Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/3

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 11/3 của các công ty chứng khoán.

 Giá mục tiêu dài hạn là 15.000 đồng

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi nhận thấy khả năng hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra của DAG và dự báo DAG có thể đạt doanh thu 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng trong cả năm 2015, tương ứng EPS dự kiến ở mức 1.538 đồng/cp. 

Chúng tôi đánh giá cao DAG ở vị thế ngành cao, sản phẩm chất lượng tốt được thị trường đón nhận và định hướng chiến lược tốt của bản lãnh đạo. Trong năm 2015, Công ty tiến hành tăng vốn mạnh để mở rộng sản xuất nên mức EPS chưa cao. Chúng tôi đánh giá mức EPS sẽ tăng lên trong các năm tới khi các dàn máy mới của Công ty đi vào giai đoạn khai thác hiệu quả.   

Chúng tôi đánh giá, với khả năng tăng trưởng lợi nhuận trên 10%/năm trong các năm sau, mức EPS dự kiến 2016 là 1.538 đồng, mức PE hợp lý về dài hạn cho DAG là 10 lần. Chúng tôi khuyến nghị mức giá mục tiêu dài hạn trong 2 năm tới của DAG là 15.000 đồng/cp. 

NCT: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội bài (mã NCT) có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận rất tốt giai đoạn trước. Tuy nhiên NCT đang bước vào chu kỳ tăng trưởng chậm lại do các kho đã hoạt động hết công suất và cạnh tranh thị phần với ALS và ACS. Tăng trưởng doanh thu được kỳ vọng sẽ đến chủ yếu từ tăng trưởng thị trường, lưu lượng hàng hóa thông qua cảng hàng không Nội Bài được dự kiến tăng trưởng 13%-15% mỗi năm.

Mặc dù giữa NCT và các đối thủ đang có sự cạnh tranh gay gắt nhưng chúng tôi đánh giá việc cạnh tranh bằng giá sẽ khó diễn ra khi các công ty trên đều có mối quan hệ và thị trường vận tải hàng không vẫn có tốc độ tăng trưởng tốt.

Vì vậy, chúng tôi xác định mức P/E của NCT là 10,9; EV/EBITDA 6,14 là mức chấp nhận được trong ngành khai thác cảng hàng không. Xét đến tình hình kinh doanh cũng như triển vọng ngành khả quan, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu NCT.

Savina: Mức giá hợp lý 11.700 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Công ty TNHH MTV Sách Việt Nam (Savina), tiền thân là Tổng công ty Sách Việt Nam là một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh xuất bản phẩm, văn hóa phẩm trong nước với bề dày hoạt động trên 60 năm. Tuy nhiên, mảng kinh doanh này của Savina hiện đang gặp cạnh tranh gay gắt từ các đơn vị xuất bản tư nhân đồng thời phải đối mặt với một lượng lớn sách in lậu trên thị trường.

Lợi nhuận gộp từ mảng kinh doanh chính của Savina giảm từ 11,2 tỷ năm 2012 xuống chỉ còn 3,4 tỷ năm 2015. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động cho thuê nhà chỉ giúp cho công ty duy trì mức lợi nhuận sau thuế khiêm tốn khoảng 400 triệu đồng/năm. Mặc dù kết quả kinh doanh không thật sự ấn tượng nhưng Savina lại đang quản lý một số bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội. Đây là yếu tố hấp dẫn của Savina trong đợt IPO vào ngày 24/3/2016 sắp tới.

Chúng tôi có thực hiện đánh giá lại một số tài sản trọng yếu mà Savina đang sở hữu để ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu Savina. Danh mục tài sản mà chúng tôi lựa chọn để đánh giá lại chủ yếu liên quan tới các vị trí bất động sản đắc địa của Savina như khu đất tại 22A & 22B phố Hai Bà Trưng và 44 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội cùng với khoản đầu tư 15% vào khách sạn Lake Side - Ngọc Khánh. Kết quả cho ra giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phần đấu giá Savina vào khoảng 11.700 đồng/cổ phần.

VGG: Kết quả kinh doanh sẽ vượt kế hoạch

CTCK MB (MBS)

Tổng công ty May Việt Tiến (VGG) được đánh giá là một trong những doanh nghiệp may mặc hàng đầu Việt Nam, hoạt động chủ  yếu là sản xuất kinh doanh hàng may mặc và gia công các loại quần áo may sẵn. VGG có lợi thế được hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu từ Vinatex cùng với chiến lược đầu tư lên “thượng nguồn”, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành dệt may trong những năm tới.

Với thị trường nội địa, Việt Tiến là một trong những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh may mặc hàng đầu với hệ thống phân phối trải rộng bao phủ 64 các tỉnh thành và tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Với chất lượng, thương hiệu đã được khẳng định sản phẩm của May Việt Tiến đáp ứng đủ cả 3 phân khúc từ cao cấp(San Sciaro, Manhattan...) - Trung cấp (Việt Tiến, ViettienSlimfit...) đến bình dân(Vietlong, Smart Casual...).

Đối với thị trường xuất khẩu, Việt Tiến luôn giữ vị trí dẫn đầu trong số doanh nghiệp dệt may Việt Nam xuất khẩu, sản phẩm của may Việt Tiến cũng đã có mặt tại hơn 30 quốc gia và tập trung chính tại các thị trường lớn như Nhật Bản (27%), Hoa Kỳ (22%) và EU (21%).

Kết quả kinh doanh dẫn đầu ngành dệt may: Việt Tiến luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm. Giai đoạn 2012 -2015, tốc độ tăng trưởng doanh thu CAGR 19%/năm, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thuần hàng năm CAGR 37%/năm. Việc Việt Nam tiến tới gia nhập TPP sẽ tiếp tục là động lực giúp Việt Tiến duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 2015, VGG đạt 6.335 tỷ đồng doanh thu thuần và khoảng 242 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 17,9% và 7% so với năm 2014. Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được kiểm soát khá tốt.

Đáng lưu ý là trong 2015, thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh, tăng 87% đạt 114 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính chỉ tăng 37%. Biến động tỷ giá không tác động quá lớn đến hoạt động của Công ty do giá trị vay nợ của VGG là không đáng kể so với quy mô hoạt động.

Hợp nhất 2015, VGG đạt 6.408 tỷ đồng doanh thu thuần và 311 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương đối so với con số 5.482 tỷ đồng và 296 tỷ đồng của năm 2014. EPS 2015 đạt 9.218 đồng (sau khi trừ các khoản trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi theo quy định TT200), tăng 5% so với năm trước.

Tuy nhiên, việc VGG thực hiện tiến hành chuyển đổi 1,4 triệu trái phiếu trong tháng 2/2016 theo tỷ lệ 1:10, nâng tổng số cổ phần sau chuyển đổi lên 42 triệu khiến EPS trước khi niêm yết giảm xuống còn 6.145 đồng/CP. Ngày 10/3/2016, VGG sẽ giao dịch trên Upcom với mức giá tham chiếu là 40.000 đồng/cp với biên độ dao động ngày đầu tiên là 40% thì giá của VGG sẽ nằm trong khoảng 24.000 - 56.000 đồng. Tham khảo giá giao dịch trước đây trên OTC, chúng tôi nhận thấy VGG đã từng giao dịch ổn định ở mức 30.000 - 35.000 đồng/CP.

Kế hoạch năm 2016 của VGG đặt ra khá thận trọng với doanh thu dự kiến tăng 5% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 14,89%. Kế hoạch này được đặt ra khi năm 2016 và 2017, quy định về tính lương bảo hiểm trong chi phí nhân công sẽ tác động mạnh đến hoạt động của VGG do đặc thù thâm dụng lao động của ngành dệt may (Chi phí nhân công chiếm khoảng 26% tổng chi phí VGG). Chúng tôi đánh giá kế hoạch này đã tính đến chi phí lương bảo hiểm đã phát sinh tăng, tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng duy trì tốt của VGG trong những năm gần đây, cùng với việc Việt Nam gia nhập TPP khả năng kết quả kinh doanh của VGG có thể sẽ tốt hơn mức kế hoạch thận trọng của công ty.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục