Tranh thủ thoái vốn khi thị trường chứng khoán khởi sắc
Theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN về giới hạn tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng thương mại chỉ được sở hữu cổ phần của tối đa 2 TCTD khác với tỷ lệ không quá 5%. Các ngân hàng thương mại đang sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác phải thực hiện thoái vốn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định trước ngày 1/2/2016.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong hơn 3 năm qua, hoạt động thoái vốn của các ngân hàng vẫn khá chậm. Việc thoái vốn chỉ thuận lợi hơn trong khoảng 6 tháng trở lại đây khi thị trường chứng khoán khởi sắc, giúp nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng giá trở lại.
Đơn cử, Vietcombank - ngân hàng sở hữu cổ phần của nhiều TCTD khác nhất, thời gian qua đã lần lượt thoái hết vốn tại OCB, Saigonbank và Công ty Tài chính Xi Măng (CFC). Hiện Vietcombank còn nắm 8,19% vốn tại Eximbank và 6,97% vốn tại MBBank. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, trước ngày 30/6/2018, Ngân hàng sẽ đưa tỷ lệ sở hữu tại MBBank và Eximbank về mức 5% để đáp ứng quy định tại Thông tư 36/2014.
Cũng gặp khó khăn trong việc thoái vốn ở những năm trước, nhưng chỉ trong thời gian ngắn từ cuối năm 2017 đến hết tháng 1/2018, Eximbank đã thoái xong toàn bộ gần 9% vốn tại Sacombank (tương đương hơn 165 triệu cổ phần) và thu về khoảng 400 tỷ đồng lợi nhuận.
Ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, việc thoái vốn gặp thuận lợi nhờ thị trường chứng khoán khởi sắc, một phần lợi nhuận từ đợt thoái vốn này (hơn 100 tỷ đồng) được quyết toán trong năm 2017, góp phần giúp Eximbank đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm này.
Không chỉ các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cũng tranh thủ giá cổ phiếu ngân hàng tăng để đẩy mạnh thoái vốn.
Chẳng hạn, Mobifone cho biết, đầu năm nay đã thoái xong 6,12% vốn tại SeABank (tương đương hơn 33,4 triệu cổ phần) và hiện đang chờ làm thủ tục theo kế hoạch lên sàn chứng khoán của TPBank để thực hiện bán toàn bộ 2,57% vốn tại ngân hàng này (tương đương hơn 14,2 triệu cổ phần). Tương tự, VNPT cho hay, việc bán 6,09% vốn tại MaritimeBank sẽ được thực hiện trong năm nay.
Cơ bản xử lý tình trạng sở hữu chéo
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, tính đến tháng 11/2017, không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn trong hệ thống ngân hàng. Số cặp sở hữu chéo cũng giảm từ 7 cặp trong năm 2015 xuống còn 2 cặp trong năm 2017.
Sở hữu ngân hàng với doanh nghiệp giảm từ 56 cặp xuống còn 2 cặp. Số TCTD sở hữu hơn 15% vốn tại các TCTD khác nay chỉ còn 3-4 trường hợp, so với 19 trường hợp vào năm 2012 và NHNN đã yêu cầu các TCTD này đẩy nhanh việc thoái vốn về đúng mức quy định (tối đa 5%) trong năm nay.
Với quy định mới, nhiều ông chủ đa ngành quyết định tập trung hơn vào mảng ngân hàng
Theo NHNN, việc xử lý sở hữu chéo đã được cải thiện cơ bản trong thời gian qua với nhiều trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, do sở hữu chéo là vấn đề khá phức tạp, khó phát hiện, nhất là với những trường hợp cố tình hay nhờ người đứng tên hộ..., nên đòi hỏi cơ quan chức năng phải tìm hiểu kỹ lưỡng mới phát hiện được. NHNN đã đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm sở hữu chéo, yêu cầu các cổ đông vi phạm chuyển nhượng, thoái vốn hay thực hiện M&A.
Theo các chuyên gia trong ngành, hiện tại, M&A được xem là giải pháp tốt nhất để các ngân hàng thương mại có cùng dáng dấp chủ sở hữu "về chung một nhà". Bên cạnh đó, Luật Các TCTD sửa đổi đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 cũng được kỳ vọng sẽ sớm giải quyết triệt để "ma trận" sở hữu chéo trong ngành.
Chẳng hạn, theo Luật Các TCTD sửa đổi, trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ TCTD trở lên phải được NHNN chấp thuận. Không những thế, bên mua và bên nhận chuyển nhượng phải kê khai cụ thể các nguồn vốn sử dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần và có văn bản cam kết không sử dụng nguồn vốn do TCTD cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần.
Hay về tỷ lệ sở hữu cổ phần, một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, những quy định trên là bước tiến mới nhằm chặt “vòi bạch tuộc” của sở hữu chéo và đảm bảo an toàn hoạt động của toàn hệ thống các TCTD trong tình hình mới…
"Để giải quyết triệt để tình trạng sở hữu chéo, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hơn nữa việc thanh - kiểm tra các hoạt động của TCTD, buộc các TCTD vi phạm phải cơ cấu lại hoạt động, trong đó kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về sở hữu, quyết liệt xóa sổ sở hữu chéo", ông Hiếu nói.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện khá cồng kềnh, ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động. Cùng với đó, thời gian qua, áp lực tăng vốn theo quy định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP đã làm tăng sở hữu chéo, tạo cơ hội để ngân hàng cho vay sân sau và cổ đông lớn thao túng ngân hàng với lượng cổ phần nắm giữ vượt quy định, qua đó góp phần làm tăng nợ xấu...
Theo ông Lịch, để có thể xóa được tình trạng cổ đông lớn thao túng ngân hàng, cũng như sở hữu chéo, các TCTD cần tăng cường hoạt động M&A, đẩy mạnh việc thoái vốn trong hệ thống, thoái vốn đầu tư ngoài ngành...
Quyết liệt xóa bỏ lợi ích nhóm
Bên cạnh siết chặt hơn quy định về tỷ lệ sở hữu giữa các TCTD và doanh nghiệp, một trong những điểm mới tại Luật Các TCTD sửa đổi được nhìn nhận sẽ làm tăng tính minh bạch trong hệ thống TCTD, giảm thiểu lợi ích nhóm..., đó là những quy định mới về các chức danh lãnh đạo tại TCTD và doanh nghiệp.
Theo đó, luật mới đã bổ sung những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ và những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ nhằm hạn chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm của người quản lý, điều hành trong quá trình quản trị, điều hành TCTD.
Chẳng hạn, theo quy định của Luật Các TCTD sửa đổi, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban Kiểm soát của TCTD, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD.
Cùng với đó, phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Đồng thời, chủ tịch Hội đồng quản trị, chủ tịch Hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) của TCTD không được đồng thời là chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Theo TS - LS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc một cá nhân làm chủ nhiều doanh nghiệp cùng lúc là không hiếm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, vấn đề này lại rất nhạy cảm, bởi bản chất hoạt động ngân hàng là kinh doanh tiền. Nếu một một lãnh đạo ngân hàng đảm nhiệm đồng thời nhiều chức danh tương đương tại doanh nghiệp khác sẽ tạo ra "lợi ích nhóm", làm cho tình trạng sở hữu chéo, sở hữu lòng vòng trong lĩnh vực ngân hàng trở nên rất khó kiểm soát.
"Trọng tâm của quy định mới là NHNN muốn hạn chế sở hữu chéo, hạn chế tình trạng 'sân trước, sân sau', lợi ích nhóm, làm lũng đoạn ngân hàng, gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính cũng như nền kinh tế. Việc sửa đổi của Luật Các TCTD mang đến nhiều lợi ích cho hệ thống ngân hàng, đó là hạn chế rủi ro và kiểm soát tình trạng 'phá rối' ngân hàng của một nhóm cổ đông nào đó, đồng thời giúp nhà quản lý có thể sớm can thiệp vào TCTD bị kiểm soát đặc biệt, hoặc cho phá sản ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt khi không thể cứu chữa được", ông Tín nói.
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng cho rằng, việc ngân hàng sở hữu số lượng cổ phần lớn tại các TCTD, doanh nghiệp khác là vi phạm nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng, dẫn đến khó quản lý dòng vốn, việc lợi dụng các mối liên kết để thao túng thị trường sẽ gây rủi ro lớn không chỉ với khách hàng, mà còn cho cả hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế.
"Tình trạng sở hữu chéo, lợi ích nhóm dễ dẫn đến việc ngân hàng này sử dụng tài sản của ngân hàng kia hoặc ngược lại. Khi tài sản biến động sẽ gây nên dư nợ bất thường, khó phân biệt để quản lý.
Vì thế, quy định mới là phù hợp với thông lệ quốc tế trong phòng ngừa rủi ro, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền hạn của người điều hành tại TCTD, doanh nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư, cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường, tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động TCTD. Luật Các TCTD sửa đổi tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020", ông Thành nói.
Có thể thấy, theo quy định mới, tiêu chuẩn lãnh đạo ngân hàng đã được siết lại theo hướng chặt chẽ hơn. Do đó, những người sở hữu hoặc thâu tóm lượng lớn cổ phần không còn dễ dàng ngồi vào ghế lãnh đạo tại ngân hàng như trước đây.
Để đáp ứng những quy định này, nhiều “sếp” ngân hàng đang kiêm nhiệm nhiều vị trí khác trong các doanh nghiệp ngoài lĩnh vực ngân hàng đã phải đưa ra sự lựa chọn: Hoặc ngân hàng, hoặc doanh nghiệp.
Chẳng hạn, bà Thái Hương, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc BAC A BANK tuyên bố sẽ rút khỏi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH True Milk sau 10 năm gắn bó. Bà Hương chia sẻ rằng, đã hoàn thành sứ mệnh tại TH True Milk và đến lúc tập trung toàn bộ cho BAC A BANK. Được biết, bà Thái Hương hiện đang nắm giữ 4,325% cổ phần BAC A BANK.
Hay như ông Dương Công Minh đã thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Him Lam để tập trung vào việc tái cơ cấu của Sacombank với cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này. Tương tự, ông Đỗ Minh Phú cũng quyết định rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn DOJI để tiếp tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank. Mới đây nhất, ông Hồ Hùng Anh đã chính thức rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan để làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank.
Tuy nhiên, đi ngược lại xu hướng, ông Võ Quốc Thắng lại từ bỏ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Kienlongbank và chọn ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Đồng Tâm. Tương tự, ông Vũ Văn Tiền cũng thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị ABBank để làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Geleximco.