Vừa qua, Tòa án nhân dân TP.HCM đã giải quyết phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư giữa HDTC và Ngân hàng TMCP Eximbank. Vụ việc này kéo dài gần 10 năm nay với phiên tòa đầu tiên vào năm 2011. Trong suốt thời gian đó, HDTC đã có thay đổi về cơ cấu, tổ chức, mô hình công ty. Quá trình tố tụng kéo dài đã phần nào ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp hiện tại.
“Đứt gánh giữa đường”
Năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thu hồi 131 ha đất tại quận 2, TP.HCM và giao toàn bộ diện tích đất trên cho HDTC theo Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 16/11/1998 về phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng cơ sở khu đô thị An Phú - An Khánh. Đến năm 2011, UBND quận 2 ban hành Quyết định phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu nhà ở (Khu D) diện tích 24,6 ha, thuộc dự án trên. Trong đề án quy hoạch, có các lô đất thuộc sở hữu của Eximbank.
Theo nội dung vụ việc, năm 2011, Eximbank đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng các lô đất trên cho đối tác. Hai bên đã thanh toán tiền nhưng chưa sang tên do vị trí lô đất trên nằm trong khu quy hoạch dự án 131 ha của HDTC. Vì lý do đó, năm 2004, Ngân hàng đã thỏa thuận với HDTC về việc đền bù và hoán đổi đất thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư.
Theo đó, Eximbank giao diện tích 4.132,6 m2 đất cho HDTC. Đổi lại, công ty này giao 12 nền đất, loại 100 m2/nền với tổng diện tích 1.200 m2. Ngân hàng sẽ góp suất đầu tư hạ tầng với đơn giá 2,1 triệu đồng/m2. Còn HDTC làm phụ lục hợp đồng chuyển nhượng nền đất theo danh sách khách hàng của Ngân hàng.
Thực hiện hợp đồng trên, Eximbank thanh toán số tiền 3,7 tỷ đồng. Ngay sau đó, HDTC đã ký 12 phụ lục hợp đồng hoán đổi cho 6 khách hàng theo yêu cầu của Ngân hàng.
Quá thời hạn cam kết, HDTC đã không giao được nền đất nên Eximbank đã khởi kiện ra tòa. Bản án năm 2011 đã tuyên chấm dứt hợp đồng kinh tế trên, buộc HDTC phải bàn giao lại đất và số tiền hơn 3 tỷ đồng cho Ngân hàng.
Quyết định của tòa án không thực hiện được trên thực tế. HDTC lý giải, năm 2006, Công ty san lấp để triển khai hạ tầng kỹ thuật khu D. Ngày 23/11/2006, UBND TP.HCM có công văn về xử lý quy hoạch thoát nước thuộc phạm dự án 131 ha, yêu cầu chủ đầu tư duy trì và không san lấp các đoạn chi lưu của rạch Cá Trê, nhằm đảm bảo giải quyết thoát nước cho toàn khu vực. Công ty phải điều chỉnh lại quy hoạch khu D. Việc chậm bàn giao và sau này không có 12 nền đất là trường hợp bất khả kháng. HDTC nghĩ ra phương án khác nhưng cũng không thể thực hiện.
Theo HDTC, trước đây, Công ty có quỹ nền đất với lộ giới 18 m2, diện tích 100 m2/nền do điều chỉnh quy hoạch để giao cho khách hàng, nhưng họ không đồng ý nhận.
Doanh nghiệp đã kháng cáo bản án trên nhưng không được chấp nhận. Do quyền lợi bị ảnh hưởng, 6 khách hàng đã khiếu nại theo trình tự giám đốc thẩm. Tại quyết định giám đốc thẩm năm 2015, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quyết định hủy 2 bản án trên để xét xử lại.
Đến năm 2017, phiên tòa sơ thẩm lần 2 tuyên buộc không chấp nhận yêu cầu của Eximbank về việc yêu cầu HDTC giao nền đất. Ngân hàng phải hoàn trả số tiền HDTC đã thi hành bản án phúc thẩm năm 2011. Còn HDTC phải hoàn trả tiền đất cho các khách hàng.
Tranh cãi thời điểm xác định giá đất
Sau bản án trên, nhóm khách hàng tiếp tục kháng cáo. Họ cho rằng, cấp sơ thẩm lựa chọn công ty thẩm định giá theo yêu cầu của HDTC tại thời điểm xét xử sơ thẩm (tháng 8/2017) làm ảnh hưởng quyền lợi của họ.
Theo yêu cầu trên, năm 2018, Tòa án quyết định thẩm định lại giá tài sản.
Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, Hội đồng xét xử xác định việc áp giá vào thời điểm tháng 8/2017 là không theo giá trị trường, không đảm bảo quyền và lợi ích của các đương sự. Tòa án đã quyết định áp dụng mức giá tại giai đoạn xét xử phúc thẩm (tháng 11/2018). Theo đó, HDTC phải hoàn trả cho khách hàng tổng số tiền là 109 tỷ đồng (trước đó là 61 tỷ đồng).
Được biết, năm 2015, HDTC đã tiến hành cổ phần hóa, vốn điều lệ là 2.241 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 30%. Doanh nghiệp cho rằng, khoản tiền thanh toán cho khách hàng không được đưa vào số nợ của Công ty tại thời điểm cổ phần hóa, đến nay mới phát sinh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông. Tuy nhiên, tòa án nhận định, yêu cầu này không thuộc phạm vi xét xử nên không xem xét.
Bản án phúc thẩm cho rằng, theo hợp đồng, Eximbank đã nhận hết quyền lợi lô đất thông qua việc nhận tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ngân hàng chỉ có trách nhiệm đôn đốc HDTC thực hiện các hợp đồng với khách hàng. Việc chậm bàn giao chỉ ảnh hưởng quyền lợi của 6 khách hàng. Do đó, tòa án không chấp nhận yêu cầu hủy hợp đồng kinh tế giữa HDTC và Eximbank.