IPO trong tầm tay
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, hiện EVN đã trình Bộ Công thương phương án cổ phần hóa EVN Genco3 sau khi tiếp thu ý kiến của Kiểm toán Nhà nước. Sau đó, Bộ Công thương sẽ trình phương án cổ phần hóa EVN Genco3 lên Thủ tướng Chính phủ.
EVN Genco3 đã sẵn sàng tiến hành IPO trong tháng 12/2017
“EVN hy vọng phương án cổ phần hoá EVN Genco3 sẽ sớm được phê duyệt để tiến hành IPO trong tháng 12/2017”, ông Tri nói.
EVN hiện nắm giữ 100% vốn tại 3 tổng công ty phát điện và các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đồng thời nắm giữ 100% vốn tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, 5 tổng công ty điện lực, khâu vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Bởi vậy, việc sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên trong EVN sẽ theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch về chi phí của các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và bán lẻ điện, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị tham gia thị trường điện.
Trong khối phát điện, EVN Genco3 được xem là đơn vị mạnh nhất của EVN, đã kế thừa kinh nghiệm quản lý vận hành các nhà máy điện do EVN chuyển giao và từng bước xây dựng được khả năng quản trị hiện đại để quản lý.
Tuy nhiên, để EVN Genco3 phát triển tốt hơn, EVN đặt mục tiêu cần có được nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn chuyển EVN Genco3 thành công ty cổ phần.
Với tổng giá trị doanh nghiệp của Genco3 được xác định là hơn 90.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là gần 25.000 tỷ đồng, việc bán cổ phần của đơn vị này đang chờ các nhà đầu tư khủng và có những tiêu chí nhất định được đặt ra.
Cụ thể, nhà đầu tư phải có năng lực tài chính, chứng minh có đủ nguồn vốn để mua cổ phần tương ứng với tỷ lệ dự kiến mua. Các nhà đầu tư có năng lực quản lý, vận hành nhà máy điện; hoặc liên danh với một nhà đầu tư khác có uy tín trên thế giới về năng lực quản lý, vận hành nhà máy điện cũng là một lợi thế lớn.
Sau EVN Genco3, việc chuẩn bị cổ phần tại EVN Genco2 và EVN Genco1 đang được xúc tiến. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, EVN Genco2 có thể tiến hành IPO vào khoảng tháng 6/2018 và EVN Genco1 vào cuối năm 2018.
Tại hai đơn vị phát điện sau, nếu nhà đầu tư chiến lược của EVN Genco3 muốn mua cổ phần thông qua IPO sẽ không được hưởng quyền ưu tiên, mà bình đẳng như các nhà đầu tư khác.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần có cam kết bằng văn bản trong việc gắn bó lợi ích lâu dài và hỗ trợ EVN Genco3 sau cổ phần hóa trong các mặt nâng cao năng lực quản lý, vận hành nhà máy điện; năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; cung ứng nhiên liệu.
Theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, EVN vẫn sẽ giữ cổ phần chi phối (51%) cho đến 2 năm sau cổ phần hoá. Sau đó, tùy tình hình thực tế, EVN sẽ tính tới việc giảm tiếp phần vốn mà mình đang nắm giữ tại EVN Genco3 xuống dưới mức chi phối.
“Ở thời điểm đó, EVN Genco3 đã được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường, nên việc bán tiếp cổ phần sẽ theo phương thức giao dịch khớp lệnh/thỏa thuận trên thị trường. Bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể mua cổ phiếu của EVN Genco3 theo quy định của Luật Chứng khoán”, ông Tri nói.
Nhà đầu tư chiến lược được mua 36%
Hiện đã có nhiều nhà đầu tư tiềm năng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Thái Lan tiếp xúc với EVN. Không ít trong số này có năng lực tài chính dồi dào từ các quỹ đầu tư, có khả năng tham gia quản lý điều hành công ty cổ phần và thậm chí có năng lực tiếp tục cung ứng nhiên liệu phục vụ cho phát điện với giá cạnh tranh.
Ông Tri cho hay, theo quy định hiện hành, EVN được lựa chọn tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược cho EVN Genco3 và hiện đã có 5 nhà đầu tư làm việc với EVN với mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của EVN Genco3, trong đó có 3 nhà đầu tư nước ngoài.
Nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, EVN sẽ không có danh sách rút gọn các nhà đầu tư đăng ký làm cổ đông chiến lược của EVN Genco3. Bất kỳ nhà đầu tư nào thỏa mãn tiêu chí làm nhà đầu tư chiến lược đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đều có cơ hội trở thành nhà đầu tư chiến lược nếu trả giá cao hơn.
Với việc EVN sẽ tiếp tục giữ cổ phần chi phối cho đến 2 năm sau cổ phần hoá, trong phương án cổ phần hoá EVN Genco3 được EVN đề xuất, nhà đầu tư chiến lược sẽ được mua tối thiểu 36%.
Theo kế hoạch hiện nay, EVN sẽ thực hiện IPO trước và bán cho nhà đầu tư chiến lược sau. Nếu IPO không hết, toàn bộ số cổ phần còn lại sẽ dành để bán cho nhà đầu tư chiến lược.
Sau 2 năm hoạt động theo hình thức cổ phần hoá, nhà đầu tư chiến lược có thể mua thêm cổ phần để tăng tỷ lệ nắm giữ lên mức chi phối tại EVN Genco3 khi EVN tiếp tục giảm vốn của mình tại đơn vị này.
Hiện công suất hệ thống điện Việt Nam đạt trên 43.000 MW, xếp thứ 2 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Mức tăng trưởng điện bình quân hàng năm cũng đạt 10% và đang chuẩn bị cho triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn toàn vào năm 2023.
Bởi vậy, cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành điện thông qua nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp phát điện lớn hứa hẹn nhiều hấp dẫn.