Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/5

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 12/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu NLG

CTCK MB (MBS)

Ngành bất động sản chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn các dự án đang triển khai như Nghị định 08/2023/NĐ – CP hay Nghị quyết số 33/NQ – CP. Những khó khăn của thị trường còn hiện hữu và cần thêm thời gian để giải quyết đặc biệt là vấn đề đáo hạn trái phiếu và rủi ro pháp lý của các dự án.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi ưu tiên những doanh nghiệp sở hữu cơ cấu tài chính lành mạnh, quỹ đất sạch lớn và dòng sản phẩm hướng tới nhu cầu ở thực.

Với những yếu tố đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với CTCP Đầu tư Nam Long (NLG).

Luận điểm cụ thể: Phân khúc sản phẩm trung cấp và chung cư giá rẻ đạt tỷ lệ hấp thụ cao trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn. Nguồn cung căn hộ tại khu vực TP.HCM giảm mạnh từ năm 2022 đặc biệt là phân khúc trung cấp do những vướng mắc trong việc xác định giá đền bù. Sang năm 2023, các sản phẩm căn hộ trung cấp dự kiến đạt tỷ lệ hấp thụ duy trì cao khoảng 90% nhờ nhu cầu hiện hữu và nguồn cung thiếu hụt.

Bên cạnh đó, cơ cấu tài chính lành mạnh giúp NLG không bị áp lực bởi chi phí lãi vay tăng cao và đáo hạn trái phiếu. Tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản ở mức 20%, thấp hơn đáng kể so với trung bình 40% của ngành. Theo thông tin từ ĐHCĐ 2023, công ty đang có chiến lược thực hiện M&A để mở rộng quỹ đất khu vực phía Nam.

Chúng tôi đánh giá NLG hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn của ngành hiện nay nhờ chiến lược đúng đắn. Trong năm 2023, NLG tập trung triển khai các dự án trung cấp như Mizuki Park, chung cư Akari và Ehomes Southgate. Các dự án này sẽ giúp doanh số bán hàng không bị ảnh hưởng mạnh như các đối thủ trong ngành.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu HPG

CTCK Vietcombank (VCBS)

Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) đạt 26.588 tỷ đồng (giảm 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 397,5 tỷ đồng (giảm 95,3% và mới chỉ hoàn thành 5% kế hoạch).

Sản lượng sản xuất, bán hàng của HPG sụt giảm mạnh trong quý đầu năm trước bối cảnh thị trường bất động sản dân dụng còn nhiều khó khăn. Sản lượng thép xây dựng quý I/2023 đạt xấp xỉ 868 ngàn tấn (giảm 35,4%), ống thép đạt 160 ngàn tấn (giảm 22,5%), sản lượng bán hàng HRC đạt 721 ngàn tấn (giảm 29,3%).

Nguyên nhân của lợi nhuận tăng trưởng kém tích cực chủ yếu do 1) Giá bán thép giảm trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào là than cốc neo ở mức cao; 2) Hiệu suất sản xuất kém chỉ khoảng 70% làm giảm lợi ích kinh tế theo quy mô.

Triển vọng: Trong ngắn hạn, hoạt động kinh doanh của HPG hiện đang gặp khó theo tình trạng chung của ngành thép. Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm giá thép ở mức thấp và sản lượng tiêu thụ kém trong năm 2023 trong báo cáo cập nhật ngành thép gần nhất.

Bên cạnh đó, chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh cả năm 2023 của HPG sẽ có giảm tốc với doanh thu ước đạt 111.538 tỷ đồng (giảm 21% so với năm trước và hoàn thành 74% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 7.284 tỷ đồng (giảm 18% và hoàn thành 91% kế hoạch).

Rủi ro: Rủi ro lớn nhất với HPG là giá bán thép trong nước và quốc tế tiếp tục chứng kiến đà giảm trong thời gian tới. Ngoài ra, những nút thắt trong hành lang pháp lý làm ảnh hưởng tới thị trường bất động sản cùng với sự chậm trễ của nguồn vốn giải ngân đầu tư công có thể làm ảnh hưởng tới khả năng tiêu thụ thép của HPG.

VCBS ước tính EPS forward 2032 của HPG là 1.246 đồng/CP, tương ứng P/E forward là 17,2 lần. Hiện nay do tình hình kinh doanh của ngành vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và còn nhiều rủi ro hiện hữu đặc biệt là giá thép có khả năng sẽ tiếp tục giảm, chúng tôi khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu điều chỉnh xuống còn 18.000 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVS

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS – sàn HNX) ở mức 33.000 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua.

PVS công bố lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi quý I/2023 tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 214 tỷ đồng, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp của mảng cơ khí & xây dựng (M&C) cải thiện đạt 3,3% và lợi nhuận ổn định từ các liên doanh kho nổi (liên doanh FSO/FPSO).

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo quý I/2023 lần lượt đạt 17% và 26% dự báo cả năm và phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

Chúng tôi lưu ý rằng 157 tỷ đồng lợi nhuận từ các liên doanh FSO/FPSO trong quý 1/2023 đã hoàn thành 45% dự báo cả năm của chúng tôi. Vì quá trình đàm phán hợp đồng cho FPSO Ruby II đang diễn ra, chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh hồi tố nếu giá thuê ngày ký kết thấp hơn giá thuê ngày hiện tại là 92.500 USD. Chúng tôi thận trọng dự báo giá thuê ngày của FPSO Ruby II ở mức 40.000 USD vào năm 2023.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục