Khuyến nghị nắm giữ HPG với giá mục tiêu 38.000 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
Doanh thu 11 tháng của CTCP Tập đoàn thép Hòa Phát (mã HPG) đạt trên 50 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 8.1 nghìn tỷ đồng, hoàn thành sớm kế hoạch doanh nghiệp đề ra (lợi nhuận kế hoạch là 8,050 tỷ đồng), sản lượng năm nay dự kiến sẽ ở mức 2,3 triệu tấn sản phẩm.
Về tình hình nợ vay, hiện tại tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của HPG đang ở mức 0,42, tương đối thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành mặc dù HPG vẫn đang trong quá trình đầu tư cho dự án Dung Quất (tỷ lệ nợ vay/vốn chủ của các doanh nghiệp thép có vốn hóa tương đương HPG hiện đang ở mức 1.01).
Chúng tôi dự kiến HPG sẽ tiến hành vay thêm khoảng 13.000 tỷ đồng để phục vụ dự án Dung Quất, đẩy tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của năm 2019 lên mức 0,7, vẫn là mức tương đối an toàn. Cổ tức dự kiến năm 2019 vẫn sẽ duy trì ở mức 30% bằng cổ phiếu.
Dự án Dung Quất dự kiến sẽ gia tăng mạnh công suất và thị phần của HPG. Với công suất tổng khoảng 4 triệu tấn và vị trí thuận lợi gần thị trường miền Nam, đến năm 2020 khi toàn bộ dự án được đưa vào hoạt động sẽ giúp HPG khẳng định vị thế dẫn đầu ngành thép nội địa, khai thác mạnh hơn thị trường miền Nam và xuất khẩu.
Chúng tôi dự báo doanh thu của HPG trong năm 2019 sẽ đạt mức 73,000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt mức 10.000 tỷ đồng, tương ứng với EPS khoảng 4.760 đồng/cổ phiếu.
Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 38.000 đồng/cổ phiếu. HPG hiện tại đang được giao dịch với p/e khoảng 7.8, tương đối rẻ với doanh nghiệp dẫn đầu ngành thép, với khả năng tăng trưởng lớn về cả thị phần lẫn lợi nhuận trong dài hạn cùng với cơ cấu tài chính tương đối lành mạnh tuy nhiên HPG ngắn hạn vẫn phải đối diện với áp lực bán từ cổ đông nước ngoài cũng như giảm giá để tiêu thụ sản phẩm trong năm 2019 .
AAA có thể sẽ bứt phá ngưỡng giá 18
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (mã AAA) đang nằm trong xu hướng hồi phục ngắn hạn.
Thanh khoảng trong các phiên gần đã tăng trở lại mức trung bình. Chỉ báo MACD phân kỳ âm và đã vượt đường tín hiệu. Chỉ báo RSI duy trì đà tăng và chạm kênh bollinger trên nhưng chưa chạm vùng quá bán và thanh khoản cổ phiếu vẫn sẽ hỗ trợ đà tăng.
Vận động đường MA20 và đà giảm nhẹ của MA50 và MA 200 báo hiệu cổ phiếu đang nằm trong giai đoạn hồi phục ngắn hạn.
Như vậy, cổ phiêu AAA dự kiến sẽ hồi phục trở về vùng giá neckline 18 và vận động tích lũy quanh vùng giá này. Nếu thanh khoản trong các phiên tới duy trì ở mức trung bình các phiên gần đây, cổ phiếu có thể sẽ bứt phá ngưỡng giá 18 và tăng trở về ngưỡng kháng cự 20.
Khuyến nghị mua cổ phiếu DXG
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA và nâng giá mục tiêu thêm 4% cho CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) còn 35.000 đồng/CP, khi điều chỉnh tăng giá bán giả định đã giúp bù đắp cho việc giảm dự báo tiến độ bán hàng.
Chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2018 dự phóng đạt 1 nghìn tỷ đồng (tăng 38% so với năm trước) khi quý IV sẽ tiếp tục ghi nhận bàn giao căn hộ tại dự án LuxGarden, và lãi từ chuyển nhượng dự án GrandWorld của LDG (DXG sở hữu 43%).
Chúng tôi dự phóng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự phóng 2019 sẽ chỉ còn 17% chủ yếu do tiến độ bàn giao bất động sản thấp hơn so với cùng kỳ 2018 khi phần lớn các căn hộ bán trước hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Chúng tôi dự báo bàn giao mạnh mẽ tại dự án Gem Riverside (65% đã được đăng ký mua tính đến tháng 9/2018) sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận thêm lần lượt 39% và 58% trong giai đoạn 2020 và 2021.
Định giá của DXG là khá hấp dẫn với P/E dự phóng 2019 đạt 8 lần, P/B 1,5 lần và PEG 3 năm đạt 0,8.
Rủi ro: Tồn kho cao hơn dự kiến cho mảng môi giới bán buôn, rủi ro pha loãng từ kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 1,4 nghìn tỷ đồng.
Khuyến nghị giá mục tiêu 28.700 đồng/CP cho PC1
CTCK Bản Việt (VCSC)
Ban lãnh đạo CTCP Xây lắp Điện 1 (PC1) đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu cho mảng Xây lắp điện và Sản xuất cột điện trong năm 2019. PC1 đã công bố lượng hợp đồng ký mới 2018 đạt 3,3 nghìn tỷ đồng cho mảng Xây lắp điện và 1,4 nghìn tỷ đồng cho mảng Sản xuất cột điện, cao hơn lần lượt 25,2% và 32,5% so với dự phóng của chúng tôi. Diễn biến này tương ứng với lượng backlog (hợp đồng đã ký và chưa thực hiện) được chuyển sang năm 2019 lần lượt là 2,9 nghìn tỷ đồng và 1,1 nghìn tỷ đồng cho hai mảng này. Do đó, ban lãnh đạo kỳ vọng doanh thu cho mảng Xây lắp điện và Sản xuất cột điện sẽ tăng lần lượt 87% và 140% trong năm 2019 so với kết quả ước tính năm 2018.
PC1 công bố danh sách dự án bất động sản trong các năm tới, nhưng xác nhận không có đóng góp của dự án Thanh Xuân trong năm 2019. Công ty dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu từ dự án Thanh Xuân trong quý II/2020, chậm hơn kỳ vọng của chúng tôi là công ty có thể ghi nhận 25% cửa dự án này trong năm 2019. Công ty cũng công bố hai dự án mới tại Hà Nội (PCC1 Vĩnh Hưng và PCC1 Thăng Long), có thể động thổ vào cuối năm 2019 và ghi nhận doanh thu từ năm 2021 trở đi, dẫn đến kế hoạch doanh thu 1,2 – 1,7 nghìn tỷ đồng cho mảng BĐS trong giai đoạn 2020- 2022.
PC1 đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cổ đông thiểu số năm 2019 là 436 tỷ đồng, giảm 6,4% so với kết quả ước tính năm 2018, do không có nhiều đóng góp từ mảng BĐS. Ban lãnh đạo ước tính tằng tăng trưởng mạnh từ mảng Xây lắp điện và Sản xuất cột điện sẽ bù đắp cho việc không có đóng góp đáng kể từ mảng BĐS do dự án Thanh Xuân bị chậm. Kế hoạch này là cao hơn 5,6% dự báo của chúng tôi. Chúng tôi dự kiến có khả năng điều chỉnh tăng cho mảng Xây lắp điện và Sản xuất cột điện, nhưng cũng điều chỉnh giảm dự báo cho mảng BĐS, dẫn đến dự báo lợi nhuận cho năm 2019gần như không thay đổi.
Ban lãnh đạo đặt ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng trong dài hạn. PC1 đặt kế hoạch tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu và lợi nhuận sau thuế trước lợi ích cổ đông thiểu số sẽ tăng lần lượt 18,9% và 23,9% trong giai đoạn 2019-2022, được dẫn dắt từ CAGR doanh thu mảng Xây lắp điện đạt 13%, ghi nhận doanh thu BĐS từ ba dự án (Thanh Xuân, Vĩnh Hưng và Thăng Long) và đóng góp từ các nhà máy thủy điện mới.
PC1 đặt mục tiêu tiệp tục mở rộng danh mục điện. Ban lãnh đạo kỳ vọng hai nhà máy thủy điện mới công suất 30 MW và 18 MW sẽ đi vào hoạt động lần lượt trong quý 3/2019 và quý 4/2019. Công ty cũng kỳ vọng các nhà máy thủy điện mới sẽ động thổ vào cuối năm 2019 và đi vào hoạt động trong các năm 2021 và 2022. Trong dài hạn, PC1 đặt kế hoạch công suất thủy điện sẽ đạt 300 MW vào năm 2022 (so với công suất hiện tại là 114 MW) và công suất điện gió 300 MW vào năm 2025.
PC1 có thể sẽ trả cổ tức tiền mặt lần đầu tiên. Ban lãnh đạo công ty đang cân nhắc trả cổ tức tiền mặt 500 đồng/CP (lợi suất cổ tức 2,2%) và cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 100:15 cho năm 2018. Ngoài ra, ban lãnh đạo cũng cho biết hiện không có kế hoạch tăng vốn trong năm 2019.
Chúng tôi hiện đang khuyến nghị giá mục tiêu 28.700 đồng/CP cho PC1, tương ứng với tổng mức sinh lời 25,3%, trong khi cổ phiếu hiện đang giao dịch với P/E 2019 8,5 lần và P/B 0,8 lần dựa theo dự báo của chúng tôi.