Cổ phiếu Apple khiến chứng khoán Mỹ chao đảo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) S&P 500 và Nasdaq giảm vào thứ Năm (7/9), do ảnh hưởng lớn từ Apple, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm làm dấy lên lo ngại về lạm phát dai dẳng sẽ khiến Fed giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Cổ phiếu Apple khiến chứng khoán Mỹ chao đảo

Cổ phiếu Apple bất ngờ giảm tới gần 3%, do tin tức rằng Trung Quốc đã mở rộng việc hạn chế sử dụng iPhone của nhân viên nhà nước, yêu cầu nhân viên tại một số cơ quan chính phủ trung ương ngừng sử dụng điện thoại di động này tại nơi làm việc.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của Apple, đóng góp 18% trong tổng doanh thu 394 tỷ USD của nhà sản xuất iphone trong năm ngoái.

"Bản chất của thông báo này dường như đã tái tập trung các nhà đầu tư rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là một rủi ro lớn đối với thị trường hiện tại, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ", Rick Meckler, đối tác tại Cherry Lane Investments cho biết.

Mặt khác, làm dấy lên lo ngại về việc lãi suất sẽ tăng cao trong thời gian dài hơn, một báo cáo của Bộ Lao động cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống còn 216.000 trong tuần kết thúc vào ngày 2/9, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2.

Theo Công cụ FedWatch của CME Group, tỷ lệ đặt cược vào việc Fed giữ nguyên lãi suất trong tháng 9 là 93%, trong khi tỷ lệ đặt cược tạm dừng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 là 54,1%, giảm so với gần 59% một tuần trước đó.

Kết thúc phiên 7/9: Chỉ số Dow Jones tăng 57,54 điểm (+0,17%), lên 34.500,73 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,34 điểm (-0,32%), xuống 4.451,14 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 123,64 điểm (-0,89%), xuống 13.748,83 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu các nhà sản xuất chip trước thông tin Trung Quốc đã mở rộng lệnh hạn chế sử dụng iPhone đối với nhân viên chính phủ.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,16% xuống 453,56 điểm.

Các công ty bán dẫn châu Âu đã trượt dốc trước các báo cáo rằng Trung Quốc trong những tuần gần đây đã mở rộng các hạn chế hiện có đối với việc sử dụng iPhone của nhân viên nhà nước, yêu cầu nhân viên tại một số cơ quan chính phủ trung ương ngừng sử dụng iphone tại nơi làm việc.

Nhà cung cấp STMicroelectronics của Apple giảm 4,1%, trong khi BE Semiconductor, Nordic Semiconductor, ASM International, Infineon và ASML giảm từ 2,6% đến 6,3%.

Nhóm cổ phiếu khai thác mỏ châu Âu cũng góp phần vào đà đi xuống của thị trường khi giảm 2%, do giá của hầu hết các kim loại giảm và do lo ngại về nhu cầu từ nước tiêu thụ kim loại hàng đầu Trung Quốc.

Dữ liệu cho thấy Xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm trong tháng Tám, do áp lực kép của nhu cầu ở nước ngoài sụt giảm và chi tiêu tiêu dùng yếu trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

"Người tiêu dùng Trung Quốc đã thận trọng hơn nhiều trong giai đoạn phục hồi này so với dự đoán và rõ ràng đó là tin xấu", Henk Potts, chiến lược gia thị trường tại Barclays Private Bank cho biết.

Trong khi đó, các lĩnh vực phòng thủ như tiện ích và chăm sóc sức khỏe, được coi là tương đối miễn nhiễm với chu kỳ kinh tế, đã giúp giảm bớt tổn thất, lần lượt tăng 1,4% và 1,2%.

Kết thúc phiên 7/9: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 15,58 điểm (+0,21%), lên 7.441,72 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 22,71 điểm (-0,14%), xuống 15.718,66 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 2,01 điểm (+0,03%), lên 7.196,10 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, do tác động của lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và nền kinh tế Trung Quốc chậm lại.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei225 giảm 0,75% xuống 32.991,08 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,4% xuống 2.383,38 điểm.

Các chỉ số trên đã tăng mạnh và tăng hơn 25% từ đầu năm đến nay, nằm trong số những chỉ số hoạt động tốt nhất trên toàn cầu.

"Các nhà đầu tư có cái nhìn tích cực về chứng khoán Nhật Bản. Tuy nhiên, đã có một số tin tức tiêu cực và lợi suất của Mỹ cao hơn, khiến mọi người trở nên thực dụng hơn một chút”, Kenji Abe, một nhà phân tích tại Daiwa Securities ở Tokyo cho biết.

Hôm thứ Tư, một cuộc khảo sát về ngành dịch vụ tốt hơn dự kiến của Mỹ đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu hai năm tăng và dự đoán Fed sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.

Dữ liệu thương mại tháng 8 của Trung Quốc tốt hơn một số dự báo, nhưng xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm cũng đã khiến giới đầu tư lo ngại.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, bị kéo xuống bởi cổ phiếu chất bán dẫn và dữ liệu xuất nhập khẩu tiếp tục cho thấy sự yếu kém.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,13% xuống 3.122,35 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,4% xuống 3.758,47 điểm.

Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8,8% trong tháng 8. Tuy nhiên, kết quả này tốt hơn mong đợi so với ước tính giảm 9,8% và cho thấy nhiều cải thiện so với mức giảm 14,5% trong tháng trước. Trong khi đó, nhập khẩu giảm 7,3% so với ước tính giảm 8,8%, cũng cải thiện so với mức giảm 12,4% được thấy trong tháng 7.

Nhóm cổ phiếu bán dẫn giảm mạnh 3,8%, sau khi Chủ tịch ủy ban Hạ viện về Trung Quốc của Mỹ nói rằng, Bộ Thương mại Mỹ nên chấm dứt tất cả xuất khẩu công nghệ sang Huawei và SMIC, sau khi phát hiện ra con chip mới trong điện thoại Huawei có thể vi phạm các hạn chế thương mại.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các biện pháp kích thích của Bắc Kinh không thuyết phục được các nhà đầu tư, trong khi nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,34% xuống 18.202,07 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,39% xuống 6.314,67 điểm.

"Những thách thức trung hạn, chẳng hạn như nhân khẩu học, suy thoái bất động sản kéo dài nhiều năm, các vấn đề nợ ngầm của chính quyền địa phương và căng thẳng địa chính trị, có thể trở nên quan trọng hơn đối với triển vọng tăng trưởng", Goldman Sachs cho biết.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ ba liên tiếp, bị ảnh hưởng bởi những lo lắng về giá dầu và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 15,08 điểm, tương đương 0,59% xuống 2.548,26 điểm.

"Đã có áp lực chốt lời cổ phiếu lĩnh vực pin sạc, trong bối cảnh khẩu vị rủi ro suy yếu do đồng USD mạnh và lợi suất trái phiếu cao hơn", Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.

Nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 1,9%, công ty mẹ LG Chem giảm 1,37%, trong khi các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation giảm lần lượt 1,33% và 1,03%.

Thông tin đáng chú ý khác là Cơ quan giám sát thị trường tài chính Hàn Quốc kêu gọi các công ty nước ngoài giao dịch trên thị trường chứng khoán nước này tăng cường kiểm soát nội bộ để ngăn chặn việc bán khống bất hợp pháp.

Kết thúc phiên 7/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 249,94 điểm (-0,75%), xuống 32.991,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 35,72 điểm (-1,13%), xuống 3.122,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 247,91 điểm (-1,34%), xuống 18.202,07 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 15,08 điểm (-0,59%), xuống 2.548,26 điểm.

Giá dầu thô suy yếu, chấm dứt chuỗi ngày phục hồi giá kéo dài gần 2 tuần qua, do nhiều tín hiệu cảnh báo nhu cầu yếu hơn trong những tháng tới.

Kết thúc phiên 7/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,67 USD/thùng (-0,80%), xuống 86,67 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,68 USD/thùng (-0,80%), xuống 89,92 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục