Ông Dương Văn Thành, Chủ tịch EVN cho biết, việc cổ phần hóa cả 2 tổng công ty phát điện lớn của Tập đoàn là Genco 1 và Genco 2 đều đang vướng mắc. Ðối với Genco 2, trước đây, EVN chịu tác động bởi 3 quy định, gồm Quyết định 58/2016/QÐ-TTg, Quyết định 852/QÐ-TTg về tái cơ cấu EVN và Quyết định 168/QÐ-TTg tái cơ cấu ngành điện.
Theo Quyết định 58 và 168, EVN sẽ vẫn nắm giữ 51% cổ phần thuộc sở hữu nhà nước khi cổ phần hóa các genco, trong đó có Genco 2, sau 2 năm sẽ thực hiện thoái vốn theo tiêu chí giảm dần, chỉ còn giữ tỷ lệ dưới 36% vốn nhà nước.
Thời điểm EVN đưa ra phương án cổ phần Genco 2 là giai đoạn 2016 - 2018, nhưng do vướng mắc từ quá trình chuyển đổi sang Nghị định 126/2017/NÐ-CP, Genco 2 lại phải lùi tiến độ cổ phần hóa sang năm 2020, dẫn tới không thống nhất trong các quy định về tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa.
“Việc Nhà nước nắm giữ 51% khi bắt đầu cổ phần hóa cũng như có thoái vốn tiếp về dưới mức 36% sau đó hay không vẫn chưa có sự thống nhất nên Tập đoàn đang rất vướng trong việc xây dựng phương án cổ phần hóa”, ông Thành phản ánh.
Theo lộ trình hiện tại, Genco 2 đã thực hiện công bố kết quả xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa đối với công ty mẹ - Tổng công ty vào cuối tháng 5/2020.
Dự kiến, phương án cổ phần hóa Genco 2 sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2020 và EVN sẽ thực hiện IPO vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, nếu vướng mắc này chưa được tháo gỡ thì EVN khó có thể bám sát tiến độ đã đề ra.
Liên quan đến tiến trình cổ phần hóa Genco 1, “ông lớn” EVN cũng gặp khó do sự không đồng bộ từ các văn bản pháp luật.
Theo kế hoạch, Ủy ban Quản ly vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã xác định thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của Genco 1 là 1/1/2020 và EVN đã thực hiện công bố giá trị theo lộ trình này. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại có văn bản về việc rà soát phương án sắp xếp nhà đất của các công ty con thuộc công ty tiến hành cổ phần hóa.
“Chiểu theo văn bản này, chắc chắn doanh nghiệp phải rà soát lại toàn bộ phương án sắp xếp nhà đất của các công ty con đã cổ phần hóa, kéo theo thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp lại phải tính từ sau khi sắp xếp toàn bộ cơ sở nhà đất”, ông Thành băn khoăn.
Lãnh đạo EVN cho rằng, Bộ Tài chính nên cân nhắc xem xét đối với doanh nghiệp trước 1/1/2020 đã có quyết định cổ phần hóa thì cho phép áp dụng không phải hồi tố để tránh phải làm lại công tác rà soát, sắp xếp đối với các công ty con, làm chậm tiến độ cổ phần hóa.
Không chỉ gặp khó về cổ phần hóa, hiện nay, ông lớn EVN cũng đang loay hoay trong việc thoái vốn một số doanh nghiệp.
Lãnh đạo EVN cho biết, Nghị định 32/2018/NÐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2015/NÐ-CP chỉ quy định cho thoái vốn doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, còn các quy định về thoái vốn đơn vị cấp 3 đối với các công ty con của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn vẫn chưa có hướng dẫn khiến EVN gặp nhiều khó khăn trong thoái vốn các đơn vị trực thuộc.
“Vừa rồi, Tập đoàn đăng ký thoái vốn CTCP Tài chính điện lực và các công ty con của các tổng công ty thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nói chưa có hướng dẫn. Tập đoàn cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Tài chính, đồng thời kiến nghị cần sớm có hướng dẫn để UBCK tổ chức đấu giá thoái vốn các đơn vị này”, ông Thành cho hay.
Theo báo cáo cập nhật của EVN, đối với CTCP Tài chính điện lực, hiện còn 1% vốn, tương đương 26 tỷ đồng chưa thoái được, doanh nghiệp đang làm thủ tục đăng ký với UBCK. Còn lại 2 đơn vị tư vấn là CTCP Tư vấn xây dựng điện 3, CTCP Tư vấn xây dựng điện 4, EVN đã tổ chức đấu giá trên TTCK, nhưng cổ phiếu của CTCP Tư vấn xây dựng 3 không có khách nào đăng ký mua, còn với CTCP Tư vấn xây dựng điện 4 thì nguồn thu từ bán cổ phần còn thấp hơn chi phí để cổ phần hóa, chỉ đạt 17 triệu đồng trong tổng số 71% vốn của Tập đoàn ở đơn vị này.
Đối với Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, EVN đang làm thủ tục thoái vốn song khả năng rất khó khăn do định giá lại để đấu giá cao hơn giá thị trường rất nhiều. Hiện EVN đang định giá là 130.000 đồng/cổ phiếu, nhưng trên thị trường, giá cổ phiếu này đang quanh mức 60.000-70.000 đồng/cổ phiếu.