Theo quy định hiện nay, năm tài chính là năm dương lịch, bắt đầu từ ngày 01/01 và kết thúc vào ngày 31/12 hàng năm. Các công ty phải hoàn thành báo cáo tài chính chậm nhất trong thời hạn 90 ngày và công bố thông tin định kỳ về báo cáo tài chính trong vòng 10 ngày sau khi hoàn thành báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán.
Với thực trạng này, số lượng công ty “phải” công bố thông tin theo Luật Chứng khoán đến nay khoảng hơn 1.290 công ty. Trong đó, có hơn 280 công ty niêm yết ở cả hai sàn giao dịch chính thức HOSE và HASTC, hơn 80 công ty chứng khoán và trên 900 công ty đại chúng.
Cuối năm 2007, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam đã công khai danh sách các công ty kiểm toán đủ điều kiện kiểm toán năm 2007 và 2008 gồm 129 công ty với các loại hình hoạt động, có khoảng 900 người hành nghề kiểm toán viên trong đó có hơn 300 người có chứng chỉ hành nghề quốc tế.
Có ý kiến cho rằng, số lượng này rất khiêm tốn so với nhu cầu của các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải công bố thông tin trên.
Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, hiện nay số công ty kiểm toán đủ năng lực và được chấp thuận kiểm toán cho các doanh nghiệp niêm yết là quá ít so với nhu cầu kiểm toán. Vì theo ông, thời gian phải hoàn tất kiểm toán và công bố thông tin thường tập trung vào thời gian quý I hàng năm, đến cuối năm 2007 mới chỉ có hơn 10 công ty kiểm toán đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ Tài chính đưa ra. Ông Thành nhận xét, mặc dù Quyết định số 89/2007/QĐ-BTC đã “nới lỏng” những điều kiện lựa chọn công ty kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao phải kiểm soát được chất lượng hoạt động kiểm toán, nhất là trong quá trình Việt Nam đang hội nhập với các chuẩn mực quốc tế trong tất cả các lĩnh vực. Từ đó, có thể bảo vệ lợi ích và làm yên lòng các nhà đầu tư.
Ông Thành còn đưa ra kiến nghị, “nên chăng cần có những giải pháp khác để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của các công ty liên quan đến thị trường chứng khoán nói riêng và các công ty đại chúng nói chung bằng cách áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch”, ông Thành cho rằng điều này sẽ đảm bảo tính chủ động hơn trong hoạt động nhưng luôn tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho việc công khai thông tin theo yêu cầu.
Trái với ý kiến nêu trên, TS. Lê Quang Bính, Kiểm toán Nhà nước lại cho rằng, mặc dù trong Luật Kế toán đã có những quy định cho phép một số trường hợp đặc biệt có niên độ hạch toán không nhất thiết phải theo chuẩn như quy định. Nhưng đối với các công ty tham gia vào thị trường chứng khoán lại chưa có quy định cụ thể nào về niên độ. Theo ông Bính, nếu các công ty tham gia vào thị trường chứng khoán mà có sự vênh nhau về năm tài chính lại rất khó cho các cơ quan Nhà nước trong việc thống nhất cách thức quản lý.
Ông Bính còn cho biết, các công ty thường lựa chọn công ty kiểm toán ngay sau Đại hội cổ đông, với yêu cầu như vậy thì các công ty kiểm toán thường vào cuộc từ ngày 30/6 hàng năm và từ 15/10 đến 25/10 hàng năm thì các công ty đã kiểm toán xong 3 quý, đến ngày 31/12 hàng năm bên phía công ty kiểm toán sẽ phối hợp với các tổ chức để kiểm kê và chốt sổ. Do đó, mặc dù theo luật định phải hoàn thành công tác kiểm toán trong một tháng, điều này không có nghĩa là các công ty kiểm toán vào cuộc và hoàn thành công tác kiểm toán trong vòng một tháng.
Ông Bính cho rằng, với số lượng công ty trên chỉ cần khoảng 20-50 công ty kiểm toán đủ tiêu chuẩn là đáp ứng được số lượng doanh nghiệp cần công bố thông tin trong thời điểm hiện nay. Cũng theo ông Bính, thời gian qua công ty kiểm toán qua đã tăng trưởng rất nhanh cả về “lượng” cũng như về “chất”, hiện tại đã có gần 200 công ty kiểm toán đang hoạt động tốt.
Ông Bính kiến nghị, tới đây cần một số quy định chuẩn hoá hơn nữa đối với các nghĩa vụ công bố thông tin của các công ty niêm yết và nên gắn trách nhiệm của tổ chức kiểm toán với các bản báo cáo tài chính đã kiểm toán. “Điều này sẽ làm cho các bên tham gia ràng buộc về nghĩa vụ công bố thông tin cũng như tăng sự tin cậy của bản công bố thông tin hơn”, ông Bính khẳng định.