
Trong phiên sáng, sau 60 phút rung lắc đầu phiên, thị trường đã bật tăng khá tốt và đã chinh phục thành công ngưỡng cản tâm lý 1.280 điểm với sắc xanh chiếm ưu thế. Trong đó, có một số điểm nóng đáng chú ý trên sàn là REE, YEG và nhóm bất động sản.
Sang đến phiên chiều, trong khi REE và YEG không còn sôi động khi lực cung hạn chế nên vẫn duy trì ở mức trần, thì dòng tiền lại tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng - nhóm có số lượng đông nhất trên sàn.
Nhận được sự quan tâm của dòng tiền, hàng loạt mã cổ phiếu trong nhóm này bứt lên, ngoại trừ VRC có sắc tím từ phiên sáng, phiên chiều có thêm SIP, TCH, TDH lên mức kịch trần, KHG cũng bứt lên dù không thể chạm tới sắc tím. Đóng cửa, TCH khớp 20,7 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị, thanh khoản đứng thứ 2 trên sàn HOSE, chỉ sau VIX (49,1 triệu đơn vị). Trong khi đó, VRC và TDH chỉ có thanh khoản thấp. Bên cạnh đó, cổ phiếu bất động sản công nghiệp SIP cũng vọt lên mức trần 86.600 đồng, dù không có dư mua trần, nhưng lượng khớp cũng khá lớn, với gần 3,4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, KHG dù không leo lên được mức trần, nhưng cũng đóng cửa tăng mạnh 6,55% lên 5.690 đồng, khớp 20,5 triệu đơn vị, đứng ngay sau TCH. Một cổ phiếu bất động sản khác cũng có thanh khoản tốt và tăng khá là DXG với 15,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,37% lên 15.300 đồng.
Các mã khác trong nhóm này tăng mạnh còn có NTL tăng 4,31% lên 18.150 đồng, HTN tăng gần 4% lên 10.500 đồng; các mã tăng hơn 3% có SCR, HPX, LDG, SZC, AGG, CCL, EVG, NLG; cùng hàng loạt mã khác tăng hơn 2%. Trong khi đó, người anh em của TCH là HHS có mức tăng 6,49% lên 8.200 đồng, khớp gần 10,3 triệu đơn vị.
Ngoài bất động sản, các nhóm dẫn dắt khác cũng có phiên giao dịch tích cực khi nhóm ngân hàng và công ty chứng khoán cũng giống như phiên sáng, mỗi nhóm chỉ có duy nhất 1 mã giảm nhẹ. Tuy nhiên, mức tăng cũng không quá mạnh nhất là nhóm ngân hàng ngoại trừ ngoại lệ EIB tăng 5,14% lên 20.450 đồng, chỉ có thêm OCB tăng hơn 1%, còn lại đều ở dưới mức này. Trong khi đó, tăng mạnh nhất nhóm công ty chứng khoán vẫn là TVS 3,76% lên 19.300 đồng, tiếp đến là VIX tăng 2,28% lên 11.200 đồng, VDS tăng 2,14% lên 19.100 đồng. Các mã còn lại tăng trên dưới 1%.
Nhóm thép là nhóm hoạt kém nhất trong các nhóm dẫn dắt khi số mã tăng giảm khá cân bằng và mức biến động cũng không lớn.
Trong nhóm VN30 chỉ có 3 mã giảm nhẹ (BVH, SSB và HPG), 1 mã đứng giá là VJC, còn lại đều tăng. Trong đó, 2 mã bất động sản là BCM và GVR vượt lên dẫn đầu về mức tăng với cùng 2,59% lên 71.300 đồng và 31.650 đồng. Ngoài ra, MWG, VRE và MSN tăng trên dưới 2%...
Với sự dẫn dắt của nhóm bất động sản, VN-Index bứt lên tăng hơn 10 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất ngày dù có một số thời điểm cuối đợt khớp lệnh liên tục chịu rung lắc. Đây cũng là phiên tăng mạnh nhất trong hơn 2 tuần (kể từ phiên 4/2).
Chốt phiên, VN-Index tăng 10,42 điểm (+0,82%), lên 1.288,56 điểm với 349 mã tăng (15 mã tăng trần), trong khi chỉ có 119 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 814,6 triệu đơn vị, giá trị 17.496,4 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng và 22,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 78 triệu đơn vị, giá trị 2.142 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên sàn HNX, HNX-Index sau nửa phiên giằng co trong biên độ hẹp đã bứt lên trong nửa phiên sau.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,95 điểm (+0,83%), lên 237,79 điểm với 116 mã tăng và 70 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 97,4 triệu đơn vị, giá trị 1.610,5 tỷ đồng, tăng 34,5% về khối lượng và 41,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,8 triệu đơn vị, giá trị 399 tỷ đồng.
CEO vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 15,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,57% lên 14.600 đồng. Tiếp đến là 2 mã ngân hàng là SHS với 8,31 triệu đơn vị và MBS với 3,59 triệu đơn vị; đóng cửa tăng lần lượt 0,7% lên 14.300 đồng và 1,8% lên 28.300 đồng. Một mã nữa có thanh khoản trên 3 triệu đơn vị là MST, nhưng đóng cửa giảm 1,43% xuống 6.900 đồng.
Trong khi đó, UPCoM hôm nay lại có giao dịch tiêu cực hơn khi chỉ đi ngang dưới tham chiếu trong suốt phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,17%) xuống 99,34 điểm với 213 mã tăng và 100 mã giảm khi đóng cửa. Tổng khối lượng giao dịch đạt 74,2 triệu đơn vị, giá trị 966 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2 triệu đơn vị, giá trị 33,8 tỷ đồng.
Phiên chiều nay BOT bất ngờ có giao dịch sôi động, vươn lên dẫn đầu về thanh khoản với 5,33 triệu đơn vị. Tuy nhiên, lực cung lại thắng thế khiến mã này đóng cửa giảm 1,43% xuống 6.900 đồng, dù có lúc đã leo lên mức trần 8.000 đồng.
HBC lùi về vị trí thứ 2 về thanh khoản với 4,73 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,04% lên 7.600 đồng. Có thêm 2 mã có thanh khoản trên 4 triệu đơn vị và đóng cửa tăng nhẹ là BVB và BCR. Trong khi đó, MSR vẫn giảm mạnh 11,95% xuống 19.900 đồng, khớp gần 4 triệu đơn vị.
Khởi sắc nhất về giá là cổ phiếu VHG khi tăng kịch trần lên 2.000 đồng, khớp 3,41 triệu đơn vị và còn dư mua trần gần 2,2 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, tất cả các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, nhưng thấp hơn mức tăng của chỉ số này. Trong đó, hợp đồng đáo hạn vào ngày mai (20/2) là VN30F2502 tăng 5,6 điểm (+0,42%), lên 1.344,5 điểm gần sát với VN30-Index (1.344,64 điểm). Tổng khối lượng hợp đồng được giao dịch là 177.765 hợp đồng, tương đương giá trị 23.861,7 tỷ đồng; khối lượng mở 30.215 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền hôm nay có 2 mã có thanh khoản trên 3 triệu đơn vị và đều do SSI phát hành là CMBB2405 và CMWG2502, đóng cửa tăng lần lượt là 3,17% lên 650 đồng và 14,06% lên 730 đồng.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có gần 3 triệu đơn vị được giao dịch, tổng giá trị 1.840,9 tỷ đồng. Trong đó, mã có giá trị giao dịch lớn nhất là ACB12405 của ACB với 414,4 tỷ đồng, tương ứng 400 đơn vị. Tiếp đến cũng là một mã trái phiếu ngân hàng khác là của HDB (HDB12417) với 201,6 tỷ đồng, tương ứng 1.958 đơn vị.