Hiện nay, cơ cấu vốn ngoại và vốn nội trong các quỹ của SSIAM đang được sử dụng như thế nào?
SSIAM đang quản lý tài sản trị giá 800 triệu USD, phân bổ đều nguồn vốn vào các dải sản phẩm khác nhau, trong đó 300 triệu USD đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù nguồn vốn ngoại chúng tôi đánh giá rất tiềm năng, số lượng sản phẩm dành cho nhà đầu tư nước ngoài lại ít hơn đáng kể so với tổng số sản phẩm mà chúng tôi đang cung cấp.
Ông đánh giá thế nào về hiệu quả đầu tư và các kênh phân phối sản phẩm của SSIAM?
Về hiệu quả đầu tư, SSIAM đã tham gia thị trường quỹ mở và quỹ cổ phiếu từ những ngày đầu. Hiệu suất bình quân hàng năm của mỗi sản phẩm đều đạt trên 15%. Tuy nhiên, tổng tài sản quản lý (AUM) của các sản phẩm này hiện chỉ quanh mức 1.000 tỷ đồng, khá khiêm tốn. Trong khi đó, cùng một loại sản phẩm này, khi được phân phối qua các kênh dành cho nhà đầu tư nước ngoài, AUM có thể đạt khoảng 5.000 tỷ đồng trong thời gian ngắn hơn.
Đối với một đơn vị sản xuất sản phẩm đầu tư như SSIAM, vấn đề cốt lõi nằm ở kênh phân phối và việc khơi thông các kênh đó. Các sản phẩm SSIAM đã huy động thành công ở nước ngoài bao gồm các quỹ đại chúng, quỹ mở và quỹ đóng. Đặc biệt, các quỹ đóng chu kỳ 5-10 năm hoạt động lâu dài, có tệp khách hàng đặc thù, thường đầu tư cùng với doanh nghiệp, hướng tới lộ trình niêm yết và thoái vốn. Nguồn vốn này mang tính dài hạn và tệp khách hàng cũng có tầm nhìn dài hạn, do đó rất ổn định.
Trong quá trình tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các quỹ lớn, đâu là những yếu tố mà họ quan tâm hàng đầu và việc nâng hạng thị trường có vai trò như thế nào trong quyết định của họ?
Khi thị trường chứng khoán được nâng hạng, dự báo sẽ có dòng vốn thụ động đổ vào thông qua các quỹ ETF, giai đoạn đầu khoảng 1-2 tỷ USD, còn dòng vốn thông qua các quỹ đầu tư chủ động có thể đạt 5-10 tỷ USD.
Có một lượng lớn khách hàng nước ngoài mong muốn tham gia thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu về nâng hạng thị trường, đặc biệt là việc đạt xếp hạng tín nhiệm đầu tư (investment grade), luôn được họ đặt lên hàng đầu.
Khi tiếp cận các nhà đầu tư, đối với những nhà đầu tư cũ tại các quỹ, việc này không thành vấn đề vì họ đã quen thuộc với thị trường và có thể tự đánh giá. Tuy nhiên, nhiều quỹ đầu tư lớn sẵn sàng đứng bên ngoài và chỉ chờ mức nâng hạng để có thể phân bổ vốn vào thị trường. Tất nhiên, họ đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về các sản phẩm và đối tác trên thị trường.
Với vai trò là một thành viên thị trường, tôi cho rằng, sự đa dạng sản phẩm và lịch sử hoạt động là rất cần thiết. SSIAM từ trước đến nay đã tập trung rất nhiều vào việc khai thác tệp khách hàng quốc tế. Đối với các sản phẩm của chúng tôi, việc dẫn vốn qua các quỹ đến doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, là một tác động tích cực và lâu dài đối với thị trường.
Còn đối với các sản phẩm quỹ mở dành cho nhà đầu tư nội địa, nguồn lực rất tốt và thời điểm cũng đang đến gần. Quy mô giao dịch thị trường rất lớn, điều này chúng ta có thể cảm nhận được rõ ràng.
Dù có sự gia tăng của nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ nhà đầu tư nội địa vẫn chiếm đa số, cả về khối lượng giao dịch lẫn margin. Nội lực thị trường là rất dồi dào. Việc khơi thông nội lực đó và chuyển dòng tiền vào các sản phẩm đầu tư dài hạn - như quỹ của chúng tôi hay của các thành viên khác trên thị trường - cần một lộ trình và thời gian. Tôi tin rằng, điều này chắc chắn sẽ xảy ra.
|
Trong tình trạng hiện tại, cả vốn nội và vốn ngoại đều có tiềm năng, hay có những dư địa nào đáng chú ý?
Cả dòng vốn nội địa và vốn bên ngoài đều còn nhiều dư địa phát triển. Riêng về vốn nội, các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư rất quan trọng, đặc biệt là chính sách thuế. Hiện tại, mức chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm và các kênh đầu tư khác cũng khá cao. Khi nhà đầu tư đáo hạn tiết kiệm, họ sẵn sàng xem xét các kênh đầu tư khác.
Tuy nhiên, cần nhìn vào chính sách thuế. Nhìn ra nước ngoài, có thể thấy các chính sách thuế thường hướng tới dòng vốn dài hạn. Các nhà đầu tư dài hạn, đầu tư qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp có thể được giảm thuế, thậm chí miễn thuế. Các quốc gia có hoạt động đầu tư đột phá chính là các quốc gia đã định hướng dòng vốn nội địa vào thị trường của họ thông qua các chính sách thuế, hướng tới đầu tư dài hạn. Đây là điểm cực kỳ quan trọng, nhất là khi chúng ta đang trong thời điểm bổ sung các luật thuế.
Ngoài ra, còn những giải pháp nào để thúc đẩy việc khơi thông thêm các nguồn vốn cả trong và ngoài nước?
Về dòng vốn nước ngoài, khi thị trường chứng khoán được nâng hạng thành công lên thị trường mới nổi, dự báo sẽ có dòng vốn thụ động đổ vào thông qua các quỹ ETF. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong giai đoạn đầu, dòng vốn này sẽ không quá lớn, khoảng 1-2 tỷ USD. Dòng vốn thông qua các quỹ đầu tư chủ động thì 5-10 tỷ USD là hoàn toàn có thể đạt được. Việc họ lựa chọn doanh nghiệp là hoàn toàn chủ động. Do đó, các chỉ tiêu của doanh nghiệp và khả năng tiệm cận các tiêu chí đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài là yếu tố rất quan trọng.
Để tiếp cận được các quỹ này, doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đồng bộ về công bố thông tin, thực hành ESG, báo cáo tài chính kiểm toán... Tôi nghĩ, những yếu tố đó cần có một lộ trình rõ ràng để đón đầu dòng vốn. Điểm đích chỉ là một mốc, còn quan trọng là khi nào chúng ta đạt được các chỉ tiêu một cách đồng bộ và đáp ứng đầy đủ trải nghiệm của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Đó mới là yếu tố then chốt.
Đối với nhà đầu tư trong nước, làm sao để khuyến khích họ đầu tư vào chứng khoán nhiều hơn?
Ngoài các vấn đề liên quan đến sản phẩm của các thành viên trên thị trường như chúng tôi, về hệ thống giao dịch, ví dụ như KRX, chúng tôi đánh giá rất cao hệ thống này, qua cả quá trình thử nghiệm và đưa vào vận hành thực tế.
Hệ thống KRX còn có nhiều khả năng nâng cao trải nghiệm sử dụng sản phẩm cho nhà đầu tư trong nước, chẳng hạn như rút ngắn thời gian giao dịch, phát triển thêm các sản phẩm phái sinh, tăng quy mô cả về đòn bẩy tài chính lẫn tốc độ giao dịch nhanh hơn.
Tôi cho rằng, sự thay đổi này sẽ diễn ra theo cả hai chiều, hướng đến mục tiêu cuối cùng là cải thiện trải nghiệm và tăng lượng hàng hóa trên thị trường. Về phía các thành viên thị trường như chúng tôi, việc nghiên cứu sản phẩm luôn được thực hiện thường xuyên và chúng tôi luôn trong trạng thái sẵn sàng khi dòng vốn đủ điều kiện để kích hoạt.
Ông có cho rằng, đây không chỉ là câu chuyện dòng tiền đổ vào nhất thời mà sẽ tiếp diễn và có những thăng hoa hơn, bùng nổ hơn về giao dịch chứng khoán, đặc biệt khi ngày càng nhiều người nhận ra định giá của thị trường còn rẻ và chứng khoán vẫn là kênh mang lại lợi suất cao?
Trên quan điểm tổng tài sản của một nhà đầu tư, rõ ràng họ phân bổ vào nhiều kênh, không chỉ riêng chứng khoán. Và chắc chắn tỷ lệ đầu tư vào chứng khoán hiện không cao, dựa trên số liệu thống kê. Ví dụ, tổng tài sản toàn thị trường hiện vào khoảng 26 tỷ USD, chỉ chiếm khoảng 7% GDP.
Riêng tỷ lệ tiền gửi đã cho thấy sự chênh lệch rất lớn giữa tài sản gửi ngân hàng và quy mô giao dịch trên thị trường chứng khoán. Điều này cho thấy dư địa phát triển là rất lớn.
Cạnh tranh giữa thị trường tài sản số và thị trường chứng khoán sắp tới đây theo ông có sẽ diễn ra không?
Tôi cho rằng, đây không phải là sự cạnh tranh, mà là mở rộng loại hình tài sản để nhà đầu tư có thêm lựa chọn đầu tư. Hạ tầng và khung pháp lý vẫn còn rất mới, nên sẽ chưa thể có sự cạnh tranh ngay lập tức. Thay vào đó, nó chủ yếu tạo thêm nguồn hàng hóa nếu có sản phẩm phù hợp. Nhà đầu tư sẽ nhìn nhận đây như một loại tài sản mới, bên cạnh các loại tài sản mà họ từng đầu tư hoặc đang cân nhắc.