Hiệu ứng thoái vốn
Trong 2 tháng trở lại đây, hầu hết cổ phiếu ngành bảo hiểm bật tăng, nâng mức tăng giá so với đầu năm 2021 lên khoảng 60% như MIG, BMI, PTI, thậm chí mã VNR tăng 145%, trái ngược với xu hướng đi ngang trong vài năm trước đó.
Trên sàn chứng khoán hiện có 7 cổ phiếu bảo hiểm, bao gồm VNR của Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, PTI của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện, MIG của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội, BMI của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, PGI của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex, PRE của Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI, BIC của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV.
Đây là những công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Tại Việt Nam chưa có công ty bảo hiểm nhân thọ nào niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.
Hai cổ phiếu khác là BVH của Tập đoàn Bảo Việt và cổ phiếu PVI của Công ty cổ phần PVI lâu nay được nhiều nhà đầu tư coi là cổ phiếu ngành bảo hiểm, nhưng thực chất là cổ phiếu đầu tư tài chính thuộc phân ngành tài chính - bảo hiểm. BVH đang nắm giữ 100% vốn tại Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, còn PVI nắm giữ 100% vốn tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm PVI, đồng thời nắm giữ 73% vốn tại PRE.
Cổ phiếu PVI hiện có mức tăng giá khoảng 50% so với đầu năm, trong khi cổ phiếu BVH giảm giá nhẹ, dù Tập đoàn ghi nhận lợi nhuận trong nửa đầu năm 2021 tăng 41,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm vốn được coi là “của để dành” vì ngành này có tính chất ổn định, khó đột biến, nhưng đang mang lại lợi nhuận cao cho nhiều nhà đầu tư.
Diễn biến khả quan về giá cũng như thanh khoản của nhóm cổ phiếu bảo hiểm, vốn được coi là “của để dành” vì ngành này có tính chất ổn định, được nhìn nhận nhờ yếu tố thoái vốn nhà nước và một số doanh nghiệp có khả năng ghi nhận lợi nhuận đột biến.
Theo kế hoạch thoái vốn nhà nước từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), có 2 công ty bảo hiểm do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý dự kiến sẽ thoái vốn trong quý I/2022 là BMI và VNR. Giá trị phần vốn nhà nước theo mệnh giá tại BMI là 463,1 tỷ đồng, tại VNR là 529 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Thị Minh Châu, phụ trách công bố thông tin của VNR cho hay, doanh nghiệp chưa nhận được văn bản từ cơ quan chức năng về việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Chuyên gia tài chính - bảo hiểm Trần Nguyên Đán cho rằng, dòng tiền của các nhà đầu tư chứng khoán quan tâm hơn tới nhóm cổ phiếu bảo hiểm, đặc biệt là các mã nằm trong danh sách thoái vốn nhà nước là điều dễ hiểu, nhưng nhà đầu tư cần đánh giá thực lực hoạt động kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn có lĩnh vực hoạt động gần như độc quyền thì đó là cơ hội đầu tư, còn lĩnh vực đó đã được mở cửa, tự do hóa thì không hấp dẫn.
“Chẳng hạn, trường hợp Sabeco trước đây, 1 tháng sau khi Nhà nước thoái vốn thành công, thị giá cổ phiếu SAB giảm từ 340.000 đồng/cổ phiếu xuống 230.000 đồng/cổ phiếu. Quá trình trồi sụt của giá cổ phiếu này sau đó tạo ra nhiều cảm xúc trên thị trường, song thị giá hiện tại cũng chỉ hơn 160.000 đồng/cổ phiếu”, ông Đán dẫn chứng về trường hợp thua lỗ khi mua cổ phiếu thoái vốn.
Lợi nhuận đột biến
Trong 9 tháng đầu năm 2021, PGI công bố lợi nhuận trước thuế ước đạt 247 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Được biết, đây là mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất của PGI trong hơn 26 năm hoạt động, dù 8 tháng đầu năm 2021, thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm từ vị trí thứ năm xuống vị trí thứ sáu. Phóng viên liên hệ với PGI để tìm hiểu về động lực tăng trưởng, nhưng doanh nghiệp từ chối cung cấp thông tin.
Hiện chưa có thêm công ty bảo hiểm nào cập nhật kết quả kinh doanh năm 2021. Trao đổi với phóng viên, đại diện VNR, PTI, BIC đều cho biết, doanh nghiệp đang lập báo cáo tài chính quý III, sắp tới sẽ công bố ra thị trường.
Trước đó, 6 tháng đầu năm 2021, có 4/7 công ty bảo hiểm báo lãi tăng 40 - 55% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm BMI (tăng 55,4%), VNR (tăng 54,6%), PGI tăng (49,9%), MIG (tăng 44,3%), dù đà tăng trưởng doanh thu toàn ngành chậm lại.
Số liệu sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 37.278 tỷ đồng, tăng 3,61% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất trong gần 10 năm trở lại đây (cùng kỳ năm ngoái tăng khoảng 6%).
Lý do là bởi cả hai nghiệp vụ bán lẻ chủ lực đều suy giảm, bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng âm, còn bảo hiểm sức khỏe có mức tăng thấp. Cụ thể, bảo hiểm xe cơ giới đạt 10.279 tỷ đồng doanh thu (chiếm tỷ trọng 27,6%), giảm 7,7%; bảo hiểm sức khỏe đạt doanh thu 11.055 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 29,7%), tăng 3,39% so với cùng kỳ.
Nghiệp vụ bảo hiểm xe nhiều khả năng tiếp tục gặp khó khăn khi lượng xe mới bán ra giảm, số lượng khách hàng tái tục các hợp đồng bảo hiểm cũng giảm do dịch bệnh Covid-19 khiến thu nhập giảm sút.
Năm ngoái, dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động bán bảo hiểm, nhưng mảng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới vẫn tăng mạnh nhờ lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra chủ phương tiện trong việc chấp hành mua bảo hiểm này.
Tuy nhiên, năm nay, giãn cách kéo dài cùng với doanh số bán xe ô tô sụt giảm đã làm giảm đà tăng trưởng của mảng bảo hiểm xe cơ giới.
Nhiều nghiệp vụ bảo hiểm khác như bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm chủ tàu, bảo hiểm hàng không... tuy vẫn tăng trưởng ở mức 2 con số nhưng không đột biến để “cứu” kết quả chung về doanh thu của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.
Tổng cục Thống kê ước tính, 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 7%).
Giải mã đà tăng giá của cổ phiếu, giới phân tích cho rằng, không phải do ngành bảo hiểm có tín hiệu khởi sắc, mà nhờ thực lực của các doanh nghiệp. Ngành bảo hiểm tăng trưởng không cao nhưng ổn định, rủi ro thấp, nên cổ phiếu ngành này lâu nay được coi là “của để dành”, gần đây hấp dẫn hơn trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiếp tục thu hút dòng tiền.
Ngoài ra, theo ông Đán, trên thị trường chứng khoán có nhiều đợt sóng ngành, giá các cổ phiếu tăng hay giảm không hẳn liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà chủ yếu là do sự dịch chuyển dòng tiền. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhìn chung vẫn ổn định, nay có yếu tố thoái vốn nhà nước hỗ trợ, cũng như một số doanh nghiệp kỳ vọng tiếp tục lãi cao, nên cổ phiếu xuất hiện sóng. Điều mà nhà đầu tư cần quan tâm là không nên trở thành nạn nhân của các đợt “thổi” giá.
“Trong quá khứ có nhiều hiện tượng thổi giá trước thềm thoái vốn, trước khi doanh nghiệp công bố lãi đột biến, nhà đầu tư mua đuổi giá dễ nếm trái đắng. Triển vọng thị trường bảo hiểm sẽ có cú huých nhờ Luật Kinh doanh bảo hiểm đang được sửa đổi đó là viễn cảnh còn xa, vì dự kiến sau tháng 7/2023 mới có hiệu lực. Trước mắt, thị trường bảo hiểm mang tính ổn định cao, doanh nghiệp lãi đột biến chủ yếu đến từ đầu tư tài chính, bán đất, hiếm khi lãi từ hoạt động lõi là bảo hiểm”, ông Đán nói.
“Nhà đầu tư cũng cần để mắt để các khoản nợ chây ì tiền bồi thường trị giá hàng chục tỷ đồng, thậm chí cả trăm tỷ đồng đang bị một số công ty bảo hiểm “ngâm”, đến khi trả có thể ăn vào lãi bất kỳ lúc nào”, một chuyên gia khác cảnh báo.