Có phải đầu tư dài hạn luôn đúng?

(ĐTCK-online) TTCK vẫn tiếp tục đi xuống. Mối lo ngại từ cái vòng luẩn quẩn: TTCK xuống - các ngân hàng giải chấp - TTCK xuống tiếp… càng đẩy sự bất an của các NĐT lên cao. Trong hoàn cảnh đó, một số NĐT kiên trì theo đuổi TTCK đã tự tìm cho mình một "bến đỗ" mà họ cho là an toàn hơn, đó là đầu tư dài hạn. Đó có thể là một chiến lược, cũng có thể đơn giản là một nạn nhân không chạy thoát được cái cột dư mua nhiều phiên gần như trống trơn.
"Bến đỗ" mà nhà đầu tư cho là an toàn hơn trong thời điểm này là đầu tư dài hạn. "Bến đỗ" mà nhà đầu tư cho là an toàn hơn trong thời điểm này là đầu tư dài hạn.

Nhưng dù xuất phát điểm như thế nào thì họ vẫn đang nắm giữ một lượng cổ phiếu trong tay, tạm quên đi những biến động ngắn hạn không mấy sáng sủa của thị trường, để tin tưởng vào lợi nhuận trong dài hạn.

Có lẽ thị trường càng đi xuống thì càng nhiều người lên tiếng cổ vũ cho đầu tư dài hạn, nhất là trên TTCK của chúng ta vốn chứa đựng quá nhiều rủi ro, bất ổn từ những nhà đầu cơ lướt sóng. Những NĐT dài hạn dẫu không chịu cái họa lướt phải sóng thần như các tay đầu cơ ngắn hạn, nhưng giá trị tài khoản của họ cũng bị vơi đi không ít (sẽ là lạc quan tếu nếu cho rằng, chưa bán ra là chưa lỗ). Có lẽ, chỉ khác một điều là, khi thị trường điều chỉnh sâu, một số tay lướt sóng chịu thất bại nặng nề đến mức tính chuyện "rửa tay gác kiếm" thì những NĐT dài hạn thậm chí còn góp thêm tiền mua vào, vì họ thực sự tin tưởng vào giá trị doanh nghiệp mà mình đầu tư.

Một số tay lướt sóng khác thì tự lấy chữ "dài hạn" để điều chỉnh cho chiến lược đầu tư của mình. Có vẻ như tất cả đều tin tưởng rằng, những cổ phiếu mà mình nắm giữ đều đang bị điều chỉnh quá đà, chuyện giá tăng trở lại chỉ là vấn đề thời gian. Niềm tin đó đôi khi khiến chúng ta tự tuyệt đối hóa tác dụng của đầu tư dài hạn. Có thể trong giai đoạn này, tính tương đối ổn định của đầu tư sẽ giúp ích cho thị trường, nhưng nó có giúp ích cho túi tiền của chúng ta trong tương lai hay không thì lại là chuyện khác.

Jesse Livermore, NĐT nổi tiếng của Mỹ, đã định nghĩa như thế này về những NĐT chứng khoán (dài hạn): "Các NĐT là những con bạc lớn. Họ đặt tiền vào một cửa và kiên quyết theo cửa đó đến cùng, và nếu thua, họ sẽ mất tất cả". Tất nhiên, đây chỉ là quan điểm cá nhân của Livermore , nhưng nó đã được chứng minh bằng nhiều triệu USD ông kiếm được trên TTCK. Như vậy, không phải chỉ những nhà đầu cơ mới coi thị trường là một canh bạc, mà ngay cả những NĐT cũng vậy, thậm chí theo như lời định nghĩa trên thì họ còn là những con bạc có phần bảo thủ.

Ai cũng biết, TTCK luôn đầy rẫy rủi ro, chúng ta đem tiền bạc để đặt cược cho những suy đoán của mình. Các nhà đầu cơ phải đối mặt với những vấn đề ngắn hạn vốn khó dự đoán hơn nhiều so với những biến động qua một thời kỳ, đó có lẽ là lý do vì sao lướt sóng luôn bị coi là nguy hiểm hơn. Còn những NĐT thì nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về giá trị doanh nghiệp, đặt vốn liếng vào đó và chờ đợi. Niềm tin tưởng vào dài hạn, cùng những lý luận vững chắc (trong hiện tại) của họ khiến món đầu tư này có vẻ ít rủi ro hơn.

Nhưng vấn đề ở chỗ, không phải tất cả những cổ phiếu mà chúng ta cho rằng rẻ đều thực sự rẻ, tất cả những doanh nghiệp làm ăn có lãi trong hiện tại đều có thể tăng trưởng trong tương lai, đó chính là cái giá mà các NĐT dài hạn phải trả. Và tất nhiên, cái giá này còn đắt hơn nhiều lần nếu chúng ta không nghiên cứu kỹ lưỡng những cổ phiếu đang nắm giữ, hay nói cách khác, chúng ra là những NĐT dài hạn "theo phong trào".

Nhiều NĐT còn tự mê hoặc mình bằng lý luận về cổ tức, họ cho rằng, số cổ tức nhận được hàng năm là hậu phương vững chắc cho quyết định đầu tư, dẫu có thế nào thì họ cũng vẫn nhận được một khoản tiền nào đó. Trong khi thực tế thì số cổ tức thường chẳng thấm tháp vào đâu so với tốc độ giảm giá của một cổ phiếu tồi.

Với những lý luận ở trên, ắt hẳn ai đó sẽ đặt câu hỏi, nếu đầu tư dài hạn cũng rủi ro như vậy thì chúng ta phải đầu tư kiểu gì mới ổn? Thực ra, theo quan điểm cá nhân người viết, ngắn hạn hay dài hạn chẳng qua cũng chỉ là một cách phân chia và bản thân nó chẳng thể khiến chúng ta kiếm được tiền. Câu hỏi duy nhất mà chúng ta nên tìm câu trả lời, đó là cổ phiếu ta nắm giữ là tốt hay xấu. Nếu nó xấu và chúng ta đã quyết định sai thì hãy bán ra nhanh như một tay lướt sóng, còn cổ phiếu đó tốt thì hãy hành động như một NĐT dài hạn chừng nào những yếu tố khiến ta mua cổ phiếu đó chưa thay đổi.

Hoàng Oanh
Hoàng Oanh

Tin cùng chuyên mục