Người ta suy đoán có 2 lý do chính khiến ông Michael Smith “đào ngũ”. Thứ nhất, dù là một ứng cử viên nặng ký, song ông đã không được cất nhắc vào vị trí Giám đốc điều hành HSBC toàn cầu thay thế ông John Bond vào năm ngoái (hiện ông Michael Georghegan đang đảm nhiệm chức này) nên có phần bất mãn. Thứ hai là “mồi nhử” của ANZ đối với ông hết sức hấp dẫn, bởi về với ANZ mỗi năm ông bỏ túi 9 triệu AUD (7,8 triệu USD) cao hơn mức lương mà ông đang được hưởng ở HSBC.
Ông Alistair Scarff, nhà phân tích của Tập đoàn tài chính Merrill Lynch - Chi nhánh Hồng Kông (Mỹ), nhận xét, ông Michael Smith là nhân vật thích hợp nhất với chiến lược kinh doanh của ANZ ở châu Á - Thái Bình Dương, bởi ông am hiểu sâu sắc khu vực này và ANZ có tham vọng bám rễ lâu dài tại đây. “Thị trường Australia và New Zealand đã trở nên bão hoà và muốn phát triển, không riêng gì ANZ, mà nhiều ngân hàng lớn khác của Australia như National Australia Bank, Commonwealth Bank... đều muốn vươn ra bên ngoài để vùng vẫy và phát triển. Với kinh nghiệm làm việc lâu năm tại khu vực, ông Michael Smith hiểu rõ và biết cách làm ăn phải như thế nào”, ông Alistair Scarff nói.
Có lẽ cần nói rõ thêm rằng, ông Michael Smith sống chủ yếu ở Hồng Kông và đảm nhiệm cùng lúc nhiều chức vụ ở một số ngân hàng lớn. Cụ thể, ngoài chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành HSBC khu vực châu Á, ông còn là Chủ tịch Hang Seng Bank Ltd., một ngân hàng thương mại lớn ở Hồng Kông và là Chủ tịch HSBC Bank Malaysia Bhd.
Một số nhà phân tích nhận xét, việc rời bỏ HSBC của ông Michael Smith, một nhà quản lý cấp cao có ảnh hưởng sâu rộng về ngân hàng trên phạm vi toàn cầu có thể coi là một mất mát lớn của HSBC. Song một số ý kiến khác lại cho rằng, dù ảnh hưởng của ông Michael Smith tới hoạt động của HSBC khu vực châu Á là đáng kể, song cũng không vì thế mà gây xáo trộn lớn cho một cỗ máy đang vận hành rất trơn tru như HSBC. Người phát ngôn của HSBC tuyên bố, công việc tìm kiếm người thay thế ông Michael Smith đã gần hoàn tất và kết quả sẽ được công bố trong vài ngày tới.
Từ năm 1999 đến nay, ANZ đã đầu tư 1,6 tỷ AUD (1,3 tỷ USD) vào lĩnh vực ngân hàng ở Trung Quốc , Malaysia , Indonesia , Việt Nam và Philippines . Từ đầu năm đến nay, ANZ đã có 2 vụ đầu tư lớn ở châu Á. Đó là việc ANZ mua lại 25% cổ phần của AMMB Holdings (Malaysia), với tổng trị giá 833 triệu USD và vụ ANZ đầu tư 310 triệu USD để mua 20% cổ phần của Shanghai Rural Commercial Bank (Trung Quốc).
Dự kiến, ông Michael Smith sẽ chính thức nắm quyền Giám đốc điều hành ANZ bắt đầu từ ngày 1/10/2007, thay ông John McFarlane đã đảm nhiệm chức vụ trong 10 năm qua. Điều trùng hợp khá thú vị là, cả 2 ông Michael Smith lẫn John McFarlane đều mang quốc tịch Anh.
Thực ra thì Australia cũng không đến nỗi quá xa lạ với ông Michael Smith, bởi ông đã từng có 5 năm sinh sống và làm việc tại Australia khi là nhà quản lý cấp cao của Chi nhánh HSBC Australia. Sau đó, ông còn được cử sang làm việc cho Chi nhánh HSBC ở Argentina và Malaysia trước khi về “cắm chốt” ở Hồng Kông.
Chủ tịch ANZ Charles Goode đánh giá rất cao ông Michael Smith. “Với kinh nghiệm lâu năm tại thị trường châu Á trong lĩnh vực ngân hàng thương mại, chắc chắn, ông Michael Smith sẽ thành công trong chức trách mới của mình và đóng góp đáng kể cho ANZ”, ông Charles Goode tin tưởng như vậy.
Nhiều chuyên gia nhận định, về quy mô toàn cầu thì ANZ thua xa HSBC, đồng thời ông Michael Smith gặp rất nhiều thuận lợi về môi trường làm việc, nền tảng văn hoá, ngôn ngữ..., nên con đường đi đến thành công ở ANZ mở ra rộng thênh thang đối với ông Michael Smith. Hơn thế nữa, ANZ đang làm ăn khấm khá, khi trong nửa năm tài chính gần đây nhất (kết thúc vào ngày 31/3/2007), lợi nhuận thuần của ANZ đạt hơn 2,1 tỷ AUD (gần 1,9 tỷ USD), tăng 16% so với cùng kỳ của năm tài chính trước đó.
Khi báo giới xoay ông với câu hỏi liệu có phải khoản tiền lương hậu hĩnh mà ANZ sẽ trả là động cơ chính khiến ông rời HSBC để về với ANZ thì ông lảng tránh trả lời mà thay vào đó là lời tâm sự như sau: “Vợ tôi và tôi đều rất mong sớm trở lại Australia, chẳng gì thì 2 trong số 3 đứa con của chúng tôi đều đã chào đời ở TP. Melbourne”.