Cơ hội tích lũy cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Dự báo, một nhịp tích lũy chặt chẽ tại vùng hỗ trợ 1.250 +/- 20 điểm sẽ tạo nền tảng cho VN-Index hấp thụ áp lực bán và tăng điểm trở lại.
Cơ hội tích lũy cổ phiếu

VN-Index lùi về ngưỡng hỗ trợ mới

Tuần giao dịch cuối tháng 6/2024 diễn ra hoạt động chốt giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư, VN-Index có diễn biến tương đối tiêu cực, đóng cửa tại 1.245,32 điểm, giảm gần 2,9% so với cuối tuần trước đó.

Trong bối cảnh khối ngoại vẫn bán ròng từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng/tuần, nền thanh khoản chung với sự hỗ trợ của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã không giữ được mức cao như các tuần trước đó.

Thanh khoản có sự thoái lui từ mức bình quân 24.000 tỷ đồng/phiên xuống 20.000 tỷ đồng/phiên, cùng với đó là diễn biến đi xuống của VN-Index cho thấy, tâm lý thị trường tương đối thận trọng. Hoạt động bán ra của nhà đầu tư chiếm ưu thế trong hầu hết các phiên giao dịch. Theo đó, VN-Index lùi về vùng hỗ trợ 1.240 - 1.250 điểm.

Chúng tôi cho rằng, VN-Index có thể sẽ tiếp tục vận động trong nhịp điều chỉnh kỹ thuật, sau khi thoái lui từ vùng kháng cự 1.290 - 1.300 điểm. Tuy nhiên, một nhịp tích lũy chặt chẽ tại vùng hỗ trợ 1.250 +/- 20 điểm là cần thiết để tạo nền tảng cho chỉ số có thể hấp thụ áp lực bán và tăng điểm trở lại.

Với giai đoạn tích lũy hiện nay, chiến lược nắm giữ cổ phiếu đang có lợi nhuận dương để chờ vượt cản mạnh đang được ưu tiên. Mặt khác, đây là giai đoạn hợp lý để bắt đầu cơ cấu danh mục, đón kết quả kinh doanh quý II/2024 sẽ dần được công bố trong 2 tuần tiếp theo, ưu tiên giải ngân vào các cổ phiếu bluechips có triển vọng kinh doanh thuận lợi và hút dòng tiền như bán lẻ, ngân hàng, chứng khoán, logistics, cảng biển.

Ngành cảng biển - hưởng lợi từ phục hồi thương mại

Kinh tế thế giới đang gặp khó khăn, nhưng thương mại Việt Nam vẫn tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu nửa đầu năm nay phục hồi mạnh, đạt gần 190 tỷ USD, tăng 13,8%. Nông sản xuất khẩu tăng gần 19%. Tính chung, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 370 tỷ USD, tăng 16%; cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 8,4 tỷ USD, một con số ấn tượng trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đang giảm tiêu dùng.

Kinh tế Việt Nam hiện có độ mở lớn với thế giới khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 683 tỷ USD, vượt quy mô GDP. Để đạt được điều này, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư FDI và kích thích thương mại, thúc đẩy tăng trưởng thương mại.

Tăng trưởng thương mại và sản xuất kéo theo lưu lượng hàng hóa tăng, đặc biệt là đường biển. Lưu lượng hàng hóa thông qua cảng biển 4 tháng đầu năm 2024 tăng hơn 20%. Các địa điểm thương mại chính như TP.HCM, Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh tăng trưởng từ 15 - 36%. Nhu cầu về cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần, vận tải đang có xu hướng gia tăng. Số lượng container thông qua cảng biển trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 11,62 triệu Teu, tăng 20%. Giá cước vận chuyển tăng kéo theo giá dịch vụ tại cảng tăng nhẹ.

Theo đó, các doanh nghiệp vận hành dịch vụ cảng biển đang hưởng lợi từ lưu lượng hàng hóa tăng và giá dịch vụ tăng nhẹ. Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tăng trưởng. Các doanh nghiệp sở hữu cảng biển nước sâu có triển vọng tăng trưởng cao hơn khi có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn. Các doanh nghiệp cảng biển còn dư địa công suất, hoạt động chính ở khu vực Hải Phòng, TP.HCM, Vũng Tàu có tiềm năng tăng trưởng cao nhất. Xu hướng tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành cảng biển có thể được duy trì trong thời gian tới, theo đà phục hồi kinh tế.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục