Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/5

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/5 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/5

Khuyến nghị mua cổ phiếu SMC với giá mục tiêu 48.600 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi khuyến nghị mua mã cổ phiếu SMC của CTCP Ðầu tư Thương mại SMC với giá 48.600 đồng/CP, upside 30% so với giá ngày 12/5/2021 với phương pháp P/E với P/E mục tiêu là 4.8 lần cao hơn P/E 5 năm của công ty là 4.3 lần.

BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 2021 lần lượt đạt 19.911 tỷ đồng (tăng 26,5% so với năm ngoái) và 630 tỷ đồng (tăng trưởng 106%). EPS fw = 10.118 đồng và P/E fw=3.3, P/B fw =1

Luận điểm đầu tư: SMC hưởng lợi từ nhu cầu thép tăng mạnh nhờ (1) Trung Quốc mạnh tay thay đổi ngành công nghiệp thép trong 2021 (2) hoạt động xây dựng phục hồi ;

Bên cạnh đó, từ doanh nghiệp thương mại sang doanh nghiệp gia công sản xuất, tập trung vào thị trường ngách với biên lợi nhuận ổn định ở mức cao hơn.

Khuyến nghị mua cổ phiếu MSH với giá mục tiêu 66.400 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Năm 2021, ngành Dệt may kỳ vọng phục hồi từ đáy khủng hoảng nhờ (i) Chuỗi sản xuất phục hồi với đơn hàng truyền thống tăng trở lại (ii) Một số sự kiện kỳ vọng thúc đẩy việc dịch chuyển đơn hàng Dệt may sang Việt Nam.

Trong đó, CTCP May Sông Hồng phục hồi từ đáy khủng hoảng với nhiều yếu tố tích cực trong năm 2021: Đơn hàng truyền thống khả quan, Đầu tư nhà máy mới (tăng 21% công suất) và Thu hồi một phần nợ xấu (49 tỷ đồng)

Cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2021: Doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 944 tỷ đồng (tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái) và 92 tỷ đồng (tăng trưởng 44%), tương đương hoàn thành 22,4% kế hoạch doanh thu và 27% kế hoạch lợi nhuận.

MSH đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2021 lần lượt là 4.200 tỷ đồng (tăng 10% so với năm trước) và 340 tỷ đồng (tăng trưởng 20%).

BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2021 của MSH lần lượt đạt 4.669 tỷ (tăng trưởng 22,5%) và 559 tỷ (tăng trưởng 98%) (bao gồm 49 tỷ đến từ việc hoàn nhập liên quan đến khoản phải thu của NewYork & Company), tương đương với EPS là 9.197 đồng/CP, PE fw là 5.8 lần.

Loại trừ khoản hoàn nhập năm 2020 và 2021, doanh thu đạt 4.669 tỷ (tăng trưởng 22,5%), lợi nhuận đạt 510 tỷ đồng (tăng trưởng 14,8%), tương đương EPS đạt 8.390 đồng/CP, PE fw là 6.4.

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MSH với giá mục tiêu 66.400 đồng, (+30.8% so với mức giá ngày 12/05/2021) cho năm 2021 dựa trên hai phương pháp FCFE và PE với tỷ trọng 60%/40% dựa trên triển vọng khả quan của ngành Dệt may và của doanh nghiệp May Sông Hồng.

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu ANV nằm tại mức 28.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu ANV của CTCP Nam Việt đang ở trong trạng thái đi ngang tích lũy tại khu vực 20-24 trong hơn 2 tháng nay. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn giữ giá trị ổn định.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 đồng thời đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 nên cổ phiếu tiềm năng sẽ thiết lập đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của ANV nằm tại khu vực xung quanh 22.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 28.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 21.8 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị mua cho VEA với giá mục tiêu 48.500 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Dựa theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) và Hyundai Thành Công, chúng tôi ước tính doanh số bán lẻ xe du lịch của Việt Nam tăng mạnh 166% so với cùng kỳ và 46% so với tháng trước trong tháng 4/2021, cho thấy nhu cầu ôtô cốt lõi mạnh mẽ tại Việt Nam dù hiệu ứng cơ sở thấp cũng đóng góp cho mức tăng này. Chúng tôi lưu ý rằng dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tiêu thụ ôtô trong nước cao nhất trong giai đoạn tháng 4/2020.

Trong số các thương hiệu lớn, Honda, Thaco và Mitsubishi ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất trong 4 tháng 2021 nhờ các mẫu xe chính như Ford Ranger (xe nhập khẩu/CBU, xe bán tải), Kia Seltos (xe lắp ráp trong nước/CKD, SUV) và Mitsubishi Xpander (CBU, xe đa dụng/MPV).

Trong khi đó, Toyota và Huyndai ghi nhận diễn biến kém tích cục nhất. Chúng tôi cho rằng kết quả thấp của Toyota chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung các mẫu xe mới như Corrolla Cross (mở bán trong tháng 8/2020) và Vios (phiên bản mới được bán trong tháng 2/2021) cũng như cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu vừa túi tiền như Mitsubishi.

Trong khi đó, doanh số xe máy của Honda Việt Nam tăng mạnh 210% YoY trong tháng 4/2021 và 15% trong 4 tháng 2021 khi nhu cầu xe máy trong nước phục hồi từ giai đoạn khó khăn trong tháng 4/2020, khi dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động bán xe máy tại Việt Nam.

Doanh số ôtô và xe máy quý 1/2021 nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho VEA với giá mục tiêu 48.500 đồng/CP.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DPM

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu cho Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) khoảng 4% khi điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số các năm 2021/2022 xuống lần lượt 8,2%/6,5% sau khi dự phóng lợi nhuận thấp hơn từ nhà máy NH3-NPK, mặc dù chi phí vốn chủ sở hữu đã giảm 50 điểm cơ bản.

Chúng tôi nâng xếp hạng từ phù hợp thị trường lên khả quan vì giá cổ phiếu DPM đã giảm khoảng 11% trong 1 tháng qua. Chúng tôi tin rằng DPM là cơ hội đầu tư vào một công ty có khả năng chia cổ tức cao nhờ năng lực tài chính mạnh mẽ và triển vọng lợi nhuận tích cực.

Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng EPS năm 2021 đạt 20,2% so với năm ngoái, do 1) giá urê tăng 11,0% bù đắp cho mức tăng giá khí đầu vào 10,4% và sản lượng tiêu thụ urê giảm 6,9% và 2) lợi nhuận bất thường 1,33 nghìn tỷ đồng từ việc thanh toán bảo hiểm cho sự cố kỹ thuật vào năm 2019.

Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) EPS đạt 9,6% trong giai đoạn 2020 - 2025 do công suất sử dụng của nhà máy NPK tăng vào năm 2022 và giá urê tăng khoảng 3%/năm giai đoạn 2022-2025.

DPM có năng lực tài chính vững chắc với tiền mặt ròng đạt 3,3 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 1/ 2021, theo quan điểm của chúng tôi, sẽ hỗ trợ mức cổ tức dự kiến là 1.500 đồng/CP (lợi suất cổ tức 8,2%) vào năm 2021.

DPM hiện đang giao dịch với EV/EBITDA 2021 đạt 3,0 lần (chiết khấu khoảng 65% so với các công ty cùng ngành), dựa theo dự báo của chúng tôi.

Rủi ro chính: Giá vận chuyển khí cao hơn dự kiến từ năm 2021 trở đi.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ