Cổ phần hóa: Con bò già leo dốc!

(ĐTCK-online) Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, thay thế Nghị định 187/2004/NĐ-CP, ra đời được hơn 1 năm, nhưng chưa có nhiều DN được chuyển đổi theo các quy định của nghị định này. Không ít vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi Nghị định phải tiếp tục có những sửa đổi nhằm đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa đang được ví như "con bò già leo dốc".
Việc cổ phần hoá bị bó gọn trong việc đấu giá, khiến khả năng thành công không cao.

Những điểm mới

Nghị định 109 có một số điểm mới như đất thuê cũng được đưa vào xác định giá trị DN nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước; giá trị lợi thế kinh doanh của DN, giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển cũng được tính vào giá trị DN; bỏ ưu đãi về giá cho nhà đầu tư chiến lược (giảm 20% so với giá đấu thành công bình quân), mà quy định, giá mua không thấp hơn giá đấu thành công bình quân… Ngoài ra, số tiền thu từ CPH ngoài việc được sử dụng để thanh toán chi phí CPH và chi giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư sẽ được nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp DN của tập đoàn, tổng công ty trong trường hợp CPH DN thành viên. Điều này giúp không ít DN có thặng dư vốn để đầu tư các dự án lớn như điện, cầu, đường…

Vướng mắc cần sửa đổi

Nghị định 109 ra đời với những điểm đột phá kể trên, kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình CPH các DNNN. Tuy nhiên, Nghị định ra đời vào thời điểm TTCK điều chỉnh giảm sâu khiến kỳ vọng đã không thành hiện thực. Hiện cả nước còn 1.720 DN 100% vốn nhà nước được tổ chức dưới hình thức tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, và công ty nhà nước độc lập... Theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2007 - 2010 cần sắp xếp 1.553 DN, trong đó CPH 950 DN, còn lại là giao, bán, sáp nhập. Riêng năm 2008, mục tiêu CPH là 349 DN, tuy nhiên hết 6 tháng mới hoàn thành CPH 33 DN, trong đó nhiều DN đã bắt đầu thực hiện từ năm 2007 sang năm nay mới hoàn thành. Nếu đặt mục tiêu đến hết năm 2010 phải hoàn thành việc CPH 950 DN là một nhiệm vụ rất khó có thực thi.

Bên cạnh nguyên nhân TTCK điều chỉnh khiến sức cầu trên thị trường giảm mạnh, không thuận lợi cho việc CPH, phải kể đến những vướng mắc đòi hỏi Nghị định 109 phải được sửa đổi, bổ sung. Gần đây, UBND TP. HCM đã kiến nghị Bộ Tài chính bán cổ phần ưu đãi cho người lao động với giá bằng 60% giá đấu thành công thấp nhất (thay vì giá đấu thành công bình quân). Đồng thời, tăng số cổ phần được mua ưu đãi của người lao động cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước lên gấp đôi, từ 100 cổ phần lên 200 cổ phần. Ngoài ra, số cổ phần bán cho tổ chức công đoàn nên bán theo mệnh giá, tương tự như phần vốn nhà nước tham gia ban đầu vào vốn điều lệ tại DN.

Cơ sở của những kiến nghị trên là người lao động đã gắn bó lâu năm với DN, sẽ tiếp tục gắn bó sau khi CPH, nên họ được hưởng những ưu đãi trên là hoàn toàn chính đáng. Thực tế đấu giá cổ phần của một số DN lớn như Vietcombank, Bảo Việt cho thấy, người lao động được mua cổ phần với mức giá bằng với giá đấu bình quân, nhưng không lâu sau đó, giá cổ phần giảm mạnh, có trường hợp giảm hơn 60%, khiến họ bị thua thiệt. Không ít trường hợp giá đấu cổ phần không phản ánh đúng giá trị thực, mà phản ánh tâm lý thị trường, nên giá đấu thành công bị đẩy lên cao, khiến người lao động buộc phải mua theo mức giá cao (dù đã được ưu đãi) là không hợp lý.

Cách thức bán cổ phần cũng đang gặp vướng mắc. Theo Nghị định 109, việc CPH được thực hiện theo phương thức bán đấu giá, nếu khối lượng cổ phần bán ra dưới 10 tỷ đồng thì đấu giá tại các tổ chức tài chính trung gian, trên 10 tỷ đồng thì nhất thiết phải đấu giá tại HOSE hoặc HASTC. Nghị định cũng quy định việc bán cổ phần lần đầu còn được thực hiện thông qua hình thức bảo lãnh phát hành và thoả thuận trực tiếp. Nhưng theo Thông tư 146/2007/TT-BTC, việc bán thỏa thuận trực tiếp và bảo lãnh phát hành vẫn phải dựa trên cơ sở giá đấu bình quân, chỉ khi nào việc bán đấu giá không thành công mới thực hiện 2 phương thức trên. Như vậy, việc CPH vẫn bó gọn trong việc đấu giá, khiến khả năng thành công không cao.

Một quan chức Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, hiện cơ quan này đang tập hợp ý kiến của các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế và những DN trực tiếp thực hiện Nghị định 109 để rà soát, xem xét và tổng hợp đề xuất sửa đổi. "Chúng tôi sẽ sớm tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Nghị định 109. Hướng sửa đổi sẽ là khắc phục những vấn đề đặt ra từ thực tiễn", vị quan chức này cho biết.

Ngân Giang
Ngân Giang

Tin cùng chuyên mục