Năm 2018, thị trường bất động sản TP.HCM có dấu hiệu sụt giảm rõ nét cả về nguồn cung và số lượng giao dịch. Cụ thể, tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường năm qua là 77 dự án với tổng số 28.316 căn nhà (gồm có 27.166 căn hộ và 1.200 căn nhà thấp tầng), với tổng giá trị huy động vốn đạt 49.277 tỷ đồng.
Trong đó, phân khúc cao cấp có 8.502 căn, chiếm tỷ lệ 30%; phân khúc trung cấp có 12.833 căn, chiếm tỷ lệ 45,3%; phân khúc bình dân có 6.981 căn, chiếm tỷ lệ 24,7%.
So với năm 2017, số lượng dự án giảm 13%; tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 34,1%; phân khúc căn hộ cao cấp giảm ít nhất, giảm 22,6%; phân khúc căn hộ trung cấp giảm 34,2%; phân khúc căn hộ bình dân giảm mạnh nhất 44,1%.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)
Nguồn cung dự án đưa ra thị trường năm qua hạn hẹp do có nhiều dự án bị ách tắc vì thủ tục đầu tư.
Thị trường bất động sản thời gian tới tiếp tục đan xen giữa khó khăn và thuận lợi. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao (GDP năm 2018 tăng 7,08%/năm), là nhân tố nền tảng tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững. Thêm nữa, dân số tăng mạnh, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, dẫn đến nhu cầu nhà ở ngày càng nhiều, là nhân tố đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong trung hạn và dài hạn.
Bên cạnh những thuận lợi, thị trường cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Từ những thách thức về những điểm nghẽn liên quan đến thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, sự lệch pha cung cầu giữa các phân khúc thị trường, đến sự thiếu hụt quỹ đất sạch phục vụ đầu tư phát triển. Tình trạng này chưa thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều, nên sẽ tác động lớn đến quan hệ cung - cầu trên thị trường bất động sản năm 2019 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, về lâu dài, TP.HCM có rất nhiều dư địa để phát triển thị trường bất động sản. Chẳng hạn, Quy hoạch Vùng TP.HCM, trực tiếp là Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM định hướng đến năm 2030, với nhiều kế hoạch triển khai các dự án hạ tầng đô thị, trước hết là hạ tầng giao thông, metro; Chương trình xây dựng và chỉnh trang đô thị; Đề án Xây dựng đô thị thông minh và Đề án Xây dựng đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM; kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch triển khai thực hiện các dự án khu đô thị mới, hệ thống hạ tầng giao thông đô thị... Đây là những nhân tố định hướng mở ra sự phát triển thị trường bất động sản bền vững trong dài hạn.
Có thể nói, hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp và doanh nhân bất động sản đã được tôi luyện, chuyên nghiệp, có năng lực cả về tài chính và quản trị doanh nghiệp, coi trọng xây dựng uy tín thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp.
Thị trường đã có sự gắn kết hữu cơ, cộng sinh, cộng đồng trách nhiệm giữa doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng thương mại, đã dần hình thành lớp người tiêu dùng có trách nhiệm. Với nhiều yếu tố trên, sắp tới, cơ hội thị trường sẽ mở ra nhiều cho các nhà đầu tư có tầm nhìn và năng lực tài chính, còn các nhà đầu tư “lôm côm” khó trụ được.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com