SHB sẽ hình thành xu hướng tăng mới với giá mục tiêu 16.000 đồng/cổ phiếu
(CTCK BIDV – BSC)
Mã chứng khoán: SHB - Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội
Điểm nhấn kỹ thuật:
- Xu hướng hiện tại: tăng giá dài hạn, tích lũy trung hạn
- Chỉ báo MACD: hội tụ với đường tín hiệu từ dưới lên
- Chỉ báo RSI: dao động đi ngang trong biên độ 50 – 65
- Chỉ báo OBV: tăng
Nhận định: SHB đang trong xu hướng tích lũy trung hạn thử thách ngưỡng kháng cự 40, với biên độ hẹp dần và tạo đáy sau cao hơn đáy trước, hình thành mô hình tam giác, sau một đợt tăng giá mạnh. Các tín hiệu kỹ thuật cho thấy SHB đang trong quá trình tích lũy tốt
Khuyến nghị: Nếu SHB vượt ngưỡng kháng cự 40 thành công với thanh khoản tốt, sẽ hình thành xu hướng tăng mới với giá mục tiêu 16.000 đồng.
Trong trường hợp không vượt đỉnh thành công, SHB có thể sẽ điều chỉnh với ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 12.600 đồng/cổ phiếu.
Khuyến nghị mua cổ phiếu DCM
(CTCP FPT – FPTS)
Doanh thu năm 2017 của DCM đạt 5.747 tỷ đồng, tăng 27%yoy: Giai đoạn 2017, doanh thu thuần tăng từ 4.047 tỷ đồng lên 5.747 tỷ đồng, cái CAGR là 5,9%/năm, riêng năm 2017 tăng trưởng 17%yoy với động lực chủ yếu từ giá phân Ure đầu ra tăng 9% và lượng tiêu thụ tăng 10%.
>> Tải Báo cáo
Khuyến nghị mua cổ phiếu NT2 và PC1
(CTCK Bản VIệt – VCSC)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tiêu thụ điện trong Quý 1 tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, EVN dự báo tiêu thụ điện sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 12,5% trong Quý II/2018 và sẵn sàng huy động các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu dầu/diesel dù chi phí rất cao (3.000-4.000VND/kWh, gấp 2-2,7 lần so với các nhà máy điện than hoặc khí như NT2, PPC, Vũng Áng và Nhơn Trạch 1).
Vì vậy, quý II là thời điểm thuận lợi cho các nhà máy nhiệt điện trong danh mục của chúng tôi để hoạt động với công suất cao và có lợi nhuận tích cực.
Ngoài ra, EVN còn dự kiến khởi công xây dựng đường truyền quốc gia 500kV thứ ba trong Quý 2/2018, mở ra cơ hội cho PC1.
Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị MUA dành cho NT2 (tổng mức sinh lời 44%, bao gồm lợi suất cổ tức 9,4%, P/E sản xuất điện 2018 là 9,4 lần, thấp hơn 30,4% so với các công ty khác trong ngành) và POW (tổng mức sinh lời 24,4%, EV/EBITDA 6,6 lần, thấp hơn 32% so với các công ty khác trong ngành.
Chúng tôi cũng đưa ra khuyến nghị MUA đối với PC1 với tổng mức sinh lời 20,8%. Đồng thời, chúng tôi chưa đưa ra khuyến nghị cho PPC nhưng ước tính công ty hiện đang giao dịch tại mức P/E 7 lần theo EPS hợp nhất 2018 và lợi suất cổ tức 12,2%
Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu VIC
(CTCK Bản VIệt – VCSC)
CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa chính thức công bố tham gia lĩnh vực dược phẩm với thương hiệu mới “Vinfa”.
Công ty có kế hoạch tập trung vào nghiên cứu và phát triển các bài thuốc Đông y cổ truyền có nguồn gốc từ dược liệu quý cũng như dược phẩm Tây y, với mục tiêu ban đầu là phục vụ thị trường trong nước, nhưng cũng hướng đến khả năng xuất khẩu. Vinfa cũng sẽ tập trung vào các mảng sản xuất Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Vaccine và Thiết bị y tế với tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
VIC đã bước đầu đầu tư xây dựng dự án “Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Thuốc Vinfa” với diện tích 10ha tại tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đầu 2,2 nghìn tỷ đồng. Công ty đặt kế hoạch sẽ hoàn thành dự án vào quý 3/2018.
Triển vọng ngành dài hạn là khá tiềm năng khi Việt Nam vẫn được xem là một trong những quốc gia đang phát triển trong thị trường dược phẩm với sự mở rộng dân số thành thị nhanh chóng.
Theo BMI, quy mô thị trường dược phẩm ước tính đạt 5 tỷ USD trong năm 2017 và ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 10% giai đoạn 2017-2021.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cạnh tranh trong thị trường là khá lớn và phụ thuộc lớn vào thuốc nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao.
Các thách thức cho các công ty trong nước bao gồm nhận được các tiêu chuẩn sản xuất hàng đầu như GMP-EU thay vì tiêu chuẩn phổ biến là GMP-WHO, nhằm có vị thế tốt trong kênh phân phối cho các bệnh viện, cũng như đầu tư lớn cho kênh phân phối OTC.
Chúng tôi cho rằng Vinfa sẽ là ngành kinh doanh bổ trợ cho hệ sinh thái sản phẩm VIC khi mảng kinh doanh này sẽ hưởng lợi từ sự tích hợp các mảng kinh doanh khách của Tập đoàn, đặc biệt là cơ sở vật chất của Vinmec, cũng như dịch vụ Y tế với công suất hơn 1.000 giường bệnh.
Dù vậy, chúng tôi không cho rằng Vinfa sẽ có tác động đáng kể đến dự báo lợi nhuận hoặc định giá của VIC trong tương lai gần, khi tính đến đóng góp khiêm tốn so với các ngành kinh doanh khác của VIC.
Trong trung hạn, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với VIC đến từ doanh số bán BĐS nhà ở ổn định và mảng kinh doanh cho thuê mặt bằng bán lẻ. Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị KHẢ QUAN cho VIC với tổng mức sinh lời 18,6%