Cổ phần hóa: tính chuyện đi nhanh

(ĐTCK) Để hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa (CPH) gần 300 DNNN trong năm nay, Bộ Tài chính đang tính đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng liệu pháp “đổi tên”. Có ý kiến cho rằng, cách làm này sẽ khiến CPH rơi vào hình thức, nhưng Bộ Tài chính nghĩ khác.
Trong tổng số 289 DN phải CPH năm nay, đến nay mới CPH được hơn 30 DN Trong tổng số 289 DN phải CPH năm nay, đến nay mới CPH được hơn 30 DN

Nóng câu chuyện tiến độ

Tiến độ CPH đang nóng hơn bao giờ hết khi chỉ còn hơn nửa năm nữa là kết thúc năm 2015, nhưng trong tổng số 289 DN mà Chính phủ đặt mục tiêu CPH xong trong năm nay, đến nay mới CPH được hơn 30 DN.

Vấn đề trên cũng đang làm nóng diễn đàn Quốc hội. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng đều thống nhất mục tiêu là phấn đấu hoàn thành CPH 289 DN trong năm nay. Vấn đề này phụ thuộc vào TTCK, vào sự phát triển của nền kinh tế thì mới có thể CPH được. Chính phủ quyết tâm phải làm với phương án quyết liệt, cụ thể...

Thông điệp trên cho thấy, trong bối cảnh TTCK khó khăn, thanh khoản còn hạn chế, việc hoàn tất CPH hơn 200 DN từ nay đến cuối năm bằng con đường chào bán cổ phần ra đại chúng là rất khó khăn.

Trong bối cảnh này, trả lời câu hỏi, cách nào để hoàn thành mục tiêu CPH mà Chính phủ đề ra, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung tái cơ cấu DNNN theo Nghị quyết 40/2015 của Chính phủ, đã được Bộ Tài chính hoàn tất và đang chờ Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài chính đề xuất cơ chế: những DN trong diện CPH đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, nhưng chưa có điều kiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngay, thì DN được bán trước cổ phần cho người lao động, tổ chức công đoàn trong DN, với giá bán cổ phiếu bằng 60% giá khởi điểm của DN dự kiến sẽ bán ra bên ngoài trong phương án CPH đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trừ đi các ưu đãi mà người lao động, tổ chức công đoàn được hưởng theo quy định...

Nói nôm na, việc áp dụng liệu pháp “đổi tên” như trên sẽ cho phép hoàn tất CPH hơn 200 DN từ nay đến cuối năm, bởi với sự tham gia của các cổ đông là người lao động, tổ chức công đoàn, thì việc “đổi tên” DNNN thành công ty cổ phần (CTCP) chỉ là vấn đề thủ tục, không phụ thuộc vào sức hấp thụ của thị trường. 

Cổ phần hóa hình thức?

Nếu CPH theo giải pháp trên như đề xuất của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ là CPH hình thức, không đi vào thực chất tuy rằng cách làm này có thể hoàn thành mục tiêu CPH về số lượng.

Giải đáp quan ngại trên, ông Tiến cho biết, khi Bộ Tài chính đề xuất giải pháp trên, ngay cả một số thành viên Chính phủ cũng đặt câu hỏi CPH như vậy có hình thức không, vì thông thường phải IPO xong mới được coi là hoàn tất CPH, trong khi triển khai theo giải pháp trên, chưa tiến hành IPO mà vẫn hoàn tất chuyển đổi DNNN thành CTCP.

“Chính phủ rất muốn hoàn tất CPH hơn 200 DN từ nay đến cuối năm thông qua con đường IPO ra đại chúng, nhưng phải thừa nhận một thực tế là vì nguồn cung cổ phần quá lớn, trong khi TTCK còn khó khăn, sức cầu hạn chế, nên khó có thể hoàn thành CPH hơn 200 DN thông qua con đường thị trường…”, ông Tiến nói và lập luận, nếu vì một thực tế là không thể IPO các DN ra đại chúng, mà không quyết tâm áp dụng các giải pháp triệt để nhằm chuyển toàn bộ DNNN trong diện CPH sang hoạt động theo mô hình CTCP, thì cái mất còn lớn hơn.

Lý do là bởi, như vậy sẽ tiếp tục duy trì một lượng lớn DNNN, vốn hay bị kêu là được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước, còn không ít hạn chế về tính minh bạch, cũng như hiệu quả kinh doanh. Nói cách khác, nếu không quyết liệt áp dụng các giải pháp để chuyển toàn bộ các DN trong diện CPH sang hoạt động theo mô hình CTCP, thì đồng nghĩa tiếp tục trì hoãn việc áp DNNN phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường.

Cũng theo ông Tiến, sau khi chuyển đổi thành CTCP, với sự xuất hiện của ít nhất một nhân tố ngoài Nhà nước là người lao động, đồng thời các DN sẽ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nên sẽ dần tạo sức ép cải thiện minh bạch trong hoạt động của DN hậu CPH.

Điều này sẽ góp phần cải thiện hiệu quả kinh doanh của DN. Khi đó, cùng với TTCK dần khởi sắc sẽ đưa DN ra IPO. Thời hạn IPO sau CPH được Bộ Tài chính đề xuất tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung tái cơ cấu DNNN là: trong vòng 12 tháng sau khi DN chuyển sang CTCP, DN CPH phải thực hiện IPO.

Khi cân đo giữa một lựa chọn là thực hiện CPH có phần còn hình thức, chưa triệt để vì bối cảnh thị trường không cho phép, với lựa chọn còn lại là thực hiện triệt để việc chuyển đổi DNNN thành CTCP như giải pháp mà Bộ Tài chính đang đề xuất, xem ra lựa chọn thứ nhất được nhiều hơn mất, đồng thời dễ nhận được sự ủng hộ của thị trường và giới đầu tư hơn. Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng từng đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ CPH tương tự như cơ chế mà Bộ Tài chính đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục