Đi trước thị trường
Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, so với mặt bằng diễn biến giá của thị trường, nhóm cổ phiếu BĐS đã có bước tăng giá khá đột biến, nhưng theo các ông chủ DN, điều này không quá bất ngờ.
Tình hình kinh tế vĩ mô, theo ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG), đang hỗ trợ tích cực cho thị trường BĐS dần hồi sinh rõ nét hơn từ năm 2014, nhất là ở các phân khúc mà người mua có nhu cầu sử dụng thực. Việc Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 18/2013 về nới lỏng điều kiện cho vay đối với gói 30.000 tỷ đồng, cùng với những nội dung sửa đổi quan trọng của Luật Đất đai và Luật Xây dựng đang được Quốc hội thảo luận, giới đầu tư nhìn nhận sẽ tác động lành mạnh lên thị trường BĐS thời gian tới. Điều này giải thích tại sao nhóm cổ phiếu BĐS đang phản ứng trước thị trường.
Kết quả kinh doanh khả quan hơn của một số DN trong ngành cũng là nguyên nhân hỗ trợ giá cho nhóm cổ phiếu BĐS. 9 tháng đầu năm nay, TIG kinh doanh có lãi, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ… Riêng quý III/2013, TIG đạt gần 5,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 500% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý III/2012, CTCP Đầu tư Châu Á -Thái Bình Dương (API) lỗ 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm nay đạt lợi nhuận sau thuế trên 2,1 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lợi nhuận sau thuế đạt 6,9 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Duy Khanh, Tổng giám đốc API, diễn biến này cộng với các dự án Khu đô thị APEC Túc Duyên, Khu công nghiệp Điềm Thụy… đang được API tiến hành thuận lợi, đã hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu thời gian qua.
“Giai đoạn khó khăn nhất của thị trường BĐS đã qua, nên giới đầu tư nhìn nhận, DN nào còn tồn tại sẽ sống, ngược lại sẽ phải nói lời chia tay thị trường. Hơn nữa, mặt bằng thị giá cổ phiếu BĐS đã xuống khá thấp, chỉ khoảng 3.000 – 4.000 đồng/CP, nên khi tín hiệu vĩ mô, thị trường BĐS dần tích cực, đã kích thích dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu này. Điều này giải thích tại sao nhiều cổ phiếu BĐS tăng nóng trong thời gian qua”, ông Trần Trọng Hiếu, thành viên HĐQT thường trực CTCP Đầu tư tài chính quốc tế và Phát triển doanh nghiệp IDJ (IDJ) lý giải, đồng thời dự báo, xu hướng hứng khởi của nhóm cổ phiếu BĐS sẽ còn tiếp diễn nếu các DN tiếp tục kinh doanh có lãi, tín hiệu thị trường BĐS hồi phục rõ nét hơn…
Tuy nhiên, thực tế, dòng vốn đổ vào nhóm cổ phiếu BĐS mang tính đầu cơ nhiều hơn là đầu tư dài hạn, nên nhóm cổ phiếu này không dễ giữ được đà tăng trong thời gian tới.
Lực đỡ từ khối ngoại
Diễn biến từ thị trường cho thấy, nhóm cổ phiếu BĐS khó có thể tăng nóng nếu không có lực đỡ từ khối ngoại. Khi thị giá nhiều cổ phiếu BĐS cách đây hơn một năm chỉ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/CP, NĐT ngoại đã liên tục mua vào. Xu hướng này vẫn tiếp diễn khi Asean Small Cap Fund mới đây tăng tỷ lệ sở hữu tại TIG lên 8,56%. Cùng với tỷ lệ 8% mà ông David O’Neil, Giám đốc Asean Small Cap Fund đang nắm, tổng lượng cổ phiếu TIG mà tổ chức này và người có liên quan đang nắm giữ lên tới 16,56%. Đến thời điểm này, Asean Small Cap Fund và ông David O’Neil cũng đang sở hữu hơn 17% cổ phần của API…
Chủ tịch TIG Nguyễn Phúc Long cho hay, trong các cuộc tiếp xúc gần đây với ông David O’Neil, NĐT này tái khẳng định duy trì định hướng đầu tư giá trị vào các cổ phiếu BĐS thị giá thấp, bởi họ sẵn sàng đánh đổi rủi ro cao để thu được lợi nhuận lớn. Đây là chiến thuật đầu tư mà họ đã thành công tại
Với NĐT này, mức lãi 60 - 70% chưa phải là mục tiêu, mà mục tiêu của họ lớn hơn nhiều thông qua cơ chế hỗ trợ tài chính bên cạnh cân nhắc tham gia điều hành DN, để làm gia tăng giá trị các khoản đầu tư của họ sau 3 - 5 năm nắm giữ cổ phiếu. Khi đạt lợi nhuận kỳ vọng, họ sẽ thoái vốn cho các quỹ đầu tư khác, với mức chênh lệch đáng kể so với thị giá tại thời điểm chuyển nhượng.
Cũng theo ông Long, gần đây, Asean Small Cap Fund đã giới thiệu cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu BĐS cho một số quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông… Đây có thể là bước dọn đường cho Asean Small Cap Fund thoái vốn trong tương lai.
>> Dự báo giá cổ phiếu BĐS tiếp tục tăng
>> “Cuộc đua” cổ phiếu bất động sản
>> Tìm giá trị thực của cổ phiếu bất động sản