Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/10

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 10/10 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/10

Đánh giá tích cực đối với cổ phiếu ngành điện

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Quý III/2014, tỷ lệ tăng trưởng sản lượng điện 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ đó mức tăng trưởng luỹ kế 9 tháng đạt 10,29% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, sản lượng của các công ty điện niêm yết trong quý III/2014 chúng tôi cho rằng cũng tăng trưởng khá. Chúng tôi đã ghi nhận một số công ty thuỷ điện đạt sản lượng cao hơn cùng kỳ như SJD, SBA, SHP (riêng VSH sản lượng quý III/2014 giảm so với cùng kỳ do thời điểm mùa mưa và mùa khô ngược với các vùng miền khác).

Về lợi nhuận, đối với nhóm công ty sử dụng đòn bẩy tài chính cao như CHP, SHP, HJS, SBA, chi phí lãi vay khiến tỷ suất lợi nhuận ròng thấp hơn các công ty khác. Đối với nhóm công ty có rủi ro biến động tỷ giá như PPC, BTP, ước tính quý III/2014 sẽ ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá do đồng JPY và KRW đã giảm so với VND trong quý.

Đáng chú ý, chúng tôi nhận thấy đã có chuyển biến tích cực về cơ chế xác định giá bán điện đối với các công ty điện cổ phần hoá theo hướng công bằng và minh bạch hơn. Ngoài ra, cách tính này nhiều khả năng sẽ được tính cho toàn bộ vòng đời của từng nhà máy. Như vậy, rủi ro từ quá trình đàm phán giá bán điện như đã diễn ra trong mấy năm gần đây (thời gian đàm phán kéo dài, thường phải sử dụng giá tạm tính để xác định doanh thu) hầu như sẽ được giảm thiểu.

Nhìn chung, trong ngắn hạn, chúng tôi dự báo nhóm ngành điện sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2014 khả quan với sản lượng tăng và ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện (đối với PPC và BTP).

Về dài hạn, chúng tôi cũng đánh giá tích cực hơn đối với nhóm cổ phiếu ngành điện do (1) dự báo sản lượng điện tiếp tục tăng trưởng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; (2) cơ chế xác định giá bán điện chuyển biến theo hướng minh bạch hơn.

Về định giá, nhóm cổ phiếu ngành điện giao dịch với P/E 4 quý gần nhất 11,1x, thấp hơn so với P/E chung của thị trường 14x.

SDP: Sẽ tiếp tục nhận được các hợp đồng lớn

CTCK Bảo Việt (BVSC)

I. Hoạt động kinh doanh chính:

Giá trị sản xuất kinh doanh năm 2013: xây lắp 16.9%, sản xuất công nghiệp 5,3%, kinh doanh vật tư thiết bị 77,8%.

II. Cập nhật một số dự án:

a. Dự án Nhà Máy Nhiệt Điện Thái Bình 2:

- Ký kết hợp đồng thiết kế, lắp đặt và thi công xây dựng 3 kho than kín vào ngày 1/10/2014.

- Hợp đồng gói thầu “Thiết kế, lập dự toán, cung cấp lắp đặt kết cấu thép và thi công phần xây dựng 03 kho than kín” mà Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX : PVX) ký kết với Liên danh nhà thầu gồm Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Thái Bình; Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà (HNX : SDP); Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng có giá trị trên 1.006 tỷ đồng.

- Gói thầu được thực hiện trong vòng 2 năm.

- SDP sẽ thực hiện khoảng 335 tỷ gói thầu này.

- Biên ròng dự án này khoảng từ 3-5%.

Mặc dù biên lợi nhuận không cao, tuy nhiên dự án này sẽ đóng góp một phần vào lợi nhuận của SDP trong 2015 và 2016.

b. Dự án 157ha tại khu kinh tế Nghi Sơn.

- SDP góp vốn 50% để thực hiện dự án.

- Khu đất số 1 diện tích khoảng 67 ha: Phát triển thành khu công nghiệp cho thuê. Tính đến đầu tháng 10/2014 đã cho thuê được 40 ha (doanh thu ước khoảng 40 tỷ/năm). Hiện đang thi công cuốn chiếu phần còn lại của khu đất. Dự kiến T6/2015 sẽ cho thuê toàn bộ diện tích còn lại.

- Khu đất số 2 diện tích khoảng 90 ha: Đầu tư xây dựng hạ tầng theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật như mặt bằng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giai đoạn 1. Khi Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có nhu cầu mở rộng giai đoạn 2 thì khu đất này sẽ được bàn giao lại cho Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hiện SDP đang ưu tiên triển khai khu đất số 1.

c. Mỏ đá Hang Làng - huyện Tĩnh Gia - tỉnh Thanh Hoá :

- Cung cấp đá hộc và đá dăm cho việc thi công các công trình trong khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn.

- Hiện đã tiến hành khai thác đá hộc, công suất khoảng 30.000 m3/tháng.

- Ngày 5/10 chạy không tải dây chuyền nghiền đá dăm, dự kiến ngày 10/10 sẽ sản xuất đá dăm thương phẩm. Doanh thu từ bán đá dăm khoảng 6 tỷ/tháng.

- Dự kiến tháng 11 sẽ tiếp tục chuyển dây chuyền nghiền đá có sẵn của công ty về dự án này. Khi đó công suất khai thác đá sẽ nâng lên gấp đôi, khoảng 60.000 m3/tháng.

Ước tính doanh thu từ khai thác đá trong quý IV khoảng 24 tỷ đồng.

d. Dự án thi công đường Sơn La – Lai Châu: quý II/2014 do vào mùa mưa cùng với công tác giải phóng mặt bằng chậm nên tiến độ không như dự kiến. Trong quý III/2014 dự án triển khai bình thường. Dự kiến dự án này sẽ là nguồn thu chính của SDP trong năm 2014.

e. Cung cấp vật tư, phụ gia: quý II/2014 không thuận lợi do quy định hạn chế về tải trọng xe tải, Q3 tình hình đã được cải thiện, hiện đang đàm phán với chủ đầu tư để chia sẻ phần chi phí vận chuyển tăng thêm.

f. Dự án khu đô thị Vĩnh Thanh - SOTRACO tại huyện Nhơn Trạch - tỉnh Đồng Nai. Công ty đang tiến hành cổ phần hóa chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh và kêu gọi đối tác đầu tư vào dự án này. Tuy nhiên theo đánh giá của chúng tôi thì nhiều khả năng sẽ không có chuyển biến mới trong năm 2014.

g. Đang tiếp tục tham gia đấu thầu các dự án khác:

SDP có nhiều lợi thế trong việc tham gia đấu thầu các dự án khác. Có thể kể đến một số dự án như : gói thầu hoàn thiện dự án thủy điện Lai Châu, Huội Quảng, gói thầu khác từ dự án từ khu kinh tế Nghi Sơn và từ nhiệt điện Thái Bình…

III. Chủ trương thoái vốn của cổ đông lớn Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX)

PVX hiện sở hữu 26,99% vốn và có chủ trương thoái vốn SDP, hạn cuối thoái vốn là cuối năm 2015. PVX chủ trương thoái vốn trên sàn giao dịch chứng khoán với giá khớp lệnh theo giá thị trường tại thời điểm bán nhưng không thấp hơn giá trị cổ phiếu khi góp vốn/đầu tư. Giá góp vốn đầu tư của PVX vào SDP là 10.000 đ/cp. Hiện chưa có thông tin gì thêm về đợt thoái vốn của PVX.

IV. Rủi ro

Các khoản phải thu lớn. Tính đến cuối quý II/2014 thì các khoản phải thu của SDP là 341,6 tỷ chiếm 47% tổng tài sản và gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu. Ban lãnh đạo cho biết hiện không tiềm ẩn rủi ro nợ khó đòi, hầu hết các khoản phải thu đều đến từ nội bộ tập đoàn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc rủi ro tiềm ẩn từ các khoản phải thu.

Biên lợi nhuận thấp. Đa số doanh thu và lợi nhuận của SDP đến từ các dự án xây lắp và kinh doanh thiết bị vật tư do đó biên lợi nhuận khá thấp. Vì vậy, trường hợp có bất lợi về giá đầu vào hoặc quản lý chi phí dự án không tốt sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

V. Khuyến nghị

Dự báo năm 2014 nhiều khả năng SDP có thể hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận sau thuế 10,7 tỷ đồng tương ứng với EPS 963 đ/cp. Với giá hiện tại ngày 7/10/14 là 8.500 đ/cp thì PE 2014 dự phóng khoảng 8,8 lần, khá hợp lý đối với tình hình hiện tại của SDP.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu hiện tại thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách của doanh nghiệp là 13.700 đồng/cp. Có thể nhận thấy với doanh thu hàng năm trên 800 tỷ, cùng với quy mô các dự án lớn thì mức lợi nhuận sau thuế khoảng 10,7 tỷ chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của SDP. Chúng tôi kỳ vọng SDP có thể tiếp tục nhận được các hợp đồng lớn đồng thời cải thiện được hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

PVC: Đánh giá cao vị thế mạnh trong ngành

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi vừa có chuyến thăm doanh nghiệp tới Tổng Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (PVC) trong ngày 9 tháng 10 năm 2014.

Đại diện của Công ty cho biết lợi nhuận sau thuế ước tính trong 9 tháng đầu năm 2014 đạt 199 tỷ VND với doanh thu ước tính đạt 2899 tỷ VND. Lợi nhuận ước tính dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 130 tỷ VND ước tính trong 9 tháng đầu năm 2014. Dự kiến quý 4 năm 2014, hoạt động kinh doanh của PVC vẫn ổn định và sẽ vượt kế hoạch đề ra. Cổ tức dự kiến của năm 2014 của PVC nhiều khả năng sẽ ở mức 12%. Công ty vẫn định hướng mảng cung cấp dịch vụ dung dịch khoan dầu khí vẫn là lĩnh vực cốt lõi của Công ty trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, PVC có chủ trương thoái vốn khỏi các công ty con là DMC miền Bắc, DMC miền Nam và DMC miền trung giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 51%.

Đối với sản phẩm Barite, Công ty định hướng tiếp tục đẩy mạnh việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới. Dự án Mỏ Barite tại Lào của PVC hiện đã xây xong nhà máy và đang xin giấy phép để bắt đầu khai thác dự kiến vào năm 2015. Công ty cũng đang xin chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn Mỹ đối với sản phẩm xi măng G để có thể xuất khẩu sản phẩm này qua đó tăng biên lợi nhuận của sản phẩm.

Nhìn chung, chúng tôi đánh giá cao PVC với vị thế mạnh trong ngành, hoạt động kinh doanh tập trung vào ngành nghề cốt lõi và được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ PVN.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục