Theo Ban quản lý vốn đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khó khăn khách quan lớn nhất khiến các Genco không thuận lợi ngay khi bắt tay vào việc cổ phần hóa, đó là do hiện nay thị trường điện của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển đến mức có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư bên ngoài tham gia. Mức độ chưa phát triển thể hiện rõ nhất ở yếu tố giá điện chưa được quyết định một cách khách quan theo đúng quy luật của thị trường, mà bị chi phối chủ yếu bởi vai trò điều hành của Nhà nước.
Chính vì sự điều hành chưa theo quy luật của thị trường này mà giá điện không được coi là một tín hiệu mời gọi hấp dẫn đối với nhà đầu tư, vì họ không tự quyết định được hoặc cũng không thể can thiệp được vào giá bán điện. Bên cạnh đó, lộ trình phát triển ngành điện của Việt Nam cũng chưa đưa ra được những điều kiện thực sự thuận lợi và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư bên ngoài tham gia. Theo phân tích của Ban quản lý vốn đầu tư EVN, một khi nhà đầu tư không có quyền quyết định đến giá bán sản phẩm của mình, cộng với việc họ chưa nhìn thấy có lợi ích gì khi tham gia đầu tư vào ngành điện thì việc mời gọi được nhà đầu tư bỏ vốn là rất khó.
Một khó khăn khách quan khác, mới nghe rất khó tin, nhưng chính quy mô vốn rất lớn của các Genco lại khiến họ khó có thể thu hút đầu tư. Theo số liệu của EVN, tổng số vốn điều lệ của 3 tổng công ty phát điện tính đến thời điểm hiện nay là 40.000 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD.
Trong khi đó, phân tích của các chuyên gia đầu tư ngành điện cho thấy, doanh thu và tỷ suất lợi nhuận đầu tư trong ngành điện, đặc biệt là đầu tư vào hạng mục cơ sở hạ tầng phát điện là không cao. Trong điều kiện quy mô vốn đòi hỏi quá lớn trong khi không có kỳ vọng nào đột phá về giá trị lợi nhuận trong trung hạn hoặc dài hạn, thì mức hấp dẫn của cổ phiếu ngành điện, đặc biệt là cổ phiếu của đơn vị phát điện, đầu tư hạ tầng là quá thấp để nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn.
Đó là chưa kể đến việc thiếu vốn đầu tư thường xuyên cho các dự án đầu tư hạ tầng điện tiếp theo, nguồn vốn lưu động quá thấp trong khi bản thân các Genco chưa tự huy động được vốn. Đặc biệt là những khoản nợ kếch xù với tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu hiện ước tính xấp xỉ 5 lần (khoảng 160.000 tỷ đồng). Tất cả những yếu tố này khiến trong mắt các nhà đầu tư, cổ phiếu của các Genco không hấp dẫn. Nhất là trong bối cảnh với quyết tâm cổ phần hóa mạnh mẽ của Chính phủ, dự báo TTCK sẽ có rất nhiều hàng hóa khác hấp dẫn hơn khi các ngành khác đang rục rịch đẩy nhanh tiến trình IPO.
Trong điều kiện này, ông Cao Đạt Khoa, Trưởng Ban quản lý vốn đầu tư EVN cho rằng, hầu như không có nhà đầu tư tư nhân nào của Việt Nam tỏ ra có đủ khả năng về vốn cũng như đủ quan tâm để tham gia đầu tư vào các Genco khi cổ phần hóa. Vì vậy, kỳ vọng của EVN cũng như các tổng công ty phát điện hiện nay chủ yếu là tìm kiếm được đối tác nước ngoài đủ tiềm lực và sự quan tâm để cùng tiến hành đàm phán.
Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Genco 3 cũng bày tỏ hy vọng sẽ tìm được nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia xây dựng các dự án nguồn điện và có như vậy, việc cổ phần hóa các Genco mới có thể triển khai một cách thuận lợi.
Trên thực tế, không phải là không có đối tác nào quan tâm đến cơ hội đầu tư vào ngành điện. Ông Khoa cho biết, đã có khá nhiều đối tác đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tỏ ý quan tâm và cũng đã đến tìm hiểu về cơ hội đầu tư vào các Genco. Song các nhà đầu tư này cũng mới chỉ dừng ở tìm hiểu, chứ chưa thực sự đi sâu trao đổi để tiến tới xúc tiến đàm phán.
Mới đây nhất, tại buổi gặp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen cho biết, Đan Mạch hết sức quan tâm đến thị trường phát điện cạnh tranh của Việt Nam và bày tỏ mong muốn được tham gia cùng Việt Nam xây dựng thị trường này. Hy vọng rằng, với kinh nghiệm và thế mạnh vốn có của mình trong lĩnh vực năng lượng, rất có thể, các DN Đan Mạch tới đây sẽ là những nhà đầu tư đầy tiềm năng, có thể cùng các Genco thực hiện thành công lộ trình cổ phần hóa từ nay đến năm 2017.