Nguyễn Thị Thùy Dương, Chuyên viên tư vấn quản trị doanh nghiệp, Phụ trách EzGSM (ĐHCĐ trực tuyến), CTCK FPT:
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp như: do mâu thuẫn nội bộ trong công ty và mâu thuẫn lợi ích giữa các nhóm cổ đông, không có ai thực hiện triệu tập ĐHCĐ; không đủ tỷ lệ để tiến hành cuộc họp ĐHCĐ ngay trong triệu tập họp đầu tiên; cuộc họp ĐHCĐ bị tạm hoãn, tạm dừng theo quy định tại Điều 142, Luật Doanh nghiệp 2014; Nghị quyết ĐHCĐ bị tuyên hủy theo quy định tại Điều 147, Luật Doanh nghiệp 2014…
Đến kỳ bầu lại HĐQT mới nhưng khi xảy ra một trong trường hợp trên, mặc dù HĐQT đã hết nhiệm kỳ nhưng công ty chưa bầu ra được HĐQT mới để tiếp quản công việc. Theo quy định tại khoản 3, Điều 150, Luật Doanh nghiệp 2014: “Trường hợp tất cả thành viên HĐQT cùng kết thúc nhiệm kỳ thì các thành viên đó tiếp tục là thành viên HĐQT cho đến khi có thành viên mới được bầu thay thế và tiếp quản công việc, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác”. Như vậy, HĐQT cũ (đã hết nhiệm kỳ) sẽ phải tiến hành triệu tập họp ĐHCĐ để bầu ra HĐQT mới.
Trường hợp HĐQT không triệu tập họp ĐHCĐ thì ban kiểm soát thay thế HĐQT triệu tập họp; trường hợp ban kiểm soát không tiến hành triệu tập họp ĐHCĐ thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông theo quy định tại khoản 2, Điều 114, Luật Doanh nghiệp 2014 (cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty) có quyền đại diện công ty triệu tập họp (theo quy định về thẩm quyền triệu tập họp ĐHCĐ tại Điều 136, Luật Doanh nghiệp 2014).
Luật Doanh nghiệp không thể quy định chi tiết những tình huống phát sinh trên thực tế, vì vậy, công ty nên đưa ra những quy định cụ thể trách nhiệm của HĐQT trong Điều lệ công ty hoặc quy chế quản trị công ty để có cách xử lý khi những tình huống như trên xảy ra.