Trong khi Trung Quốc đã công bố việc giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản ở mức 4,2%/năm với kỳ hạn 1 năm và 4,85%/năm với kỳ hạn 5 năm vào ngày thứ Hai đầu tuần, thì NHTW châu Âu (ECB) cũng đang được kỳ vọng sẽ giữ nguyên các mức lãi suất trong kỳ họp diễn ra vào 24/10.
Thị trường đang nghiêng về dự báo rằng, NHTW Trung Quốc và châu Âu đều không đưa ra các thay đổi lớn trong kỳ họp chính sách tháng 10, sau khi cả hai đã có những động thái nới lỏng khá mạnh tay trong thời gian gần đây.
Ở lần điều chỉnh lãi suất của NHTW Trung Quốc hôm 20/9, các chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đều tăng nhẹ gần 0,5%; Nikkei 225 của Nhật Bản tăng hơn 0,1%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,2% và 0,1% sau quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương.
Kết quả cuộc họp chính sách của 2 "ông lớn" trên đã phần nào đoán định được, nên không có tác động đáng kể đến thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, dù không tác động nhiều đến diễn biến của thị trường chứng khoán, nhưng việc các NHTW trên thế giới đồng loạt cân nhắc về lãi suất điều hành ít nhiều cũng tác động đến tư duy chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam, đặc biệt thông qua kênh tỷ giá.
Quý III vừa qua, đường REER (tỷ giá thực đa phương - so sánh sức mạnh đồng VND với rổ các đồng tiền đối tác thương mại chính) đã tăng 3%, khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ít nhiều bị mất đi lợi thế cạnh tranh.
Đây có lẽ là một trong những cơ sở quan trọng để NHNN Việt Nam hạ lãi suất điều hành tháng 9 vừa qua. Ở thời điểm hiện tại, nếu châu Âu và Trung Quốc đều không hạ lãi suất trong kỳ họp tuần này, áp lực hạ lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam trong ngắn hạn là không lớn.
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, sự bất ổn quanh thỏa thuận Brexit và những bấp bênh do chính sách thương mại gây ra đang là những nỗi lo của nhà đầu tư toàn cầu.
Trong tuần vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 còn 3%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới (2008).
Do vậy, xu hướng “lãi suất ngày càng thấp hơn” của các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tiếp tục đang lan rộng, khoảng 2/3 các NHTW trên toàn cầu đã hạ lãi suất tính đến thời điểm này, trong đó có Việt Nam.
Đối với thị trường chứng khoán, khi những dữ liệu về nền kinh tế vĩ mô xấu đi, giới đầu tư lại kỳ vọng các NHTW sẽ cắt giảm thêm lãi suất để ngăn đà giảm tốc của nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán yêu thích lãi suất thấp và mỗi khi khả năng hạ lãi suất gia tăng, thị trường lại có cơ hội… đi lên.
Tuy vậy, nó chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, còn về dài hạn dòng tiền vẫn đang tập trung ở các kênh trú ẩn an toàn như trái phiếu hay vàng.
Từ đầu tháng 10 đến nay, giao dịch trên TTCK Việt Nam luôn ở trạng thái thận trọng, bất chấp mùa báo cáo tài chính quý III có nhiều thông tin tốt.
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích, Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, dường như luôn có “tảng đá treo lơ lửng” trong tâm lý nhà đầu tư, khi thị trường thờ ơ trước mọi chuyển động, từ chính sách vĩ mô đến thông tin doanh nghiệp.
“Tôi vẫn thiên về phía lạc quan trong thời gian tới, chủ yếu kỳ vọng vào yếu tố nước ngoài. Thị trường đang cần một cú huých thực sự từ bên ngoài, tương tự như thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn 1, vốn giúp chỉ số Dow Jones quay trở lại mốc 27.000 điểm vừa qua”, ông Lân chia sẻ.