Cổ phần hóa, cần chọn “điểm nổ”

(ĐTCK) “Muốn triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2012 - 2015, mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, điều quan trọng là cần thay đổi tư duy cổ phần hóa DNNN”.
TS. Lê Đăng Doanh TS. Lê Đăng Doanh

Đó là khuyến cáo của TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế khi trao đổi với ĐTCK.

Theo ông, Đề án được phê duyệt sẽ đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN, trong đó có tiến trình cổ phần hóa vốn đang diễn ra ì ạch?

Việc ban hành Đề án là tín hiệu chứng tỏ Chính phủ rất quan tâm đến tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty và muốn thúc đẩy nhanh tiến trình này. Điều quan trọng để biến từ chủ trương thành chuyển biến trên thực tế là Chính phủ cần rốt ráo chỉ đạo các bộ, địa phương, DNNN quyết liệt, đồng bộ trong tổ chức thực hiện Đề án.

Tái cơ cấu DNNN là việc rất khó và đặc biệt hệ trọng đối với nền kinh tế, bởi một khi thực hiện thành công sẽ có nhiều tiềm lực của nền kinh tế được phát huy, đồng thời Nhà nước có thêm những nguồn lực lớn để đầu tư cho nền kinh tế. Bởi vậy, đòi hỏi từ Chính phủ cho tới các bộ, UBND cấp tỉnh… phải đầu tư nhiều tâm sức suốt thời gian dài. Kèm theo đó là một quyết tâm cao nếu muốn tạo bước chuyển biến rõ nét trong tái cơ cấu DNNN, một việc đã tiến hành từ nhiều năm nay, nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong đợi.

 

Ông nghĩ sao về một biện pháp quan trọng được Đề án đưa ra nhằm đảm bảo cho tiến trình tái cơ cấu DNNN thành công là tăng cường niêm yết các tập đoàn, tổng công ty, DNNN quy mô lớn đã cổ phần hóa trên TTCK trong nước và quốc tế?

Thực ra, chủ trương này đã được triển khai trong nhiều năm qua, nhưng kết quả còn hạn chế. Bằng chứng là số lượng các DNNN quy mô lớn như Vietcombank niêm yết trên TTCK đến thời điểm này mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi vậy, để giải pháp quan trọng trên được triển khai hiệu quả, đã đến lúc thay đổi tư duy cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết trên TTCK.

Theo đó, cần chọn “điểm nổ” là hình thành cơ chế cụ thể nhằm thu hút NĐT chiến lược trong và ngoài nước đầu tư vào DNNN hậu cổ phần hóa. Thông qua việc các NĐT này rót một lượng vốn lớn vào DN, đồng thời tạo sự thay đổi căn bản về quản trị DN khi họ tham gia điều hành, giám sát DN, sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tốt cho cả quá trình cổ phần hóa lẫn niêm yết. Việc cổ phần hóa gắn với niêm yết các tập đoàn, tổng công ty cần diễn ra minh bạch hơn và theo tín hiệu của thị trường. Nghĩa là xem NĐT muốn đầu tư vào ngành, lĩnh vực gì, thì trong điều kiện cho phép nên đáp ứng sớm đòi hỏi của họ, thay vì cứng nhắc trong tiến hành cổ phần hóa những DN mà NĐT thiếu quan tâm.

Về cơ bản, chỉ trừ các DN quốc phòng, an ninh, dầu khí và một vài lĩnh vực đặc thù khác, các DNNN quy mô lớn còn lại nên sớm cổ phần hóa, để tạo cú hích về thu hút NĐT chiến lược tham gia. Thực tế, suốt nhiều năm qua, rất nhiều NĐT nước ngoài có ý định đầu tư vào các DNNN lớn, nhưng không thể triển khai do tiến trình cổ phần hóa các DN này diễn ra quá chậm.

 

Để giám sát hiệu quả hơn hoạt động của DNNN quy mô lớn, Đề án đưa ra biện pháp xây dựng Nghị định riêng về tổ chức và hoạt động của từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước đặc biệt quan trọng. Tính khả thi của giải pháp này ra sao, thưa ông?

Giải pháp này trong trước mắt là hợp lý, nhưng về lâu dài cần có giải pháp căn cơ hơn, nhằm đảm bảo cho tiến trình tái cơ cấu DNNN diễn ra thành công. Việc xây dựng các Nghị định cho nhiều tập đoàn, tổng công ty sẽ tốn không ít công sức, thời gian, trong khi khó tránh khỏi những hạn chế trong quản lý, giám sát hoạt động của các DN này.

Việt Nam nên học tập thông lệ thế giới là xây dựng Luật Giám sát DNNN. Ngoài quy định chi tiết trách nhiệm, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu, ban lãnh đạo DN…, Luật nên quy định cụ thể cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động của cơ quan giám sát tối cao DNNN trực thuộc Quốc hội. Điều này vừa khắc phục được tình trạng manh mún khi phải xây dựng quá nhiều Nghị định cho các tập đoàn, tổng công ty, vừa tạo hành lang pháp lý thống nhất trong giám sát hoạt động của DNNN. Thực hiện được việc này sẽ tạo bước đột phá trong tái cơ cấu DNNN.

 

Có hiệu lực từ ngày 17/7/2012, để đảm bảo tiến trình tái cơ cấu DNNN diễn ra hiệu quả, Đề án đưa ra quy định: phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là TTCK, thị trường mua bán nợ để thúc đẩy cổ phần hóa, tạo điều kiện cho DN tiếp cận và huy động vốn phục vụ tái cơ cấu.

Hữu Đạo thực hiện.
Hữu Đạo thực hiện.

Tin cùng chuyên mục