LCG: Triển vọng tích cực
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
CTCP Licogi 16 (LCG - sàn HOSE) lỗ nặng trong năm 2013. Một loạt chi phí được hạch toán vào quý IV/2013 nhằm giảm tối thiểu các chi phí cho năm sau.
Mặc dù lợi nhuận cả năm 2014 phụ thuộc vào nhiều ẩn số, nhưng ít nhất LCG sẽ không lỗ. Theo ước tính của chúng tôi, trong trường hợp khả quan, Công ty có thể đạt được hơn 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 2014.
Chúng tôi nhận thấy tiềm năng sinh lời của cổ phiếu LCG là rất tốt. LCG thích hợp cho cả nhà đầu tư ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn cổ phiếu LCG sẽ được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2014, cùng với một số thông tin khác liên quan đến chuyển nhượng dự án và khả năng nhận thêm các gói thầu mới từ dự án Formosa.
Xét về dài hạn, LCG khá hấp dẫn với quỹ đất “sạch” khá lớn và có giá vốn rẻ, sẽ có khả năng được hưởng lợi khi thị trường bất động sản ấm dần lên.
Ngoài ra, cùng với chính sách tăng đầu tư công của Chính phủ, mảng thi công hạ tầng cho các dự án đầu tư công cũng có nhiều cơ hội hơn.
Với việc là đơn vị trúng thầu 1 phần trong xây dựng hạ tầng cho dự án thép lớn nhất của Việt Nam (Nhà đầu tư Đài Loan), hoạt động kinh doanh của công ty trong năm 2014 và những năm sau có thể sẽ tập trung để thực hiện cho dự án này, và nếu thực hiện tốt phần thi công và tạo được ấn tượng tốt cho chủ đầu tư, thương hiệu LCG sẽ được tín nhiệm hơn đối với khách hàng công nghiệp, đặc biệt là khách hàng công nghiệp Đài Loan và các nước khác.
Mặc dù vẫn còn một số rủi ro đến từ công ty liên kết Xăng Sinh Học Phương Đông, chúng tôi vẫn khá lạc quan với triển vọng của LCG và đánh giá Outperform, do giá thị trường hiện nay thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách (15.015 đồng vào cuối năm 2013) và cũng thấp hơn định giá NAV của chúng tôi (12.800 đồng).
VCB: Khuyến nghị nắm giữ
(CTCK Vietcombank - VCBS)
Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi ngắn với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), theo đó, Ngân hàng đang trình NHNN một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2014.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 5.500 tỷ đồng, mục tiêu tăng trưởng huy động và tăng trưởng tín dụng khoảng 13%.
Trong năm tới, VCB dự kiến tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng cho vay khách hàng để giữ tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng bao nợ xấu quanh mức 90%.
Chúng tôi cho rằng, con số kế hoạch nêu trên là khả thi đối với VCB và tiếp tục đánh giá VCB là một trong những ngân hàng tốt nhất hệ thống xét về khả năng quản trị rủi ro và hoạt động ổn định. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu VCB.
TNG: Khuyến nghị mua vào
(CTCK BIDV - BSC)
TNG là một trong những doanh nghiệp dệt mau hàng đầu, với doanh thu thuần 2013 cao thứ 3 trong nhóm dệt mau xuất khẩu niêm yết (chỉ sau TCM và GMC).
Doanh thu năm 2013 giảm nhẹ so với năm trước đạt 1.181,92 tỷ đồng, giảm 2,26% so với với năm 2012. Chi phí vay giảm 6,56% so với cùng kỳ 2012, chi phí bán hàng tăng nhẹ, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 7,62%. Do vậy, lợi nhuận sau thuế 2013 đạt 25,25 tỷ đồng, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm ngoái, biên lợi nhuận thuần đạt 2,14%, cao hơn so với mức biên lợi nhuận thuần 1,81% của năm 2012.
Quan điểm đầu tư: Ngành dệt may đang thu hút sự chú ý của NĐT nướcngoài, trong vòng 6 tháng tới có khá nhiều tin hỗ trợ cho ngành dệt may. Tuy nhiên không có nhiều cổ phiếu đáp ứng đủ tiêu chí thanh khoản. Trong số các cổ phiếu dệt may, chúng tôi khuyến nghị Mua với cổ phiếu TNG, dựa vào phương pháp so sánh PE, và sự tính toán ở mức cẩn trọng, giá hợp lý trên một cổ phiếu TNG là 18.385 đồng/cp, kỳ đầu tư 6 tháng.
HSG: Khuyến nghị chưa nên mua vào
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG – sàn HOSE) công bố giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ.
Theo đó, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT của HSG đăng ký bán 24 triệu cp và giảm tỷ lệ sở hữu tại HSG từ 44,51% trước giao dịch xuống chỉ còn 19,59% sau khi giao dịch. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 14/3 –12/4/2014 bằng hình thức thỏa thuận.
Đây là thông tin khá bất ngờ vì ông Vũ là cổ đông sáng lập chính và lèo lái HSG từ những ngày đầu thành lập trở thành công ty đứng đầu ngành tôn mạ tại Việt Nam với hơn 40% thị phần. Điều đáng trùng hợp là gần đây Công ty TNHH MTV Tam Hỷ do ông Vũ là Chủ tịch kiêm Giám đốc cũng đăng ký mua vào số lượng cổ phiếu bằng với số lượng cp do ông Vũ bán ra tại HSG.
Vì vậy, chúng tôi đang nghiên về phương án việc chuyển nhượng này chỉ đơn thuần là tập trung cổ phần của ông Vũ tại HSG về 1 công ty quản lý tài sản như cách mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay đang thực hiện. Vì vậy, việc chuyển nhượng cp này về cơ bản sẽ không làm giảm tỷ lệ sở hữu (thật sự) cũng như khả năng điều hành của ông Vũ tại HSG và do đó sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào khác lên hiệu quả hoạt động của HSG.
Tuy nhiên chúng tôi cũng không loại trừ việc chuyển nhượng này do các nguyên nhân khác mà chúng tôi sẽ cập nhật khi có thông tin chính thức từ công ty.
Tại ĐHCĐ vừa qua, cổ đông HSG đã thông qua kế hoạch 14.000 tỷ doanh thu và 600 tỷ lợi nhuận sau thuế cho niên độ 2013-2014 (2014). Chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ 2014 của HSG tăng 14,7% so với cùng kỳ đạt 690.000 tấn và do đó doanh thu dự báo 2014 tăng 17% so với cùng kỳ đạt 13.756 tỷ.
Tuy nhiên, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế 2014 ước tính giảm 8,6% so với cùng kỳ đạt 533 tỷ đồng do lợi nhuận gộp biên 2014 của HSG có thể thu hẹp do diễn biến giá thép cán nóng (nguyên liệu đầu vào chính) có thể không còn thuận lợi như trong năm 2013. Ngoài ra, chi phí tài chính ròng trong năm 2014 của HSG cũng được dự báo tăng mạnh do nợ vay của HSG tăng khá nhiều vào cuối tháng 9 vừa qua.
Trong đó, kết quả kinh doanh quý I/2014 của HSG đang ủng hộ dự báo của chúng tôi. HSG công bố sản lượng tiêu thụ quý 1/2014 tăng 26,5% so với cùng kỳ đạt 178.439 tấn. Trong đó, sản lượng xuất khẩu tăng 22% so với cùng kỳ đạt 81.745 tấn. Do đó, doanh thu quý I/2014 của HSG tăng 24,4% so với cùng kỳ đạt 3.352 tỷ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế trong quý vừa qua lại giảm 17,3% so với cùng kỳ đạt 103 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng lợi nhuận biên thu hẹp và thuế TNDN gia tăng (do HSG không còn được hưởng ưu đãi thuế TNDN) là nguyên nhân làm lợi nhuận sau thuế quý I/2014 sụt giảm so với cùng kỳ.
Ngoài ra, trong kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2014 của HSG thì một phần lớn đến từ hoạt động tích trữ hàng tồn kho giá thấp và hưởng lợi khi giá nguyên liệu đầu vào tăng lên. Tuy nhiên, giá thép cán nóng thế giới (nguyên liệu đầu vào chính của HSG) lại giảm 5,2% kể từ cuối năm 2013 đến nay.
Hơn nữa, theo Bloomberg thì giá quặng sắt thế giới năm 2014 được dự báo giảm khoảng 15% so với năm 2013 sẽ dẫn đến sự sụt giảm giá các nguyên liệu đầu vào khác trong ngành sắt thép. Do đó, chúng tôi cho rằng chiến lược tích trữ hàng tồn kho giá thấp của HSG sẽ khó có thể thành công được nên lợi nhuận sau thuế sẽ thấp hơn so với kế hoạch của công ty.
Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn giữ quan điểm triển vọng tăng trưởng trung hạn của HSG ở mức tốt. Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế của HSG có thể tăng 26% trong năm 2015 và 17% trong năm 2016 nhờ sự mở rộng đồng bộ về công suất nhà máy và hệ thống phân phối trong năm nay.
HSG dự kiến sẽ đưa tất cả các dây chuyền của GĐ2 nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ vào hoạt động trong năm nay. Nhờ vậy, công suất cán nguội của HSG sẽ tăng 69%; công suất mạ dày sẽ tăng 89% và công suất mạ màu sẽtăng 56% trong năm 2014. Tương tự, HSG cũng đặt mục tiêu mở mới khoảng 10-15 chi nhánh mới mỗi năm đến năm 2015 để mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối hiện đã lớn nhất trong ngành của HSG.
PE kỳ vọng năm 2014 của HSG hiện đã ở mức gần 11 lần do cp HSG đã tăng mạnh 37% kể từ đầu năm 2014. Vì vậy, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư chỉ nên nắm giữ cp HSG đã mua trước đó, còn đối với nhà đầu tư mới thì khuyến nghị là chưa nên mua vào.
NTP: Đang giao dịch tại PB dự phóng 2014 là 2,1 lần
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Mặc dù tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng đang giảm đà nhưng với chiến lược kinh doanh tăng mạnh chiết khấu bán hàng cho các đại lý đã giúp CTCP Nhựa thiếu niên tiền phong (NTP – sàn HOSE vẫn giữ được tăng trưởng doanh thu. Doanh thu 2013 đạt 2.480 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ và vượt 31% so với kế hoạch năm.
Mức tăng này chủ yếu nhờ sản lượng bán ra đạt 50.600 tấn sản phẩm các loại, tăng 6% so với cùng kỳ, trong bối cảnh giá bán không đổi.
Nhờ giá nguyên liệu đầu vào -bột nhựa PVC -sụt giảm khoảng 4% so với cùng kỳ nên biên LNG cải thiện thêm 2 điểm phần trăm (ppt) đạt 35%. NTP đã gia tăng mạnh chiết khấu bán hàng cho các đại lý khiến chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng mạnh 3,4 ppt lên 19,4%.
Chi phí này gần như ăn mòn mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận gộp biên khiến cho lợi nhuận sau thuế 2013 giảm 1%, ở mức 290 tỷ đồng.
Ngành nhựa có biên lợi nhuận ròng khá cao so với các ngành sản xuất khác, trung bình ngành khoảng 12-15%, nên cạnh tranh cũng khá gay gắt. Với khoảng 80% doanh nghiệp trong ngành tập trung ở phía Nam và 17% miền Bắc, chúng tôi cho rằng miền Bắc sẽ là thị trường mục tiêu cho các DN sản xuất ống nhựa phía nam muốn mở rộng thị phần. Vì vậy, áp lực giữ thị phần của NTP càng lớn. Theo quan sát của chúng tôi, NTP duy trì giá bán không đổi trong gần 2 năm qua và liên tục tăng chiết khấu cho đại lý. Điều này giúp NTP nắm giữ thị phần tuy nhiên NTP phải đánh đổi lợi nhuận.
Giá dầu thô WTI có xu hướng tăng từ đầu năm 2014 và đạt mức đỉnh 104 USD/thùng, tăng 10% so với mức 95,4 USD/thùng đầu năm do sự bất ổn chính trị giữa Nga và Ukraine. Do giá nhựa và giá dầu có mối tương quan cao, theo đó, giá PVC cũng đã tăng 7%. Mặc dù tình hình Ukraine đã lắng dịu nhưng giá dầu được dự báo cả năm sẽ tăng khoảng 5% so với cùng kỳ, theo đó giá nhựa PVC cũng được dự báo tăng khoảng 3% so với cùng kỳ.
2014 dự báo thận trọng. Khó khăn thị trường xây dựng và BĐS sẽ làm NTP khó đạt tốc độ tăng trưởng như trước đây (CARG 16% từ 2009-2013). Dự phóng sản lượng sản phẩm bán ra ước tăng 9% nhờ chính sách bán hàng tốt của NTP. Theo đó, doanh thu dự phóng tăng 9% so với cùng kỳ với giá bán không đổi. Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào –bột nhựa PVC –ước tăng 1,3% sẽ làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp giảm 0,8 ppt, xuống còn 34,2%. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng NTP sẽ tiếp tục tăng chiết khấu cho đại lý đẩy chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu lên 20%. Lợi nhuận sau thuế 2014 ước khoảng 291 tỷ.
Định giá. EPS 2014 dự phóng đạt 6.734 đồng/cp. NTP đang giao dịch tại PE và PB dự phóng 2014 là 10,1 lần và 2,1 lần. Khá cao so với trung bình ngành 8,7x và 1,7x.
NTL: Năm 2014, dự kiếm lợi nhuận 95 tỷ đồng
(CTCK Sài Gòn - SSI)
CTCP Nhà Từ Liêm (NTL - sàn HOSE) báo cáo doanh thu năm 2013 đạt 450 tỷ đồng (-35,3% so với năm trước), hoàn thành 82% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế của NTL đạt 114,3 tỷ đồng trong năm 2013, tăng 14,2% so với năm trước và vượt kế hoạch năm 2013.
NTL đã trả 10% cổ tức bằng tiền mặt của năm 2012 trong tháng 12/2013, 5% còn lại dự kiến sẽ được trả trong quý II/2014. Trong năm 2014, NTL dự kiến đặt kế hoạch doanh thu 450 tỷ đồng (tương đương mức thực hiện của 2013) và lợi nhuận trước thuế 95 tỷ đồng (-17% so với mức thực hiện năm 2013).
Các dự án trọng tâm sẽ là N04 Dịch Vọng (chung cư hạng trung) và X2 Mỹ Đình (dự án nhà ở xã hội).
Với dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 95 tỷ đồng trong năm 2014, lợi nhuận ròng năm 2014 có thể đạt 75 tỷ đồng và EPS 2014 ước tính đạt 1.215 đồng (-18,7% so với năm trước). Với mức EPS này PE hiện tại là 14,6x, khá cao so với PE quá khứ. PB hiện tại là 1,32x.
Bên cạnh đó, thời điểm thị trường bất động sản phục hồi vẫn chưa chăc chắn, do vậy, chúng tôi không khuyến nghị cổ phiếu NTL trong thời điểm hiện tại.