Về với Hải Dương những ngày giáp Tết Nhâm Dần, chúng tôi cảm nhận rõ không khí nhộn nhịp, vui tươi và nhiều sắc màu rực rỡ. Phố phường được trang hoàng cờ hoa đón xuân. Không còn những lo lắng, thậm chí là sợ hãi như cách đây một năm, khi Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Hải Dương. Thay vì “đóng băng” mọi hoạt động như năm trước, các công xưởng, nhà máy đã tăng tốc sản xuất trở lại; công trường xây dựng nhộn nhịp với các dự án giao thông, hạ tầng mới; người dân hồ hởi chuẩn bị đón Tết.
Nhìn Hải Dương của hiện tại, ít ai có thể hình dung địa phương này đã trải qua một năm 2021 với nhiều cung bậc cảm xúc. Xuất phát trên “nền” tăng trưởng khiêm tốn của năm 2020 (chỉ 2,1%), ngay đầu năm 2021, “cơn sóng thần” Coivd-19 ập tới, khiến 3 tháng đầu năm, GRDP của Hải Dương tăng trưởng âm. Kết thúc nửa đầu năm, GRDP của tỉnh mới đạt mức tăng trưởng 3,9%, nhưng với những nỗ lực vượt bậc, đến cuối năm, con số này đã là 8,6%.
Tính chuyện đường dài
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng không ít lần nhắc lại giai đoạn đầy khó khăn, thử thách vừa trải qua. Nhưng, khi những mối lo được định dạng, thì kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã được tính toán lại kịp thời, linh hoạt. Những yếu tố tạo động lực tăng trưởng mới cho năm 2021 và cả giai đoạn cũng được Hải Dương xác định và nhanh chóng triển khai. Trong đó, đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển đổi số là những điểm nhấn nổi bật trong chính sách điều hành kinh tế của Hải Dương.
“Quan trọng hơn, chúng tôi phải tính chuyện đường dài cho sự phát triển của xứ Đông, phải khơi dậy được khát vọng phát triển của mọi người dân”, ông Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh.
Hải Dương xác định phải tạo ra quỹ đất đủ lớn, sạch và trao cho những chủ đầu tư uy tín để triển khai, từ đó cùng với tỉnh tạo động lực hút “đại bàng” về làm tổ. Trong năm 2021, Hải Dương triển khai hoàn thiện hạ tầng 6 khu công nghiệp (KCN) mới với tổng diện tích 1.176 ha. Bên cạnh đó, một số cụm công nghiệp được thành lập. Tính chung, tổng diện tích đất công nghiệp đang sẵn sàng thu hút đầu tư của tỉnh là trên 2.000 ha.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, Hải Dương còn quy hoạch thêm 15 KCN, với tổng diện tích trên 10.000 ha. Đặc biệt, tỉnh đang quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực tại huyện Bình Giang, Thanh Miện, sở hữu rất nhiều lợi thế.
Với những thông tin này, chắc hẳn, những nhà đầu tư nước ngoài như ông Kim Sungsoo, Tổng giám đốc Công ty TNHH Huyndai Kefico Việt Nam đã thấy được sự quyết tâm đổi mới của chính quyền tỉnh Hải Dương, khi những kiến nghị của mình về việc địa phương cần có những chính sách ưu đãi đặc thù, những mong mỏi về việc nâng cấp hạ tầng để cạnh tranh với các tỉnh, thành phố lân cận đang được hiện thực hóa.
Mở đường lớn đón “đại bàng”
Khát vọng phát triển, xác lập vị thế mới cho mảnh đất xứ Đông giàu truyền thống đã và đang đặt ra những yêu cầu và áp lực đổi mới đối với chính quyền tỉnh Hải Dương lớn hơn bao giờ hết. Đó cũng chính là sứ mệnh, đòi hỏi cần phải hành động nhanh, quyết liệt và mạnh mẽ.
Chủ đề năm 2022 đã được tỉnh Hải Dương xác định là: “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”, với mục tiêu tăng trưởng 2 con số, thu ngân sách nội địa tăng ít nhất 10%.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, để thực hiện chủ đề năm 2022, tỉnh đã xác định 3 khâu đột phá, mở đường cho việc đón các dòng vốn lớn. Một là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp lớn trong nước, nước ngoài đầu tư vào tỉnh. Hai là, huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; nêu cao vai trò gương mẫu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo đó, tỉnh Hải Dương đã chủ động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm các nguồn lực để xóa điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tăng tính kết nối liên vùng của tỉnh. Tập đoàn Hòa Phát và Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP là 2 đối tác cam kết tài trợ vốn với tổng kinh phí hơn 670 tỷ đồng để Hải Dương thực hiện 2 nút giao nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng còn lại theo quy hoạch đã được duyệt. Như vậy, 2 nút giao liên thông kết nối đường tỉnh 390 và đường tỉnh 392, huyện Bình Giang cùng với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được khởi công xây dựng cùng với Dự án Đường trục Đông - Tây, tỉnh Hải Dương ngay trong đầu năm 2022.
Hải Dương cũng đã phối hợp xây dựng các tuyến cầu và đường kết nối với Bắc Giang (cầu Đồng Việt), Bắc Ninh (cầu Kênh Vàng), Thái Bình (cầu An Đồng)..., nâng cấp các tuyến đường kết nối với Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên; các tuyến đường trục Đông - Tây của tỉnh, của huyện Kim Thành, trục Bắc - Nam huyện Thanh Miện được quy hoạch và bố trí kế hoạch vốn để đầu tư mở rộng. Tất cả sẽ tạo nên sự liên kết vùng rất hoàn hảo cho tỉnh.
Cùng với đó, Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Theo ông Phạm Xuân Thăng, để cải cách hành chính diễn ra thực chất, thì không chỉ dừng ở việc sửa các quy định, mà hơn hết, là phải thay đổi về chất lượng nhân sự. Vì thế, trong những ngày cuối năm, dù rất bận rộn, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương vẫn chủ động làm việc và đề nghị hợp tác với Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) để đào tạo, nâng cao trình độ quản lý, cập nhật chính sách pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhà.
Trao niềm tin, nhận lợi ích
Hải Dương có tiềm năng, có lợi thế, có dư địa để phát triển. Muốn khai thác hiệu quả lợi thế đó, thì ngoài sự nỗ lực, cố gắng tự thân, cần khơi thông dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, mở rộng quan hệ đối ngoại. Đây là một trong những giải pháp hết sức quan trọng mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã chỉ ra và quyết tâm thực hiện.
Ông Phạm Xuân Thăng khẳng định: “Để nhà đầu tư trao niềm tin, đến và ở lại đồng hành với địa phương, cùng tạo nên những giá trị mới và cùng thành công, chúng tôi mang ý chí, khát vọng vươn lên của mình lan tỏa cùng họ. Khát vọng phát triển, sự cởi mở và cầu thị của chính quyền sẽ thể hiện qua những việc làm cụ thể hàng ngày. Phải cải cách thủ tục hành chính quyết liệt; nâng cao kỷ cương; đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; để thông điệp ‘Phục vụ nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp’ sẽ không bao giờ chỉ là khẩu hiệu để trang trí”.
Khi niềm tin được trao tặng và đón nhận, các nhà đầu tư sẽ tìm về, sẽ gắn bó lâu dài với Hải Dương. Những thông điệp, hành động thực hiện cam kết cải thiện môi trương đầu tư - kinh doanh, đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh đang dần “đơm hoa, kết trái”.
Công ty Ford Việt Nam là một trường hợp như thế. Sau khi được lãnh đạo tỉnh Hải Dường cùng lên tiếng kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc về vấn đề thuế cùng các thủ tục để cấp giấy phép dây chuyền sản xuất ô tô Ford Ranger, doanh nghiệp FDI này đã cam kết, năm 2022 sẽ đưa thêm một dòng xe nữa vào lắp ráp tại nhà máy ở Hải Dương.
Không lâu sau chuyến công tác của Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cùng Đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây tại Hàn Quốc và Ấn Độ, Công ty Daewoo E&C đã đến Hải Dương triển khai biên bản ghi nhớ hợp tác với Tỉnh ủy Hải Dương đề xuất phát triển KCN Gia Lộc theo hướng tích hợp KCN với đô thị, đề xuất ý tưởng về xây dựng thành phố quốc tế thông minh tại Hải Dương. Nhà đầu tư Ấn Độ trong ngành dược phẩm cũng đã có kế hoạch đến Hải Dương để khảo sát, triển khai bản ghi nhớ đầu tư khu sản xuất dược phẩm quy mô lớn.
Bên cạnh đó, hàng loạt tập đoàn có tên tuổi ở trong nước như T&T, Nam Cường, Ecopark, Thành Công, Thành Đông, Hoàng Long Habico, Xuân Trường, Âu Việt, Apec Group, Tân Trường, Ngọc Sơn Riverside, Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam... đã tìm về Hải Dương để đầu tư thực hiện những dự án khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái, góp phần xây dựng, thay đổi diện mạo đô thị Hải Dương theo hướng hiện đại, thông minh.
Bằng những hành động cụ thể, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hải Dương đã xây dựng và củng cố niềm tin không chỉ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, mà còn từ chính các cán bộ, công chức, viên chức cấp dưới, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp để đưa Hải Dương lên một tầm cao mới. Tất cả vì Hải Dương ngày càng phát triển bền vững.
Nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho rằng, sự đổi mới phải đến từ những người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, từ đó mới tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.
“Vì thế, Đảng bộ tỉnh đã đề ra phương châm trong công tác quản lý cán bộ: ‘trên trước, dưới sau’; ‘trong trước, ngoài sau’; ‘học đi đôi với làm theo’; ‘3 không - không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm; ‘5 rõ’ - rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm; ‘6 dám’ - dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng chia sẻ.