Cổ phiếu bảo hiểm: Kỳ vọng nối dài sóng tăng

(ĐTCK) Năm 2022 được dự báo là năm tăng tốc của nhóm doanh nghiệp bảo hiểm, nhờ động lực từ chuyển đổi số mạnh mẽ và nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục.
Với chính sách giảm 50% phí trước bạ trong nửa đầu năm 2022, cả ngành ô tô và bảo hiểm đều hưởng lợi.

Vượt khó ngoạn mục

Ngày 25/12/2021, Tổng công ty Bảo hiểm PVI - công ty con của Công ty cổ phần PVI (mã PVI) đã công bố hoàn thành vượt mốc 10.000 tỷ đồng doanh thu năm 2021. Lợi nhuận ước đạt 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, đại diện Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (mã MIC) – doanh nghiệp đang đứng thứ 5 về thị phần của khối bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, doanh thu và lợi nhuận năm 2021 đều đạt mức tăng trưởng 20% so với năm 2020. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của MIC gấp 5 lần mức tăng trưởng doanh thu chung của thị trường.

Thông tin từ Tổng công ty Bảo hiểm Ngân hàng BIDV (mã BIC) cho biết, năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ BIC ước đạt trên 2.800 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 10% so với năm trước.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc ước đạt khoảng 2.600 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 12% so với năm 2020. Tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 400 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 10% so với năm trước, hoàn thành 140% kế hoạch năm.

Đặc biệt, năm 2021, BIC tiếp tục có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Kết quả kinh doanh khả quan trên, theo BIC, là nhờ Công ty tích cực cải thiện quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, cơ cấu lại sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiệu quả và đầu tư phát triển công nghệ...

Đây là những con số đáng ghi nhận trong một năm kinh doanh nhiều khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp khối bảo hiểm phi nhân thọ. Đặc biệt, các lĩnh vực gắn chặt với bảo hiểm phi nhân thọ và mang lại nguồn doanh thu chủ lực và ổn định như ô tô, du lịch, nhà hàng, khách sạn, xây dựng, giáo dục… bị ảnh hưởng lớn.

Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cùng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động khai thác mới cũng như phục vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, nhờ các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, thị trường bảo hiểm năm 2021 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.

Số liệu tổng hợp của đơn vị này cho biết, năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 215.954 tỷ đồng, tăng 16,13% so với năm 2020; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt khoảng 570.589 tỷ đồng, tăng 20,87% so với năm 2020. Tất nhiên, trong bối cảnh kinh doanh nhiều thách thức, dự phòng nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng tăng mạnh, với mức tăng 21,42% so với năm 2020, tương ứng tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm khoảng 442.918 tỷ đồng.

Kỳ vọng mức tăng trưởng hai con số trong năm 2022

Hiện các công ty bảo hiểm đang lên kế hoạch kinh doanh cho năm mới và chuyển đổi số được coi là một trong những giải pháp trọng tâm để tạo đà bứt phá cho hoạt động kinh doanh trong năm nay và những năm tiếp theo.

Năm 2022, MIC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trên 40%.

MIC đặt mục tiêu khá tham vọng: lọt vào Top 4 thị phần, với mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trên 40% và đứng số 1 về hiệu quả kinh doanh trong ngành. Đại diện MIC cho biết, chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng trong doanh nghiệp.

MIC cũng đang hoàn thiện hệ sinh thái hoạt động, bao gồm: hệ sinh thái với các ngân hàng lớn, hệ sinh thái với các tập đoàn lớn ở Việt Nam như (Viettel, Masan, MWG…).

“Việc nâng room cho nhà đầu tư nước ngoài và tiếp tục làm việc với các đối tác nước ngoài để tìm kiếm đối tác chiến lược là nhiệm vụ trọng tâm 2022. MIC đang nhận được sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước cũng như đề nghị hợp tác của các công ty, tập đoàn bảo hiểm lớn của nước ngoài”, đại diện MIC cho hay.

Tại BIC, Tổng giám đốc Trần Hoài An cho hay, trong năm nay, Công ty sẽ nỗ lực đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm thông qua phát triển các sản phẩm bán lẻ, kênh phân phối mới, đẩy mạnh kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ…

Nhận định được đưa ra từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, năm 2022, dù đại dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, đà phục hồi của nền kinh tế còn nhiều thách thức nhưng thị trường bảo hiểm dự kiến vẫn tích cực. Theo đó, hầu hết các chỉ tiêu quan trọng của ngành bảo hiểm được dự báo sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2022 ước đạt 253.730 tỷ đồng, tăng 18,04% so với năm 2021; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 677.036 tỷ đồng, tăng 17,32% so với năm 2021; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 533.758 tỷ đồng, tăng 17,15% so với năm 2021.

Cổ phiếu bảo hiểm: Kỳ vọng nối dài sóng tăng

Trên sàn chứng khoán, hiện có 9 cổ phiếu bảo hiểm đang niêm yết, gồm PTI, MIG, BMI, PGI, PRE, VNR và BIC, PVI và BVH.

Ngành bảo hiểm cũng góp mặt trên sàn UPCoM với một số tên tuổi như Bảo hiểm Hàng không (mã AIC), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp (mã ABI), Tổng công ty cổ phần Bảo Long (mã BLI)…

Trong năm qua, cùng với đà tăng mạnh của thị trường chung, nhiều cổ phiếu ngành bảo hiểm đã ghi nhận đà tăng ngoạn mục. Đơn cử, cổ phiếu MIG (Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội) đã ghi nhận mức tăng hơn 100%.

Thành công với nhiều khoản đầu tư cổ phiếu trong năm 2021, chị Nguyễn Thị Thu Hằng - nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường kỳ vọng, “năm 2022 dự báo là thời điểm tăng tốc ngoạn mục của nhóm cổ phiếu bảo hiểm”. Theo bà Hằng, có ba yếu tố chính tạo nên động lực tăng trưởng bền vững của các doanh nghiệp khối này:

Thứ nhất, đại dịch Covid -19 giúp thay đổi nhận thức của người dân và nhu cầu về bảo hiểm tăng cao. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thị trường, hoạch định chiến lược kinh doanh để đạt được mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tối ưu trong giai đoạn sau dịch bệnh.

Thứ hai, với nhu cầu đa dạng các kênh đầu tư vốn hiệu quả và an toàn, bền vững, người dân có thể lựa chọn các sản phẩm bảo hiểm đầu tư sinh lời của doanh nghiệp bảo hiểm. Nhất là trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp, có sự chênh lệch đáng kể và hấp dẫn hơn ở kênh đầu tư bảo hiểm với lợi ích kép....

Thứ ba, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam trong dài hạn là rất lớn, đòi hỏi nguồn vốn trung và dài hạn từ các kênh ngân hàng, trái phiếu, bảo hiểm, chứng khoán... Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn, ổn định từ khu vực dân cư. Mức tăng trưởng của ngành bảo hiểm có thể sẽ cao hơn trong các năm tới, nhất là khi các công ty bảo hiểm đẩy mạnh hợp tác bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng - với tệp khách hàng đa dạng và nhu cầu đầu tư linh hoạt từ nhóm này.

Theo nhà đầu tư này, từ những nền tảng thúc đẩy tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ của nội tại doanh nghiệp trong dài hạn, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ quan tâm, nhìn nhận và đưa định giá cao hơn với cổ phiếu ngành bảo hiểm trong năm 2022 - 2025.

Thêm một yếu tố giúp cổ phiếu bảo hiểm được quan tâm, theo phân tích của ông Nguyễn Duy Định, chuyên viên tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán MB (MBS), một số công ty bảo hiểm có tên tuổi như Bảo hiểm Bảo Minh… đã có lộ trình thoái vốn trong năm 2022.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục