Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 11/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/8

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu GVR với giá mục tiêu 27.400 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chi phí sản xuất Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR – sàn HOSE) tăng khiến biên lợi nhuận gộp bị ảnh hưởng đáng kể trong quý II/2022.

Trong bối cảnh gia tăng chi phí nguyên vật liệu và chi phí nhân công, biên lợi nhuận gộp của VRG giảm từ 30% trong quý I/2022 xuống còn 26,9% trong quý II/2022, thấp hơn so với mức 28,6% cùng kỳ năm ngoái, khiến lợi nhuận gộp giảm 8,2% mặc dù doanh thu thuần chỉ giảm nhẹ 2,3%.

Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm2022 tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ khoản thu từ bồi thường trong quý I/2022 và quản lý chi phí quản lý doanh nghiệp hiệu quả. Hoạt động sản xuất và kinh doanh mủ cao su tiếp tục duy trì tích cực trong nửa đầu năm với sản lượng cao su khai thác tăng 11,9%, biên lợi nhuận gộp đạt 32,8%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái với 25,1% nhờ mặt bằng giá cao hơn so với cùng kỳ.

Giá bán cao su biến động trái chiều trong quý II/2022, tiếp tục giảm trong tháng 7 sau khi phục hồi trở lại trong tháng 6/2022.

Trong tháng 7/2022, xuất khẩu cao su Việt Nam giảm 4% về lượng và 6% về giá trị, do (i) lo ngại về sự bùng phát dịch Covid19 tại Trung Quốc & Nhật Bản, và (ii) rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

Mặc dù vậy, lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cao su cả nước đạt ~1,7 tỷ USD, tăng 9,1% về trị giá và 7,2% về lượng.

Nguồn cung cao su toàn cầu tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu khiến giá cao su khó giảm sâu trong tương lai, trong đó nhu cầu gia tăng đến từ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe & sản xuất ô tô.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu GVR với giá mục tiêu điều chỉnh 27.400 đồng/CP, thấp hơn mức 35.400 đồng/CP trong báo cáo gần nhất do mức định giá EV/EBITDA đối với mảng kinh doanh cao su và gỗ trong khu vực giảm xuống & áp dụng chiết khấu 18% đối với NAV của doanh nghiệp nhằm phản ánh chính xác hơn mức độ rủi ro thị trường (biến động giá cổ phiếu, biến động thị trường chứng khoán, các sự kiện chính trị, thay đổi lãi suất…).

VRG ước tính lợi nhuận 7 tháng đầu năm 2022 đạt 2.830 tỷ đồng, tương ứng 53% kế hoạch. Sản lượng mủ cao su khai thác đạt 186.560 tấn, hoàn thành 47,1% kế hoạch.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 27.900 đồng/CP

CTCK BIDV (BSC)

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG – sàn HOSE) đạt 81.480 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 12.228 tỷ đồng (giảm 27%). Mảng thép tiếp tục đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của quý II/2022, doanh thu thuần mảng thép tăng 9,6%).

Sản lượng tiêu thụ thép 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7%, đạt mức 3,97 triệu tấn, trong đó đóng góp chính đến từ thép xây dựng thành phẩm với 2,3 triệu tấn (tăng 25%) và HRC 1,13 triệu tấn (giảm 15%).

Quan điểm đầu tư: Biên lợi nhuận tạo đáy trong quý III/2022, trước khi cải thiện trong quý IV/2022 nhờ nhu cầu tăng vào dịp cuối năm và giá nguyên liệu đầu vào giảm, giúp giảm giá vốn hàng bán; và Định giá về gần mức đáy trong lịch sử, phù hợp để mua tích lũy.

So với báo cáo trước, chúng tôi điều chỉnh giảm 10% dự báo doanh thu thuần và giảm 18% dự báo lợi nhuận sau thuế của HPG trong năm 2022, lần lượt về mức 154.841 tỷ đồng (tăng 3,5% so với năm trước) và 22.544 tỷ đồng (giảm 34,7%), EPS FW = 3.868 đồng/CP.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo (i) Tổng sản lượng tiêu thụ thép các loại tăng 8,7%, nhưng điều chỉnh giả định giá thép và giá nguyên liệu dựa trên biến động thực tế trong 6 tháng đầu năm 2022 như sau: (ii) Giá thép dài +0%; (iii) Giá thép dẹt giảm 5%; (iv) Giá quặng sắt giảm 25% và Giá than tăng 60%.

BSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu HPG nhưng điều chỉnh hạ giá mục tiêu về mức 27.900 đồng/CP do hạ dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2022, tương đương upside 16% so với giá ngày 09/08/2022.

Chúng tôi sử dụng 2 phương pháp định giá PE và EV/EBITDA, giữ nguyên mức mục tiêu P/E = 7.0x và EV/EBITDA = 5.5xtrong báo cáo trước. Chúng tôi cho rằng định giá hiện tại đã chiết khấu sâu, rủi ro tiếp tục giảm mạnh không lớn, và triển vọng dài hạn của doanh nghiệp vẫn tốt để mua tích lũy thêm.

Khuyến nghị nắm giữ đối với AST, giá mục tiêu 67.900 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

CTCP DV Hàng không Taseco (AST) công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với lợi nhuận đạt 13,7 tỷ đồng (tăng so với mức âm 32,3 tỷ đồng cùng kỳ), doanh thu đạt 134,6 tỷ đồng, gấp 2,67 lần so với quý II/2021 và biên lợi nhuận đạt 53,4% tương ứng với mức trước dịch. Tính đến hết 7 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đã bù đắp được khoản lỗ lũy kế từ đầu năm.

Lượng khách hàng không đã hồi phục mạnh về mức trước dịch mặc dù thị trường quốc tế hồi phục chậm hơn nhưng cũng có dấu hiệu dần khởi sắc. Nửa cuối năm 2022, chúng tôi cho rằng doanh thu từ cả khu vực nhà ga nội địa và quốc tế sẽ tiếp tục có sự hồi phục tích cực.

Đầu tháng 7, AST đã mua lại 51% cổ phần của CTCP Dịch vụ Hà Linh và vừa đấu thầu thành công 4 điểm kinh doanh mới tại sân bay Tân Sơn Nhất, nâng tổng số điểm kinh doanh AST lên 115 điểm.

AST hiện đã mở trở lại 80% các điểm kinh doanh, trong đó, các cửa hàng khu vực quốc nội đã mở lại hoàn toàn trong khi khu vực quốc tế đã mở trở lại 60%. Công ty kế hoạch sẽ mở cửa trở lại dần dần các quầy còn lại và dự kiến hoạt động toàn bộ điểm kinh doanh vào khoảng quý IV/2022.

Năm 2022, dự kiến lợi nhuận đạt 24.1 tỷ đồng, tăng so với mức giảm 118 tỷ đồng năm 2021 và doanh thu 617,4 tỷ đồng (tăng 300% so với năm trước). Khuyến nghị nắm giữ đối với AST, giá mục tiêu 67.900 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,176.43 -16.58 -1.41% 94,247 tỷ
HNX 221.26 -4.94 -2.23% 1,198 tỷ
UPCOM 87.19 -0.96 -1.11% 294 tỷ