trúc vốn nghiêng nhiều về nợ, làm gia tăng áp lực tài chính và khiến áp lực dòng tiền trở nên đáng ngại đối với MSN. 

Chúng tôi kỳ vọng tình hình của MSN sẽ khả quan hơn vào năm 2014, khi ngành hàng tiêu dùng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho MSN, bên cạnh việc dự án Núi pháo bắt đầu có dòng tiền và đóng góp doanh thu từ quý II/2014.  Dự báo MSN có thể đạt 19.200 tỷ đồng doanh thu (+58% so với năm trước) và 1.625 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+24% so với năm trước) trong năm 2014. Do đó chúng tôi khuyến nghị “THEO DÕI” đối với MSN.

BMP: P/E tương ứng là 10,6x

(CTCK Rồng Việt – VDSC)

Hôm nay, sau khi một số phương tiện truyền thông đưa lại tin về vấn đề bị truy thu thuế của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP – sàn HOSE), có nhiều khách hàng hỏi chúng tôi chúng tôi về vấn đề này. Đây thật sự là chuyện không mới, trong báo cáo cập nhật gần nhất của RongViet Securities về BMP, chúng tôi có đề cập đến vấn đề bị truy thu thuế TNDN của công ty này. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Cục Thuế TP.HCM vẫn chưa có văn bản trả lời cụ thể. Cách đây 1 tháng (11/04/2014), Cục Thuế TP.HCM đã ra văn bản bác bỏ toàn bộ nội dung khiếu nại của BMP.

Trong năm 2013, BMP đã nộp 71,3 tỷ đồng tiền thuế bị truy thu nhưng không phản ánh vào chi phí trong kỳ mà vẫn “treo” ở khoản Phải thu khác. Như vậy, với quyết định mới nhất, BMP có thể sẽ phải nộp thêm 3,7 tỷ đồng tiền thuế bị truy thu và 42,1 tỷ đồng tiền phạt. 

Chúng tôi cho rằng khoản tiền 117 tỷ đồng (bao gồm nộp thuế bị truy thu và nộp phạt) có thể được hạch toán theo hai phương án sau: (1) Điều chỉnh giảm lợi nhuận giai đoạn 2009-2010 (giai đoạn áp dụng sai ưu đãi thuế) khiến lợi nhuận giữ lại giảm nhưng LNST 2014 sẽ không bị ảnh hưởng; (2) Hạch toán cả hai khoản vào kết quả kinh doanh của năm 2014. Trong trường hợp thứ hai, chúng tôi điều chỉnh giảm LNST dự phóng cho năm 2014 của BMP xuống còn 275,8 tỷ đồng (-7% so với lần câp nhật gần nhất), tương đương với mức EPS là 6.064 đồng và P/E tương ứng là 10,6x.

DCL: PE thấp hơn bình quân ngành

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Doanh thu quý I/2014 của CTCP Dược phẩm Cửu Long (DCL) tăng 16,7% so với cùng kỳ đạt 173,8 tỷ đồng. Nhờ hiệu quả từ việc tái cơ cấu danh mục sản phẩm, biên lợi nhuận gộp tiếp tục được cải thiện từ 30,7% trong quý I/2013 lên 34,8% trong quý I/2014 giúp lãi gộp quý I/2014 tăng đến 32,2% so với cùng kỳ lên 60,4 tỷ đồng. Đặc biệt hơn, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh gần 200% so với cùng kỳ, đạt 11,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chi phí tài chính ròng (chủ yếu là lãi vay) đã giảm đáng kể, gần 50% so với cùng kỳ xuống còn 6 tỷ đồng trong quý I/2014. Tổng nợ vay của DCL (tính đến 31/3/2014) khoảng 254 tỷ đồng (-19% so với cùng kỳ), tương đương với tỷ lệ nợ/VCSH khoảng 0,9x, so với mức 1,2x của quý I/2013.

Kế hoạch 2014. ĐHCĐ thường niên 2014 của DCL cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2014 với 750 tỷ đồng doanh thu (+11,2% so với cùng kỳ) và 38 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+25,4% so với cùng kỳ). Lưu ý, 2014 DCL sẽ tập trung đẩy mạnh nhóm hàng dược phẩm do nhóm hàng Capsule (chiếm gần 30% tổng doanh thu) và dụng cụ y tế (chiếm 10% tổng doanh thu) hiện đã sản xuất ở mức công suất tối đa. Như vậy, kết thúc quý I/2014, DCL đã hoàn thành được 23,2% và 30,4% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận. Công ty cũng dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt 2014 khoảng 1.000-1.500 đồng/cp.

Cổ phiếu DCL đã chính thức ra khỏi diện kiểm soát từ ngày 08/04/2014. Quá trình tái cơ cấu trong thời gian qua đã giúp cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh cũng như tình hình tài chính của công ty. DCL hiện đang giao dịch ở mức PE dự phóng khoảng 7x, thấp hơn so với bình quân ngành 10x.

PVD là cổ phiếu đáng quan tâm đối với nhà đầu tư dài hạn

CTCK Maybanh KimEng (MBKE)

Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 với doanh thu (DT) hợp nhất tăng 36% so với cùng kỳ, đạt 4.322 tỷ đồng. doanh thu hợp nhất quý I/2014 tăng chủ yếu là giá cho thuê bình quân đã tăng 15% so với cùng kỳ. Số giàn khoan thuê ngoài quý I/2014 đạt 6 giàn, tăng gấp đôi so với quý I/2013 là 3 giàn. Trong quý I/2014, doanh thu từ dịch vụ kỹ thuật giếng khoan và dịch vụ khác, chiếm 32% tổng doanh thu, tăng 81,9% so với cùng kỳ, đạt 1.389 tỷ đồng trong đó có đóng góp từ hợp đồng cung cấp dịch vụ trọn gói cho công ty ENI.

Lợi nhuận sau thuế quý I/2014 tăng 37,9% so với cùng kỳ, đạt 624,3 tỷ đồng. Chi phí tài chính ròng giảm 43,5% so với cùng kỳ xuống còn 49,4 tỷ đồng do doanh thu tài chính tăng 3,3x so cùng kỳ, đạt gần 32 tỷ đồng. Đến cuối quý I/2014, PVD đang nắm giữ lượng tiền và tương đương tiền là 2.425 tỷ đồng tăng gấp đôi so Q1/13 nhờ phát hành thành công 40 triệu cổ phiếu, thu về 1.473 tỷ đồng trong 2013. Ngoài ra, lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tăng 5,5x so với cùng kỳ 2013, đạt 23,8 tỷ đồng.

PVD thận trọng đặt kế hoạch doanh thu 2014 giảm 7,9% so với cùng kỳ còn 13.700 tỷ đồng do PVD ước số giàn khoan thuê ngoài sẽ không tăng so với năm 2013. Ngoài ra, PVD cũng thận trọng dự báo đơn giá cho thuê giàn khoan sẽ không tăng so với 2013. lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch giảm 12,4% so với cùng kỳ, còn 1.650 tỷ đồng. Nguyên nhân là do công ty PVD mẹ không còn được hưởng thuế ưu đãi như các năm trước và lợi nhuận từ công ty LD không còn đột biến như năm 2013. Chúng tôi cho rằng, nhiều khả năng PVD sẽ vượt kế hoạch kinh doanh 2014 do: 1) Tính đến hết quý I/2014, PVD đã lần lượt hoàn thành 31,5% và 37,8% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2014; 2) giá cho thuê 1 số giàn khoan bắt đầu tăng đáng kể từ quý III/2013, điều này đồng nghĩa rằng kết quả kinh doanh Q2/14 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ; 3) Với lợi thế giàn khoan mới (trung bình 5 năm tuổi so với trung bình trên 20 tuổi của các giàn khác trong nước), nhiều khả năng PVD có thể điều chỉnh tăng giá cho thuê giàn khoan trong nửa cuối 2014.

Triển vọng dài hạn tốt với dự án đóng giàn khoan mới. Trong tháng 7/2013 PVDO đã ký hợp đồng đóng một giàn khoan tự nâng thế hệ mới trị giá khoảng 210 triệu USD với Công ty Keppel FELS Limited. Dự kiến được bàn giao cho công ty PVDO (PVD đã hoàn tất thủ tục nâng vốn từ 50% lên 80%) vào quý I/2015. Dự án mở ra cơ hội kinh doanh ra thị trường thế giới của PVD, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á, nơi dự kiến có nhu cầu giàn khoan tự nâng tăng mạnh trong giai đoạn 2013-2017. Ngoài ra, trong ĐHCĐ 2014 gần đây, PVD cho biết có kế hoạch góp vốn đầu tư (20% - 30%) thêm 1 giàn khoan nửa nổi nửa chìm (semi-submersible) vào 2015.

PVD đang được giao dịch tại P/E 2014 là 9,3 lần, thấp hơn trung bình ngành

(Bloomberg consensus) trong khu vực hiện tại là 11,4x. Chúng tôi cho rằng cổ phiếu PVD là cổ phiếu đáng quan tâm đối với nhà đầu tư dài hạn. 

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,221.03 4.67 0.38% 170,273 tỷ
HNX 228.22 0.73 0.32% 1,402 tỷ
UPCOM 89.78 0.09 0.1% 617 tỷ