Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/3

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/3 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/3

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu AAA

CTCK MB (MBS)

Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (mã AAA) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2017 với doanh thu 2.900 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 160 tỷ đồng, tăng trưởng 12,7%, tương đương biên lợi nhuận ròng 6,6%.

Cổ tức dự kiến chi cho năm 2017 là 30%/năm bằng tiền mặt. Quý I/2017, AAA dự kiến sản lượng đạt 17.800 tấn, doanh thu đạt 600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng. Do 2 tháng đầu quý I/2017 trùng với thời gian nghỉ lễ của khách hàng (thị trường xuất khẩu) và nghỉ Tết truyền thống Việt Nam nên thường là quý có sản lượng thấp nhất trong năm.

Tiềm năng tăng trưởng trong năm 2017 của AAA là rất khả quan. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ được ghi nhận khi các nhà máy mới đi vào hoạt động, trong khi các nhà máy cũ đã gần hết khấu hao. Chúng tôi dự phóng AAA sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra với doanh thu đạt 2.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 160 tỷ đồng, tương đương EPS năm 2017 đạt 2.675 đồng/CP (giải định AAA tăng vốn thêm 5% trong năm 2017).

Hiện tại, cổ phiếu AAA đang giao dịch với mức P/E là 9,1 lần, thấp hoen P/E trên sàn HOSE (16 lần). Chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh P/E để định giá cổ phiếu AAA với P/E forward năm 2017 là 10,8 lần, giá hợp lý đối với cổ phiếu AAA là 29.000 đồng/CP. Do đó chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu AAA tại vùng giá hiện tại.

Khuyến nghị mua cổ phiếu SFG

CTCK MB (MBS)

Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam (mã SFG) đang kỳ vọng rằng luật thuế sẽ được thay đổi đưa phân bón từ mặt hàng miễn thuế GTGT thành mặt hàng chịu thuế GTGT 0%.

Trong năm 2015-2016, khi luật thuế cũ từ mức 5%, SFG đã không được khấu trừ cho các chi phó sản xuất đầu vào đặc biệt là mảng Supe Lân. Khoản thuế không được khấu trừ này ước tính làm gia tăng giá vốn hàng bán khoảng 40-50 tỷ đồng, so với mức lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng trong năm 2016.

Do đó, khi luật thuế mới được sửa đổi đưa phân bón vào dạng chịu thuế 0%, SFG sẽ giảm được giá vốn hàng bán, từ đó gia tăng được khoảng 36-40% lợi nhuận trước thuế so với hiện tại.

Chúng tôi dự phóng ở mức thận trọng với doanh thu trong năm 2017 của SFG đạt 2.590 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 94,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 3,8% so với thực hiện năm 2016, tương đương EPS forward năm 2017 đạt 1.958 đồng/CP (giả sử trong năm 2017 công ty tăng vốn thêm 10% lên 483 tỷ đồng).

Chúng tôi sử dụng 3 pheoeng pháp định giá là so sánh P/E, FCFE và FCFF để định giá cổ phiếu SFG. Giá hợp lý đối với cổ phiếu SFG là 16.380 đồng/CP. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu SFG ở mức giá hiện tại 11.500-12.500 đồng/CP.

 

Khuyến nghị tích cực cổ phiếu PNJ

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Theo chia sẻ của doanh nghiệp, doanh thu trong 2 tháng đầu năm 2017 của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ), mảng bán lẻ trang sức đạt mức tăng trưởng cao khoảng 41% so với cùng kỳ. Tăng trưởng này đến từ cả hai nhóm cửa hàng mới và cửa hàng hiện hữu.

Tính đến cuối tháng 2/2017 tổng số lượng cửa hàng của Công ty là 227 cửa hàng tăng 37 cửa hàng so với đầu năm 2016. Tính riêng nhóm cửa hàng hiện hữu từ đầu năm 2016 cũng đạt được mức tăng rất tích cực 27% so với cùng kỳ.

Với tín hiện lạc quan của nhóm doanh thu bán lẻ trang sức, mảng đóng góp đến gần 57% tổng doanh thu và 88% lợi nhuận gộp của Công ty năm 2016, kết quả kinh doanh của quý 1/2017 sẽ có mức tăng tích cực so với cùng kỳ.

Theo kế hoạch gần đây của PNJ, số lượng cửa hàng mới công ty dự định sẽ mở trong hai năm 2017 – 2018 là 40 cửa hàng/năm. Riêng năm 2017, số lượng của hàng mới sẽ tập trung tại 3 khu vực chính TP. HCM (11 cửa hàng), Miền Bắc (10 cửa hàng) và Tây Nam Bộ (10 cửa hàng).

Với kế hoạch này, PNJ sẽ tiếp tục là doanh nghiệp có hệ thống bán lẻ mạnh nhất và khó có đối thủ nào vượt qua trong tối thiểu 5 năm tới. Với tổng số 227 cửa hàng bán lẻ, PNJ hiện có số lượng cửa hàng gấp gần 5 lần so với đối thủ thứ hai là SJC.

Mặc dù tốc độ mở cửa hàng khá nhanh nhưng chúng tôi nhận thấy vẫn khả thi nhờ thị trường còn đang phát triển và tạo ra những điểm trống phù hợp cho sự phát triển cửa hàng bán lẻ trang sức. Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng mở rộng cùng với việc đô thị hóa nhanh chóng đã hình thành thêm các khu vực có số lượng dân cư và thu nhập phù hợp với tiêu chí mở các cửa hàng bán lẻ do đó tốc độ phát triển cửa hàng mới của PNJ cũng nhanh hơn.

PNJ cho biết hiện Công ty đang chờ chấp thuận của UBCK Nhà nước cho việc phát hành 9.8 triệu cổ phiếu bằng hình thức đấu giá có thể sẽ được thực hiện trong tháng 4/2017. Nguồn vốn từ đợt phát hành này theo kế hoạch sẽ được sử dụng cho việc bổ sung nguồn vốn kinh doanh và phát triển cửa hàng bán lẻ.

Doanh thu năm 2017 được dự báo đạt 9,657 tỷ đồng, tăng 10.6% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu bán lẻ trang sức là 5,592 tỷ tăng 29%yoy nhờ tăng trưởng từ nhóm cửa hàng cũ là 9.1% và phát triển thêm 40 cửa hàng mới. Lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 42.5% đạt 642 tỷ đồng. EPS 2017 tương ứng là 5,935 đồng/cp

Sau khi đã thoái vốn khỏi các công ty ngoài ngành và thực hiện trích lập dự phòng 100% cho đầu tư tài chính vào ngân hàng DAB, hiện nay PNJ chỉ hoàn toàn tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính của mình.

Tín hiệu tăng trưởng của các tháng đầu năm cho thấy 2017 sẽ là năm PNJ có được tăng trưởng mạnh nhờ sự phát triển nhanh hệ thống bán lẻ trong các năm qua. Thế mạnh về hệ thống bán lẻ, chính sách bán hàng, mẫu mã sản phẩm và triển vọng tích cực của ngành hành trang sức tại Việt Nam sẽ còn giúp PNJ tiếp tục duy trì tăng trưởng cao cho các năm tiếp theo.

Mức giá hợp lý cho PNJ là 96,000 đồng/cp cao hơn 22% so với giá giao dịch hiện tại, do đó chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu PNJ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục