Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/5

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/5 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/5

Khuyến nghị tích cực dành cho ACB với giá mục tiêu 28.000 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu đóng cửa ở mức 21.400 đồng/cp ngày 8/5/2020, giao dịch tại mức P/B FY20 là 1,0 lần và PER FY20 là 5,7 lần với mức ROA FY20F là 1,6% và ROE FY20F là 20%.

Duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với mức giá mục tiêu 1 năm là 28.000 đồng/ cp (tiềm năng tăng giá 31%), định giá cổ phiếu ở mức P/B hợp lý là 1,4 lần.

ACB là một trong những ngân hàng có chiến lược kinh doanh thận trọng nhất ở Việt Nam và sở hữu mô hình ngân hàng bán lẻ thế chấp tốt nhất hiện nay.

Mặc dù tác động do COVID-19 sẽ rõ ràng hơn trong những quý tới, chúng tôi tin rằng ACB là ngân hàng có sức kháng cự tốt, vượt trội so với các ngân hàng niêm yết khác khi tỷ trọng dư nợ cá nhân lớn (hỗ trợ NIM, tối ưu hóa phân tán rủi ro, kiềm chế hình thành nợ xấu mới), khẩu vị rủi ro thấp (ít tiếp xúc với ngành dễ tổn thương như xây dựng, bất động sản, du lịch - khách sạn và vận tải), bảng cân đối kế toán mạnh và quản lý rủi ro xuất xắc.

Dù triển vọng kinh doanh FY20 có thể thấp, tăng trưởng 1 chữ số, chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh của ngân hàng sẽ phục hồi trở lại vào năm 2021.

Hơn nữa, thương vụ hợp tác banca độc quyền dự kiến diễn ra trong năm nay sẽ tạo ra một khoản thu nhập bất thường và dòng thu nhập định kỳ ổn định trong tương lai.

Đồng thời, việc thoái vốn khỏi ACBS và việc niêm yết trên sàn HOSE sẽ là những nhân tố bí ẩn khác hỗ trợ giá cổ phiếu ACB.

Mặc dù những động lực này có thể sẽ không xảy ra trong năm nay trước tình hình hiện tại, những catalysts này sẽ mở ra những câu chuyện tăng trưởng thú vị trong năm 2021.

>> Tải báo cáo

Có thể mở vị thế đối với HBC quanh ngưỡng giá 8.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang hình thành xu hướng tăng giá sau khia tạo hình thành vùng hỗ trợ trung hạn trong khoảng 7-8. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ tín hiệu tăng giá tích cực. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đã hình thành.

HBC nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 12 trong các phiên giao dịch tới. Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại quanh ngưỡng giá 8.5, chốt lãi tại vùng giá 11-12 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ 7.0.

Khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu CSV

CTCK BIDV (BSC)

Doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế quý I/2020 của Công ty cổ phần Hóa chất Cơ bản miền Nam (CSV – sàn HOSE) lần lượt đạt 329 tỷ đồng (giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 59 tỷ đồng (giảm 18,6%), tương ứng công ty đã hoàn thành 20% kế hoạch doanh thu thuần và 23% lợi nhuận.

Sản lượng tiêu thụ quý 1 năm 2020 giảm mạnh do nhu cầu thấp. Sản lượng xút giảm 9,7% so với cùng kỳ, Axit Clo giảm 19,2%, Axit Sulfuric giảm 13,4%.

Giá bán các sản phẩm chính hầu hết đều suy giảm. Giá xút trung bình đạt 3,7 triệu đồng/tấn (giảm 9,7%), Axit Clo đạt 1,9 triệu đồng/tấn (giảm 19,2%) và Axit Sulfuric đạt 1,9 triệu/tấn (giảm 13,4%). 

Hiện tại, việc di dời Nhà máy đã được Vinachem phê duyệt chủ trương. CSV sẽ thuê đơn vị tư vấn lập báo cáo khả thi dự án, sau đó được Vinachem phê duyệt sẽ tiến hành trình cổ đông.

CSV đặt doanh thu và lợi nhuận trước thuế cho năm 2020 lần lượt là 1.643 tỷ đồng (tăng 4,9% so với năm ngoái) và 257 tỷ đồng (giảm 18,3%). EPS 2020 là 4.652 đồng/CP, PE fw là 4.4. Kế hoạch chưa tính đến ảnh hưởng của Covid.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/05/2019, CSV đóng cửa ở mức giá 20.600 đồng/CP; tương đương với mức P/E fw là 4.4, mức định giá thấp nhất trong lịch sử. 

Khuyến nghị mua DGW với giá mục tiêu 32.100 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh quý I/2020 của Công ty cổ phần Thế giới số (DGW) ghi nhận dấu mốc mới trong lịch sử do yếu tố “bất ngờ” từ dịch Covid-19. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức kỷ lục mới đạt lần lượt 2.367 tỷ đồng (tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái) và 45 tỷ đồng (tăng trưởng 80%), hoàn thành lần lượt 22,7% và 22,3% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2020. Động lực tăng trưởng đột biến chủ yếu từ một số nhóm ngành như (1) Máy tính xách tay và Máy tính bảng và (2) Điện thoại di động.

BSC điều chỉnh giảm nhẹ dự báo kết quả kinh doanh 2020 của DGW với doanh thu thuần đạt 10.259 tỷ đồng (tăng 19,2% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 197 tỷ đồng (tăng trưởng 26,5%), giảm 3% so với dự phóng trước đó do điều chỉnh giảm mảng kinh doanh hàng tiêu dùng so với kỳ vọng trước đó của chúng tôi. EPS 2020F= 4.586 đồng/cổ phiếu. PE FW = 5.2x lần.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGW với giá mục tiêu 32.100 đồng/cp (tăng 19,3% so với mức giá đóng cửa ngày 12/05/2020). Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá PE với mức PE mục tiêu là 7 lần.

Khuyến nghị mua dành cho HSG với giá mục tiêu 10.300 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) báo cáo kết quả kinh doanh sơ bộ mạnh mẽ trong tháng 4/2020 với doanh thu đạt 2,2 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 90 tỷ đồng. Trong 7 tháng năm tài chính 2020 (năm tài chính cùa HSG bắt đầu ngày 30/09), HSG ghi nhận doanh thu 14,6 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 472 tỷ đồng.

Qua trao đổi của chúng tôi với ban lãnh đạo công ty, chúng tôi lưu ý rằng kết quả kinh doanh trong tháng 4 hoàn toàn đến từ mảng kinh doanh cốt lõi và không ghi nhận lãi bất thường.

Lợi nhuận tích cực chủ yếu đến từ tăng trưởng biên lợi nhuận khi HSG duy trì lượng tồn kho thấp cho cả HRC đầu vào và sản phẩm thép thành phẩm trong bối cảnh giá HRC giảm. Giá HRC đã giảm mạnh 18% từ cuối 2019 đến nay.

Khi kết quả kinh doanh quý 2/2020 của HSG (xem thêm chi tiết trong báo cáo KQKD HSG của chúng tôi) và kết quả kinh doanh tháng 4 tích cực hơn dự báo của chúng tôi, chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh tăng dự báo cho HSG.

Hiện tại, chúng tôi có khuyến nghị mua dành cho HSG với giá mục tiêu 10.300 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 22%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Khuyến nghị mua dành cho VEA với giá mục tiêu 45.900 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Dựa theo dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) và Huyndai Thành Công, chúng tôi ước tính rằng doanh số bán lẻ ôtô du cũa Việt Nam đã giảm mạnh 50% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 4/2020 và 32% trong 4 tháng 2020.

Trong số các công ty hàng đầu thị trường, Toyota và Mitsubishi ghi nhận mức giảm thấp nhất trong tháng 4/2020, nhờ các mẫu xe bán chạy nhất như Toyota Vios (xe 4 chỗ, lắp ráp trong nước) và Mitshubishi Xpander (xe MPV, nhập khẩu).

Honda Việt Nam cũng công bố kết quả bán hàng tháng 4/2020. Tương ứng, doanh số bán xe máy của Honda Việt Nam giảm mạnh 72% so với cùng kỳ năm ngoái và 61% so với tháng trước. Trong 4 tháng 2020, Honda Việt Nam ghi nhận doanh số xe máy giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chúng tôi cho rằng kết quả thấp này đến từ các biện pháp giãn cách xã hội mà Chính phủ đã áp dụng trong tháng 4/2020. Trong giai đoạn này, phần lớn các nhà máy ôtô/xe máy và  showroom tại Việt Nam đều đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động nhằm đáp ứng với lời kêu gọi của Chính phủ để kiểm soát dịch COVID-19. Nhìn chung, các kết quả này thấp hơn dự báo của chúng tôi, dù cần đánh giá chi tiết hơn.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho VEA với giá mục tiêu 45.900 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 32,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 13,2%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Khuyến nghị mua dành cho GMD với giá mục tiêu 25.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Gemadept (GMD) nhưng điều chỉnh giảm giá mục tiêu 9,4% còn 25.100 đồng/CP.

Giá mục tiêu của chúng tôi điều chỉnh giảm chủ yếu do (1) chi phí vốn ước tính cao hơn 0,9 điểm % và (2) điều chỉnh giảm trung bình 6% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của chúng tôi giai đoạn 2020-2024. Đáng chú ý, chúng tôi điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số các năm 2020/2021/2022 lần lượt 12%/6%/5% so với giả định trước đây.

Các mức giảm này phản ánh quan điểm thận trọng hơn của chúng tôi đến sản lượng thương mại toàn cầu trong bối cảnh dịch COVID-19. Giả định cơ sở hiện tại của chúng tôi là các gián đoạn kinh tế từ dịch COVID-19 sẽ đạt đỉnh vào cuối quý 2, các hoạt động thương mại toàn cầu dần phục hồi trong quý 3 và bình thường hóa trong quý 4.

Định giá của chúng tôi do GMD cũng bị ảnh hưởng bởi mức giảm 7% trong định giá của chúng tôi cho CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS), công ty mà GMD sở hữu 35%. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng xem thêm trong báo cáo cập nhật SCS: Nhiều thách thức phía trước trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm tốc.

Trong năm 2020, chúng tôi dự báo doanh thu đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (giảm 6,6% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 414 tỷ đồng (giảm 20%). Không tính lãi bất thường từ thoái vốn, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi 2020 sẽ giảm 9,7% đạt 425 tỷ đồng.

Trong năm 2021, chúng tôi dự báo sự phục hồi mạnh mẽ 17% trong lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của GMD, đến từ tăng trưởng của mảng cảng và thu nhập ròng từ công ty liên kết tăng mạnh sau khi hoạt động thương mại toàn cầu phục hồi sau dịch COVID-19.

Chúng tôi kỳ vọng GMD sẽ là công ty hưởng lợi từ hoạt động sản xuất đang gia tăng tại Việt Nam và cho rằng định giá của công ty là hấp dẫn, dù quan điểm của chúng tôi rằng bối cảnh cạnh tranh sẽ tiếp tục nhiều thách thức do công suất dư thừa tại cụm cảng ở miền Bắc.

Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: tăng trưởng chững lại của lượng hàng hóa và/hoặc phí; sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam chậm lai, có khả năng hạn chế tăng trưởng dòng chảy hàng hóa.

Khuyến nghị mua dành cho STB với giá mục tiêu 15.400 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), nhưng điều chỉnh giảm giá mục tiêu 10,2% còn 15.400 đồng/CP.

Nguyên nhân do (1) mức tăng trong tỷ lệ chiết khấu có mức ảnh hưởng lớn hơn so với hiệu ứng tích cực từ cập nhật mô hình định giá trong giá mục tiêu của chúng tôi đến giữa 2021,

(2) mức giảm trung bình 7,6% trong lợi nhuận sau thuế dự báo 2020- 2025 và (3) định giá thấp hơn đến từ phương thức định giá vốn hóa thị trường trên khoản vay và huy động.

Chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo thu nhập ròng 2020/2021/2022 lần lượt 8,8%/13,2%/8,1%, chủ yếu do (1) mức giảm 38 điểm cơ bản trung bình trong giả định lợi suất tài sản sinh lãi (IEA) khi chúng tôi tính đến nghĩa vụ hoàn nhập lãi dự thu tồn đọng, (2) mức giảm 4 điểm % trong giả định tăng trưởng cho vay 2020, (3) mức giảm trung bình 3 năm 3,2% của NFI thuần phần nào được bù đắp bởi mức tăng trung bình 3 năm 16,0% trong thu nhập từ giao dịch ngoại hối, và mức giảm trung bình 3 năm 14,5% trong chi phí dự phòng.

Chúng tôi điều chỉnh giả định rằng quỹ đất Phong Phú sẽ được thanh lý trong năm 2021 thay vì 2020, số tiền gốc từ bán quỹ đất Cần Đước sẽ được nhận vào năm 2022 thay vì 2021, tất cả số dư VAMC sẽ được thanh toán và dự phòng và cuối 2022 như giả định trước đây, và lãi dự thu tồn đọng sẽ được xử lý đến năm 2024.

ROE và ROA dự phóng 2020 của chúng tôi là 10,4% và 0,62% so với trung vị ngành là 20,0% và 1,83%.

Rủi ro: các diễn biến vĩ mô có thể ảnh hưởng đến nỗ lực thanh lý tài sản tồn đọng của STB.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,197.68 20.28 1.69% 85,507 tỷ
HNX 225.59 2.96 1.31% 737 tỷ
UPCOM 88.15 0.64 0.73% 174 tỷ