Cổ phần hóa, hãy thoát khỏi vòng luẩn quẩn của tư duy

(ĐTCK) Sau thông điệp của Chính phủ về việc sẽ kiên quyết cổ phần hóa 432 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) từ nay đến hết năm 2015, câu chuyện cổ phần hoá bắt đầu “nóng” trở lại. Trả lời phỏng vấn ĐTCK xung quanh vấn đề này, ông Đinh Quang Hoàn, Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng, để đẩy mạnh cổ phần hóa, cần thoát khỏi tư duy luẩn quẩn về đắt rẻ của định giá cổ phần, thu lợi trước mắt cho Nhà nước, mà cần nhìn vào hiệu quả tái cấu trúc DNNN từ việc cổ phần hóa. 
Cổ phần hóa, hãy thoát khỏi vòng  luẩn quẩn của tư duy

Ông có cho rằng hoạt động cổ phần hoá DNNN sẽ bắt đầu sôi động trở lại kể từ năm nay không?

Tôi cho rằng, hoạt động cổ phần hóa sẽ sôi động trở lại, nhưng sớm nhất cũng phải từ quý IV/2014, vì trung bình phải mất tới 6 tháng để hoàn tất các thủ tục định giá DN.

Điều đáng mừng là tư duy về cổ phần hoá đã thay đổi, kéo theo nhiều thay đổi khác về mặt kỹ thuật và điều này sẽ giúp đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa trong thời gian tới.

Sự thay đổi về mặt tư duy này cụ thể ra sao, thưa ông?

Trước năm 2007, quan điểm của Chính phủ là cổ phần hoá nhằm mục đích tái cấu trúc DNNN. Nhưng kể từ năm 2007, khi TTCK bùng nổ, giá cổ phiếu tăng mạnh, có ý kiến cho rằng, nhiều DNNN đã bán rẻ mình khi cổ phần hoá, làm thất thoát tài sản Nhà nước. Từ đó, pháp luật và các chính sách liên quan đến cổ phần hóa được điều chỉnh với mục tiêu làm sao để thu càng nhiều tiền về cho Nhà nước càng tốt. Lợi thế vị trí địa lý, lợi thế kinh doanh và giá trị thương hiệu… được đưa vào định giá DNNN, làm tăng giá trị DN lên. Việc định giá không dựa nhiều vào dòng tiền tạo ra trong tương lai, mà chủ yếu dựa vào giá trị tài sản DN đang nắm giữ.

Việc tính lợi thế địa lý đã khiến giá trị quyền sử dụng đất được định giá gần như 2 lần: lần 1 khi xác định giá trị DN để cổ phần hóa và lần 2 khi DN sau cổ phần hoá mua đất, lúc đó DN vẫn phải mua lại quyền sử dụng đất theo giá thị trường. Do vậy, giá trị DN khi cổ phần hóa tăng lên, khiến các DNNN ngại cổ phần hóa. Chẳng hạn như Saigontourist, nếu định giá bao gồm lợi thế vị trí địa lý thì chắc chắn giá trị DN sẽ tăng rất cao do Saigontourist quản lý rất nhiều mặt bằng ở các tuyến phố trung tâm TP. HCM. Nếu xem đây là toàn bộ phần vốn của Nhà nước để cổ phần hoá, sẽ rất khó cho Saigontourist sau cổ phần hoá, ngay cả khi chỉ cần tạo ra lợi nhuận để có thể trả cổ tức với mức khoảng 10%/năm, nên công ty này không dám cổ phần hoá. Đó là về phía bên bán, còn bên mua, khi giá trị DN được xác định quá cao, người ta bỗng nhận ra rằng, ở đó có những giá trị không thực. Điểm rơi của công cuộc cổ phần hóa DNNN trước đây tất yếu đã xảy ra.

Tư duy cổ phần hóa DNNN hiện nay đang có sự chuyển biến mạnh mẽ và quay lại gần giống thời trước năm 2007. Theo đó, mục tiêu của cổ phần hoá không phải là thu tiền về cho Nhà nước, mà là để tái cấu trúc DNNN.

Mấy năm gần đây, đi đâu cũng nghe nói về “tái cấu trúc” và khi nói đến “tái cấu trúc”, người ta thường nghĩ đến việc sắp xếp lại nhân sự, ngành nghề, công ty con… Sao không nghĩ cách tái cấu trúc đơn giản nhất là cổ phần hoá DN? Một khi đã chuyển sang công ty cổ phần, DN không chỉ được tái cấu trúc về vốn, mà còn tái cấu trúc cơ chế hoạt động, cơ chế quản trị, điều hành. Đồng thời, lúc đó bàn tay thị trường cũng sẽ góp phần vào việc tái cấu trúc DN.

Có ý kiến cho rằng, cổ phần hoá thời gian qua chậm một phần là do diễn biến TTCK không thuận lợi. Ông có cùng chung quan điểm này?

Nếu đổ lỗi cho TTCK thì khác nào quay lại với tư duy cổ phần hoá là mang tiền về cho Nhà nước. Dĩ nhiên, TTCK có tác động nhất định đến cổ phần hoá, nhưng ở đây có 2 điểm cần lưu ý:

Thứ nhất, khi cổ phần hoá, việc bán được bao nhiêu cổ phần không quan trọng, mà vấn đề là chuyển đổi được cơ chế hoạt động của DN. Chẳng hạn, Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) khi cổ phần hoá chỉ bán chưa đầy 3% cổ phần ra bên ngoài, nhưng chỉ với 3% đó, cả xã hội được giám sát toàn bộ 97% vốn còn lại. Để tái cấu trúc DNNN thì trước hết phải chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần để công khai, minh bạch trước đã. Nếu một số tập đoàn Nhà nước lớn hoạt động không hiệu quả được cổ phần hoá thì liệu có  xảy ra đổ vỡ như thời gian vừa qua không? Một khi là công ty cổ phần thì liệu cổ đông có đồng ý cho các tập đoàn đi vay quá nhiều, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả như vậy không?

Việc cổ phần hoá gắn với niêm yết trên TTCK cũng cần được thực hiện quyết liệt, nó sẽ mang lại thành công cao hơn nhiều cho việc bán cổ phần Nhà nước, vì NĐT hiện tại có xu hướng đầu tư vào các cổ phiếu có tính thanh khoản cao, hạn chế các rủi ro do việc không thanh lý được các khoản đầu tư khi mong muốn.

Thứ hai, giá bán cổ phần lần đầu cũng không quá quan trọng. Nếu giá khởi điểm định thấp, thì thị trường sẽ có người trả giá cao để mua. Quy luật thị trường sẽ quyết định việc này, chứ không phải ý chí chủ quan của một ai cả. Nhiều cuộc đấu giá cổ phần được thực hiện với giá khởi điểm đưa ra rất cao phải chịu thất bại là minh chứng rõ nhất cho thấy không ai có thể quyết định thay thị trường.

Trong chuyện cổ phần hoá DNNN, theo tôi, điều quan trọng nhất là cần phải xác định quan điểm rất rõ ràng: Nhà nước là cơ quan quản lý, chứ không phải là NĐT. Xác định rõ như thế, dù thị trường có xấu cũng không ảnh hưởng đến chuyện cổ phần hoá. Vì mục tiêu của cổ phần hoá là để tái cấu trúc DN, chứ đâu phải thu lợi.

Cũng với quan điểm đó, suy nghĩ về chuyện thất thoát tài sản Nhà nước khi cổ phần hóa cũng sẽ thay đổi, vì tại thời điểm DN bán cổ phần, giá trị trường ở mức thấp, nhưng nhờ bán mà DN có tiền để làm chuyện khác có lợi hơn, mua tài sản khác rẻ hơn. Hơn nữa, khi tiến hành xác định lại giá trị DN trước khi cổ phần, các tài sản của DN đã được đánh giá lại theo giá thị trường, các chi phí xây dựng nhãn hiệu, khả năng sinh lời cao của DN đều đã được tính vào giá trị DN để làm vốn điều lệ mới.

Nhưng thực tế, không dễ để chấp nhận thay đổi tư duy hoàn toàn theo cách đó?

Rất có thể. Giả sử thời gian tới TTCK lên 1.000 điểm, chắc là câu chuyện thất thoát vốn Nhà nước lại được xới lên. Đó là cái vòng luẩn quẩn mà gần 10 năm nay tôi gặp phải trong quá trình làm tư vấn cổ phần hóa cho các DN.

Tuy nhiên, thực tế thị trường cho thấy, ngoài việc giá trị DN biến động theo xu hướng chung của thị trường hàng ngày, thì giá trị DN tăng lên chủ yếu do tính hiệu quả, lợi nhuận của DN sau cổ phần hoá có bước nhảy vọt. Do đó, cái lợi của việc chọn thời điểm bán đấu giá tốt sẽ trở thành rất nhỏ so với chi phí cơ hội bị mất đi nếu chậm thay đổi tư duy, cơ chế quản trị cho DN, thậm chí còn ảnh hưởng đến sự sống còn của DN.

Vậy theo ông, việc thất thoát vốn Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa là có thể xảy ra không?

Sau gần 20 năm thực hiện và điều chỉnh, các văn bản pháp lý hướng dẫn quá trình cổ phần hoá gần như đã hoàn thiện. Quá trình định giá và đấu giá DN đã được công khai, minh bạch và được giám sát chặt chẽ bởi cả các cơ quan Nhà nước và các NĐT, nên thất thoát là rất khó và nếu có, chỉ xảy ra ở những DN rất nhỏ, rất cá biệt và thất thoát cũng là không đáng kể.

Quá trình cổ phần hoá diễn ra minh bạch và có sự tham gia đại chúng, khác hoàn toàn với quá trình tư nhân hóa ở các nước Đông Âu trước kia. TTCK cũng phản ánh điều này. Có thể thấy, hầu như tất cả những người giàu có được liệt kê trên TTCK Việt Nam đều xuất phát từ xây dựng DN gia đình, mà không thấy bóng dáng những người thâu tóm DN Nhà nước. Tôi cho rằng, thực ra, được hưởng lợi nhiều nhất trong quá trình cổ phần hoá chính là Nhà nước.

Cổ phần hoá chậm còn do các địa phương không muốn mất “đứa con” của mình. Trong thực tế làm tư vấn, ông có gặp chuyện này không?

Điều này cũng có. Sau khi DNNN được cổ phần hoá thì quyền quản lý phần vốn tại một số DN sẽ chuyển từ địa phương, bộ, ngành sang SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) và điều đó khiến một vài cơ quan chủ quản DN không thích. Các cơ quan chủ quản DN cần hiểu rằng, cổ phần hoá là không thể trì hoãn, trước sau gì cũng phải chuyển vai trò quản lý phần vốn Nhà nước về SCIC, vì pháp luật đã quy định rõ ràng.

Xin ông chia sẻ một vài chuyện khó xử từng gặp khi làm tư vấn cổ phần hoá?

Trong quá trình làm tư vấn cổ phần hoá, tôi đã gặp không ít chuyện khó xử. Ví dụ, DN có khoản phải thu khá lớn, có khoản đã vài chục năm không thu được, nhưng không thể xoá do thiếu các chứng từ như quy định và do vậy vẫn được tính vào phần vốn của DN. Đó là vốn ảo mà NĐT phải chấp nhận.

Hoặc như khi cơ quan chức năng duyệt giá khởi điểm rất cao, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, mà chúng tôi biết chắc là không thể bán được, nhưng không thể làm gì. Chúng tôi đã từ chối tham gia tư vấn một vài trường hợp như vậy.

Cũng có khi phương án cổ phần hoá ghi rõ các giả định về chi phí nguyên vật liệu đầu vào mang tính đặc thù đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt giá theo lộ trình 5 năm sau, nhưng sau khi cổ phần hoá được 1 - 2 năm thì chi phí đó bị thay đổi, mà chẳng xin lại ý kiến các cổ đông.

Đức Luận

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ