Cơ hội xây dựng lợi thế cạnh tranh mới của ngân hàng

(ĐTCK) Phát triển bền vững, thông qua thực hành các tiêu chuẩn môi trường – xã hội – quản trị (ESG), là cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh mới cho các ngân hàng Việt Nam.
Các diễn giả chia sẻ những câu chuyện xung quanh thực thi ESG trong ngành ngân hàng tại hội thảo do Báo Đầu tư tổ chức.

Chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động

Tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức đầu tuần qua, TS. Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng luôn đi đầu trong việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG.

NHNN đã có nhiều giải pháp, định hướng, hướng dẫn, chỉ đạo liên quan tới nội dung ESG trong hoạt động ngân hàng như ban hành Chỉ thị về thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng (Chỉ thị số 03/CT-NHNN); phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018), Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 1408/QĐ-NHNN), Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020); ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, có hiệu lực từ 1/6/2023.

Theo ông Tú, với sự định hướng, chỉ đạo của NHNN, việc thực thi ESG đã có những chuyển biến rõ rệt từ nhận thức đến hành động. Các tổ chức tín dụng chủ động tích hợp yếu tố môi trường và xã hội trong chiến lược phát triển, mô hình hoạt động; hoàn thiện mô hình tổ chức; quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; chuyển đổi số, nâng cao năng lực; chủ động hợp tác, tìm kiếm và tiếp nhận các hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế…

Kết quả triển khai hoạt động ESG được thể hiện rất rõ nét qua tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của ngành ngân hàng: đến ngày 30/9/2024, đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Từ góc độ đơn vị tư vấn và đồng hành cùng hành trình thực thi ESG tại các ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét, việc thực thi ESG và tăng trưởng xanh đã có bước chuyển căn bản tại thị trường Việt Nam.

“Trước đây, các ngân hàng chỉ tập trung đánh giá năng lực trả nợ, năng lực quản trị rủi ro tài chính của khách hàng khi cho vay. Còn hiện tại, ngân hàng đã đánh giá thêm các rủi ro ESG.

Tuy đây không phải rủi ro tài chính, nhưng nếu xảy ra thì sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp như thế nào, hoặc nếu doanh nghiệp đóng góp vào phát triển xã hội, chống biến đổi khí hậu… thì ngân hàng có thể đo lường mức độ tích cực của những đóng góp này và sẽ phản ảnh vào lãi suất cho vay”, ông Hùng cho biết.

Thực tế, rủi ro về môi trường và xã hội không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của tổ chức tín dụng (rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng...).

Do vậy, việc thực hành ESG sẽ giúp các tổ chức tín dụng cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận. Đồng thời, khi áp dụng ESG, các tổ chức tín dụng có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, phát triển các sản phẩm tín dụng.

“Việc thực hành ESG tại các ngân hàng là chặng hành trình với nhiều yếu tố mới mang tính hệ thống, không đơn giản là bổ sung nguyên tắc hay quy định là có thể giải quyết được. Không phải tất cả mọi việc đều nằm trong sự kiểm soát của ngân hàng.

Doanh nghiệp là người sử dụng vốn và nhiều yếu tố nằm trong quyền kiểm soát của doanh nghiệp, bản thân ngân hàng cũng phải thu nhận thông tin từ doanh nghiệp. Theo đó, nếu doanh nghiệp gặp rủi ro thì người cho vay cũng gặp rủi ro”, ông Hùng phân tích.

Đây là lý do chuyên gia ADB nhận định, bên cạnh việc định hình phương hướng và thiết lập hệ thống để thực hành ESG, các ngân hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cố vấn cho doanh nghiệp.

Thị trường tài chính của Việt Nam đang phát triển ở giai đoạn ban đầu, phần lớn các dịch vụ tư vấn đầu tư nặng về tư vấn tài chính, tức là chuyện huy động vốn hay phát hành. Vậy nên, các ngân hàng có thể bổ sung phần tư vấn ESG, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp.

“Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ dịch vụ tư vấn của ngân hàng. Bản thân ngân hàng trong quá trình tư vấn cũng thu thập thông tin tốt hơn từ hoạt động của doanh nghiệp, từ đó củng cố hoạt động ESG của chính ngân hàng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Câu chuyện của những người tiên phong

Hiện tại, Agribank là ngân hàng có lượng khách hàng tín dụng xanh lớn nhất trong hệ thống, với 42.485 khách hàng; trong đó, hơn 41.000 khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó trưởng ban Chỉ đạo ESG của Ngân hàng, việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG trong tổ chức hoạt động kinh doanh đang là xu hướng bao trùm toàn thế giới. Tuy nhiên, ESG trong hoạt động ngân hàng có nhiều khác biệt so với các doanh nghiệp khác.

“Tín dụng xanh được coi là giải pháp tài chính hiệu quả để giải quyết vấn đề môi trường và xã hội. Nhưng có thể khẳng định, ESG không chỉ là tín dụng dụng xanh, ngân hàng cần triển khai đồng bộ cả 3 trụ cột ESG để đạt được mục tiêu phát triển bền vững toàn diện”, bà Hà chia sẻ.

Bà Hà khẳng định, việc tích hợp tiêu chuẩn ESG trong chiến lược kinh doanh của các ngân hàng thương mại có thể giúp ngân hàng nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh.

Việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm tài chính ngân hàng hiện đại, phù hợp với sự vận động trong tương lai của nền kinh tế như tín dụng xanh và trái phiếu xanh, các sản phẩm cho vay sản xuất - kinh doanh bền vững, tham gia vào thị trường các-bon... đưa ngân hàng vào thế chủ động đón đầu xu hướng mới và tạo ra các sản phẩm tiên phong mang tính cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, ngân hàng thực thi ESG quản trị danh tiếng tốt, từ đó, tăng trưởng doanh số, quy mô hoạt động và phát triển theo hướng bền vững. Ngày càng có nhiều tổ chức độc lập đánh giá và báo cáo về việc thực hiện ESG của các công ty, ngân hàng.

Những nhà đầu tư, công ty quản lý quỹ và những bên liên quan khác thường tham khảo những báo cáo độc lập này để so sánh các công ty, đánh giá rủi ro và đưa ra các quyết định đầu tư.

Trong 2 năm gần đây, các đơn vị xếp hạng độc lập như Moody’s, Fitch Rating… đã chấm điểm riêng với các báo cáo phát triển bền vững, đánh giá rủi ro. Theo đó, việc áp dụng quy trình quản lý ESG góp phần nâng cao vị thế, định vị thương hiệu, tăng lợi thế cạnh tranh của ngân hàng.

Về thực tế triển khai tại Agribank, với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng cam kết triển khai tiêu chí môi trường đồng bộ trong toàn bộ hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Từ năm 2016, Agribank đã bắt đầu triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch, công nghệ cao” với quy mô vốn tối thiểu 50.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay ưu đãi với đối tượng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; triển khai hỗ trợ tín dụng đối với đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 và Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; mở rộng đầu tư cho vay các dự án liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ…

“Với các hoạt động đã và đang triển khai, tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,8% năm 2023 và duy trì đến quý II/2024. Tính đến 30/6/2024, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 27.816 tỷ đồng, với 42.485 khách hàng còn dư nợ”, bà Hà thông tin.

Bên cạnh đó, Agribank được các nhà tài trợ quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB)... đánh giá cao trong việc thực hiện giải ngân cho vay, phục vụ các dự án ODA. Agribank đã tiếp cận thành công và tham gia nhiều dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường với tổng nguồn vốn gần 6.500 tỷ đồng; 3 hợp đồng tài trợ của EIB (các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng); 2 dự án trong lĩnh vực phát triển khí sinh học, hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp do ADB tài trợ…

Tư Thuần

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục