Bên cạnh đó, gần đây NĐT thờ ơ với cổ phiếu bảo hiểm do lãi suất tiền gửi giảm, lợi nhuận từ đầu tư tài chính của khối DN này cũng giảm xuống. Bà Nguyễn Thu Hà, Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Bảo Việt (BVSC) chia sẻ với ĐTCK.
Lãi suất tiền gửi giảm sẽ khiến DN bảo hiểm bớt lãi khi lợi nhuận lâu nay đến chủ yếu đến từ lãi tiền gửi. Đó có phải là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu ngành bảo hiểm kém hấp dẫn, thưa bà?
Hiện tại, khoảng 72% danh mục đầu tư của khối bảo hiểm phi nhân thọ là tiền gửi tại các tổ chức tín dụng. Do đó, khi lãi suất giảm, thu nhập từ lãi tiền gửi của các DN bảo hiểm cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, TTCK sụt giảm cũng là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu ngành bảo hiểm kém hấp dẫn và thiếu thanh khoản. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của các DN này vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn bên ngoài, năm 2011 tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản chỉ là 47,2%, giảm so với cùng kỳ năm 2010 (49,7%). Điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro chi trả bồi thường cho những tổn thất lớn ngoài dự tính của các DN bảo hiểm.
Bên cạnh đó, sự kém hấp dẫn của cổ phiếu bảo hiểm được đánh giá là còn bắt nguồn từ yếu tố độc quyền ngành cộng với việc cổ đông chiến lược sở hữu tỷ lệ chi phối trong các DN. Bà đánh giá thế nào về ý kiến này?
Đa số các DN bảo hiểm niêm yết đều là các DN nội ngành như PVI, BMI, PTI, PGI. Tính đến 30/9/2011, các DN trên cùng với MIC, SVIC, Toàn Cầu, Hàng không nắm tới 59,1% tổng phí bảo hiểm toàn ngành.
Như vậy, doanh thu phí bảo hiểm của các DN bảo hiểm nội ngành khối tập đoàn kinh tế chiếm quá nửa thị phần tổng phí bảo hiểm toàn ngành và có xu hướng tăng lên. Điều này cho thấy, hoạt động kinh doanh của các DN bảo hiểm nội ngành khối tập đoàn sẽ đối mặt với việc không phân tán được rủi ro.
Tuy nhiên, sự kém hấp dẫn của cổ phiếu bảo hiểm không hẳn do yếu tố độc quyền ngành (trong một số trường hợp, đó còn là sức hút NĐT), mà nguyên nhân quan trọng là việc các DN bảo hiểm tập trung sở hữu vào một số cổ đông lớn, thường là các cổ đông chiến lược, số lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ không nhiều cũng khiến tính thanh khoản cũng như tính thị trường của các cổ phiếu bảo hiểm không cao.
Khi tin tốt được tung ra trong điều kiện thị trường ổn định thì có thể được phản ánh vào giá cổ phiếu. Nhưng với cổ phiếu bảo hiểm dường như là ngoại lệ. Đơn cử như trường hợp của PVI, mặc dù giá bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài là 36.000 đồng/CP nhưng thị giá cổ phiếu này vẫn chỉ trên dưới 20.000 đồng/CP. Theo bà, nguyên nhân là vì sao?
Sự tăng/giảm giá cổ phiếu do nhiều yếu tố tác động, chẳng hạn như biến động thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô, thông tin tích cực/tiêu cực về DN, không chỉ đơn thuần là DN đó bán được cổ phiếu cho đối tác với giá cao. Thời điểm ra tin cũng tương đối quan trọng, nếu DN có thông tin tốt trong bối cảnh thị trường thuận lợi sẽ hỗ trợ tốt cho giá cổ phiếu. Nếu DN có tin tốt, nhưng trong điều kiện thị trường xấu thì tác dụng của thông tin đó không còn lớn nữa.
Hơn nữa, việc chào bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài như trường hợp của PVI cũng có 2 chiều hướng tích cực và tiêu cực đối với cổ đông hiện hữu: tích cực là DN có thêm được nguồn vốn mới bổ sung cho hoạt động kinh doanh, tạo thặng dư vốn; tiêu cực là dẫn đến hiện tượng pha loãng cổ phiếu. Khó có thể lượng hóa được chiều hướng nào mạnh hơn.
Có một nghịch lý là, nhìn vào sự phát triển của ngành, thị trường bảo hiểm Việt Nam luôn được nhận định là có tiềm năng lớn với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều lần so với GDP, nhưng đà tăng giá cổ phiếu bảo hiểm vẫn ở mức thấp. Ngoài yếu tố thị trường, đâu là lý do khiến cổ phiếu ngành này chưa thực sự hấp dẫn NĐT trong nước, trong khi các NĐT ngoại thì có vẻ mặn mà hơn?
Xét về quy mô, đúng là thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, khi quy mô của thị trường này hiện còn rất nhỏ nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực.
Trên thực tế, quy mô của thị trường bảo hiểm vẫn tăng trưởng với tốc độ cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khả năng sinh lời của các DN bảo hiểm hiện chỉ ở mức thấp. Năm 2011, ROE khu vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 23%, khối bảo hiểm nhân thọ giảm mạnh 33% so với cùng kỳ năm 2010, đạt tương ứng 8,33% và 10,48%, thấp hơn so với các ngành nghề kinh doanh khác (ROE của khu vực phi tài chính: 12,5%; khu vực ngân hàng: 9,21%). Trong khi đó, tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ chi phí đều tăng cao so với năm 2010.
Năm qua, toàn thị trường có 5/29 DN bảo hiểm phi nhân thọ và 5/14 DN bảo hiểm nhân thọ kinh doanh thua lỗ. Trong đó, có tới 63% DN thua lỗ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc. Do đó, có thể thấy thị trường bảo hiểm mới phát triển mạnh về quy mô, chứ chưa hấp dẫn về khả năng sinh lời.