Với những vướng mắc về sắp xếp đất đai kéo dài 4 năm nay, kế hoạch cổ phần hóa của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vốn bị trì hoãn từ năm 2018 dự kiến khó có thể hoàn thành trong năm nay.
Với tổng cộng trên 4.400 cơ sở nhà đất cần sắp xếp lại, ông Trần Mạnh Hùng, khi còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT phải thừa nhận, sớm nhất đến cuối năm 2020 mới xác định được giá trị doanh nghiệp.
Điều này đồng nghĩa với việc nhanh nhất cũng phải từ năm 2021 mới có thể tiến hành cổ phần hóa.
Báo cáo mới nhất của VNPT tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, tính đến tháng 6/2020, VNPT đã hoàn thành việc sắp xếp và phê duyệt phương án sử dụng của 4.100/4.400 cơ sở nhà đất, đạt 93% kế hoạch, còn 301 mảnh đất đang trong thủ tục hoàn thành.
Trong số cơ sở nhà đất còn lại, còn 45 mảnh đang chờ thủ tục điều chỉnh, còn lại dự kiến trong quý IV có thể hoàn thành cơ bản với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính và chính quyền các địa phương.
Mặc dù vậy, đại diện tập đoàn này cũng cho rằng khả hoàn thành trong năm nay là khó, bởi “còn một miếng đất chưa xong thủ tục thì cũng chưa thể cổ phần hóa được theo văn bản quy định hiện hành”.
Khó khăn của các tập đoàn nhiều năm mà không tháo gỡ được cần làm rõ lý do tại sao, trách nhiệm của các bộ cần lý giải rõ, không đổ qua đổi lại, đổ lỗi cho khách quan mà phải thấy rõ trách nhiệm của mình để sớm tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Không chỉ vướng về sắp xếp đất đai, “ông lớn” ngành viễn thông này còn gặp khó khăn trong vấn đề xác định công nợ và kiểm kê tài sản trên trời và dưới lòng đất theo đặc thù riêng của ngành viễn thông.
Vấn đề là hiện nay, các văn bản quy định hướng dẫn liên quan, bao gồm Nghị định 126/2017/NĐ-CP, 167/2017/NĐ-CP, 32/2018/NĐ-CP vẫn đang trong quá trình sửa đổi, chưa biết có kịp ban hành trong thời gian từ nay đến cuối năm hay không, khiến “doanh nghiệp như đang ngồi trên lửa”.
“Chúng tôi mong Chính phủ chỉ đạo ban hành sớm các nghị định sửa đổi này để sớm tháo gỡ khó khăn cho công tác cổ phần hóa và thoái vốn của Tập đoàn”, đại diện VNPT kiến nghị trực tiếp Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đồng thời cũng để ngỏ khả năng báo cáo Chính phủ phương án điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa do những khó khăn vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Tương tự, Tổng công ty Lương thực miền Bắc 1 (Vinafood 1) cũng bế tắc nhiều năm nay trong việc hoàn thành sắp xếp định giá đất đai để cổ phần hóa, dù theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2020.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinafood1 cho biết, khả năng đến tháng 9, doanh nghiệp phải tiếp tục báo cáo chỉnh sửa lộ trình cổ phần hóa.
Theo bà Tâm, kế hoạch cổ phần hóa hai doanh nghiệp thành viên là Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam và Công ty TNHH MTV Lương thực Lương Yên gặp vướng làm chậm tiến độ cổ phần hóa công ty mẹ Vinafood1.
Phương án sử dụng đất đã gửi các tỉnh, thành phố từ tháng 9 năm ngoái song đến nay vẫn chưa được phê duyệt.
“Đối với Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam, nếu phương án sử dụng đất không được phê duyệt trước ngày 30/9 thì với việc quá thời hạn 12 tháng, chúng tôi phải thực hiện lại các thủ tục cổ phần hóa từ đầu. Tương tự, đối với Công ty Lương thực Lương Yên, nếu không được phê duyệt trước 31/12 cũng sẽ như vậy”, bà Tâm cho hay.
Một khó khăn khác “ông lớn” lương thực cũng đang phải xử lý là việc rà soát đất đai của hàng loạt công ty cấp 2, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước nắm trên 50% vốn mà Vinafood1 có cổ phần chi phối.
Chia sẻ vướng mắc của doanh nghiệp vẫn chưa giải quyết được, bà Tâm cho rằng, vấn đề có phải rà soát hay không cần sớm có thông báo rõ ràng cho doanh nghiệp, tránh tình trạng hủy đi làm lại gây thiệt hại về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp, làm chậm tiến trình cổ phần hóa.
Theo ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), những vướng mắc về đất đai là nguyên chính khiến cổ phần hóa tại nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó khăn do liên quan tới cả chuỗi quy trình định giá doanh nghiệp để cổ phần hóa.
Đây là những bất cập cần được tiếp tục đẩy nhanh rà soát và xử lý cũng như gỡ khó cho doanh nghiệp.