Cơ hội vẫn hiện hữu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền được đẩy mạnh vào thị trường giúp VN-Index tiến đến vùng kháng cự cao hơn là 1.100 - 1.115 điểm. Cơ hội tại không ít nhóm ngành vẫn đang hiện hữu.
Cơ hội vẫn hiện hữu

Tín hiệu tích cực hội tụ

VN-Index tăng 6 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần qua, mặc dù có diễn biến giằng co liên tục trong phiên, lũy kế cả tuần tăng 16,69 điểm (+1,5%), đạt 1.107,53 điểm và là tuần thứ 2 tăng liên tiếp. Mặc dù mức tăng thấp hơn tuần trước đó (tăng 27,08 điểm, tương đương tăng 2,5%), nhưng diễn biến tăng chi phối hoàn toàn trong tuần khi VN-Index bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự 1.080 điểm và tiến đến vùng kháng cự cao hơn tại 1.100 - 1.115 điểm.

Các dấu hiệu của một thị trường tăng giá ngắn hạn đã hội tụ như khối lượng giao dịch sau khi bứt phá cao hơn từ 30 - 40% so với các phiên ở vùng tích lũy (dưới 1.080 điểm), số lượng cổ phiếu tăng giá cải thiện qua từng phiên, trên 50% số mã có giá đóng cửa đang cao hơn đường trung bình động 200 ngày (MA200).

Diễn biến tăng của VN-Index cũng cho thấy sức mạnh tương đối của thị trường chung khi chỉ số tạo ra 2 vùng Gap (khoảng trống giá) liên tục, thể hiện bên mua áp đảo bên bán sau khi bứt phá ngưỡng kháng cự. Tuy vậy, tình trạng giằng co của 2 phiên cuối của tuần báo hiệu áp lực bán gia tăng trong vùng kháng cự mới. Do đó, nhà đầu tư cần gia tăng quản trị rủi ro khi VN-Index tiếp tục đà tăng ngắn hạn hiện tại. Vùng hỗ trợ gần nhất của chỉ số là 1.080 - 1.090 điểm và ngưỡng kháng cự gần nhất tại 1.115 điểm.

VN-Index đang ở vùng kháng cự mới.

VN-Index đang ở vùng kháng cự mới.

Về dòng tiền, thanh khoản tuần qua tăng mạnh, đỉnh điểm là ngày 8/6/2023, với giá trị giao dịch khớp lệnh vượt 20.000 tỷ đồng. Dòng tiền tập trung vào nhóm chứng khoán, bất động sản, năng lượng. Đáng chú ý, dòng tiền chảy vào ngành dược tăng đột biến trong 2 tuần qua, nhất là mã DHG và DBD, nhờ khả năng ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong quý II/2023 và triển vọng gia tăng sản xuất do sự thiếu hụt thuốc generic gần ở mức cao nhất kể từ trước tới nay.

Cơ hội từ đầu tư công

Trong Báo cáo 5835/BGTVT-CQLXD gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp đề xuất của các địa phương về kế hoạch khởi công nhiều dự án đường bộ cao tốc, đường vành đai trong tháng 6/2023.

Trong số đó, đáng chú ý là các dự án đường vành đai và cao tốc trọng điểm ở khu vực miền Nam, bao gồm: Vành đai 3 TP.HCM, Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Bốn dự án giao thông trọng điểm này có tổng vốn đầu tư hơn 160.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào cuối tháng 6/2023.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công sau 5 tháng đạt 20,8% kế hoạch năm 2023, một tỷ lệ khá thấp. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân cao hơn 35% so với cùng kỳ và giải ngân vốn đầu tư công thường có xu hướng tăng tốc khi bước vào giai đoạn cuối năm.

Do đó, dư địa giải ngân đầu tư công lớn, cộng với kế hoạch triển khai thêm các dự án hạ tầng trọng điểm ở phía Nam được Kafi đánh giá sẽ là động lực chính dẫn dắt cho nhu cầu xây dựng và vật liệu xây dựng thời gian tới. Với việc nguồn vốn nhiều khả năng sẽ được tập trung cho các dự án đường sá, Kafi kỳ vọng, các doanh nghiệp ngành đá, xi măng, nhựa đường sẽ được hưởng lợi trong xu hướng đầu tư công sắp tới.

Đối với ngành thép, mặc dù thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng vẫn đang khá ảm đạm do nhu cầu suy yếu, nhưng hiện đã có một số dấu hiệu phục hồi.

Chẳng hạn, doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam là Hòa Phát đã có sự phục hồi về sản lượng bán hàng trong tháng 5; giá thép trong nước đang tăng trở lại sau vài tháng giảm mạnh trong bối cảnh giá nguyên liệu đi ngang. Theo đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép có thể được cải thiện ngay trong quý II/2023.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục