Cơ hội tạo lập chuỗi giá trị cho doanh nghiệp Việt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Câu tục ngữ “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” của người xưa vẫn nguyên giá trị đối với hoạt động của các doanh nghiệp.
Hội thảo do Báo Đầu tư và NovaGroup tổ chức đã mang đến cái nhìn toàn cảnh về thị trường M&A. Hội thảo do Báo Đầu tư và NovaGroup tổ chức đã mang đến cái nhìn toàn cảnh về thị trường M&A.

Thời cơ vàng bùng nổ M&A

Hội thảo trực tuyến “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị” do Báo Đầu tư phối hợp với NovaGroup tổ chức cuối tuần qua phần nào giúp chúng ta nhận ra cơ hội tạo lập chuỗi giá trị cho doanh nghiệp Việt.

Gần hai năm qua, đại dịch Covid -19 đã mang lại những thách thức chưa từng có, tác động đáng kể đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong khó khăn cũng mở ra nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp có chung tầm nhìn, trong đó con đường M&A, liên doanh, liên kết được nhiều chuyên gia đánh giá là “cơ hội vàng” cho cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, nói về thị trường M&A, ở góc độ của nhà tư vấn, trong năm 2020, hoạt động M&A khá nhàn bởi số thương vụ có giảm đi đáng kể do ảnh hưởng của bệnh dịch.

“Năm 2020, kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam tương đối tốt, trong khi thế giới chao đảo, nên việc đi lại giữa các nước bị ảnh hưởng. Đến năm 2021, khi thế giới kiểm soát tốt đại dịch thì Việt Nam lại phải đối mặt với làn sóng thứ tư nên cũng ảnh hưởng đến các thương vụ M&A”, ông Ái nói.

Cũng theo ông Ái, nhìn từ các nước cho thấy, từ cuối năm 2020, sau khi kiểm soát được dịch bệnh, giá trị thương vụ đã ghi nhận tăng đáng kể. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động M&A toàn cầu tăng trưởng kỷ lục nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Mỹ.

Tại Việt Nam, năm 2021, dù diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhưng hoạt động M&A vẫn âm thầm diễn ra, trong đó có những thương vụ lớn, như thời điểm tháng 9/2021, Tập đoàn Thaco đã hoàn tất việc chuyển nhượng hoạt động kinh doanh siêu thị Emart tại Việt Nam.

Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường M&A sẽ phát triển khá mạnh, trong đó năm 2022 sẽ có sự bùng nổ và có thể đạt tốc độ tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm 2021.

Còn theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam, nổi lên 3 đặc điểm về M&A rất đáng chú ý.

Thứ nhất, tác động Covid-19 lên M&A rõ nét, con số thực tế cho thấy M&A gắn liền khối ngoại, nên tác động lên khối ngoại sẽ có tác động lên M&A Việt Nam. Cụ thể, M&A toàn cầu có sự sụt giảm trong 6 tháng 2020 với tổng giao dịch 917 tỷ USD, nhưng sự tăng trưởng lại rất nhanh trong nửa cuối năm khi được kiểm soát, giá trị 2.200 tỷ USD. Trong năm 2021, giá trị M&A toàn cầu là 2.600 tỷ USD.

Tác động tương tự ở Việt Nam, M&A năm 2019 đạt giá trị 7,2 tỷ USD, nhiều tập đoàn kinh tế trong nước xuất hiện, nhưng khối ngoại vẫn ảnh hưởng lớn. Cả năm 2020, tổng giá trị các thương vụ M&A chỉ đạt 3,5 tỷ USD.

“Không chỉ ở con số, còn liên quan tới ngành nghề, hoạt động kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 cả tích cực và tiêu cực. Ngành nghề tập trung nhiều trong M&A là bất động sản, tài chính ngân hàng, công nghệ, logistics, dược phẩm… Nổi bật nhất là ngành bất động sản tập trung hơn 40%, dịch vụ bị tác động mạnh bởi Covid-19, nhưng M&A lại diễn ra mạnh mẽ, hay thực phẩm đồ uống, dược phẩm, vật liệu xây dựng…”, ông Hiếu nhận xét.

Một đặc điểm đáng chú ý nữa, theo ông Hiếu, là sự trỗi dậy mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt.

“Đã có giai đoạn chúng ta từng lo ngại các doanh nghiệp ngoại thôn tính doanh nghiệp Việt, có nên có chính sách hạn chế không. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, từ năm 2018 đến nay, sự trỗi dậy trong hoạt động M&A của doanh nghiệp Việt diễn ra khá mạnh mẽ”, ông Hiếu nói và dẫn chứng, trong năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam là bên mua trong các thương vụ M&A chiếm 18%, năm 2019 - 2020 là 30%, và các chủ thể tham gia vào M&A từ 2019 - quý I/2021 thì 49% là doanh nghiệp Việt Nam.

Quan sát dòng chảy M&A thời gian qua, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nói đến doanh nghiệp tư nhân thì sự khởi đầu và phát triển diễn ra mạnh mẽ trong khoảng hơn 10 năm qua. Các doanh nghiệp Nhà nước thì đã hình thành từ mấy chục năm, nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao lực lượng doanh nghiệp Việt vẫn không lớn mạnh được, phải chăng do thiếu sự liên kết trong sự phát triển.

Do vậy, M&A là cơ hội thực sự, cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển, đồng thời phải có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để phát triển.

Cơ hội tạo giá trị cộng sinh

Thực ra, không phải đến bây giờ mới đặt ra câu chuyện liên doanh, liên kết để tạo ra chuỗi giá trị của các doanh nghiệp, mà với nhiều doanh nghiệp lớn có tầm nhìn đã thực hiện.

Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup, sự trưởng thành và lớn lên của mỗi doanh nghiệp không phải ở con đường thẳng mà là ở những “khúc cua”.

Chính những “khúc cua” để cho doanh nghiệp thấy được sự khó khăn, trở ngại để từ đó có chiến lược phát triển phù hợp. Và đại dịch Covid-19 được ông Phiên ví như một khúc cua trong hành trình phát triển, trong đó sự cộng sinh giữa các doanh nghiệp để tạo nên chuỗi giá trị chính là một cơ hội.

Lấy dẫn chứng từ NovaGroup, với xuất phát điểm cũng chỉ là một doanh nghiệp tư nhân nhỏ.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đến nay, NovaGroup đang trong tiến trình tái cấu trúc tập đoàn lần thứ 2, với 3 trụ cột chính gồm Novaland, Nova Services, Nova Consumer, hoạt động tập trung trong lĩnh vực bất động sản, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp - hàng tiêu dùng.

Với 3 trụ cột này, hệ sinh thái của NovaGroup đang dần hoàn thiện. Trong đó, Novaland, trụ cột chính, hiện đang sở hữu khối tài sản 171.533 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 6/2021.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp lớn trên thị trường, trong đó có NovaGroup nhận ra rằng, không thể chỉ phát triển đơn lẻ một ngành.

Sự dịch chuyển của nền kinh tế Việt Nam cũng như dịch chuyển kinh tế trên thế giới, tức dịch chuyển sâu hơn vào chuỗi giá trị cộng đồng hơn là thương mại, dịch vụ, sản xuất, công nghiệp, công nghệ - mới tạo bền vững, tạo lực đẩy cho nền kinh tế và cho doanh nghiệp.

“Thị trường biết nhiều đến Novaland, những có lẽ ít hơn về Nova Consumer Group - được xây dựng từ nền tảng của Anova, thành lập từ 1992, hoạt động trong ngành ổn định là sản xuất thuốc thú y, vắc-xin và thức ăn chăn nuôi. Để đáp ứng nhu cầu phát triển thì người sáng lập doanh nghiệp sẽ quyết định sẽ dấn thân thêm vào FMCG", ông Phiên nói.

Cuối năm nay, dự kiến, Nova Group sẽ IPO và niêm yết Consumer Group.

Theo ông Phiên, nói đến thị trường M&A Việt Nam, thời gian tới, các tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn vẫn chính là các con sếu đầu đàn dẫn dắt cuộc chơi và được hỗ trợ bởi hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Các doanh nghiệp SME có những khó khăn về quy mô, khách hàng, sản phẩm chưa hoàn thiện, đội ngũ con người, hệ thống…

Giai đoạn Covid vừa qua, các doanh nghiệp SME đặt ra nhiều vấn đề, thậm chí có doanh nghiệp cũng muốn thay đổi chiến lược, từ bỏ mảng kinh doanh hiện hữu. Hướng đi cộng sinh với các doanh nghiệp lớn hơn được đặt ra.

Bởi các doanh nghiệp lớn không thể tự làm tất cả các ngành, họ chỉ có thể bơm vốn, đưa nhân sự vào để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, nhưng sự cộng sinh từ doanh nghiệp lớn hơn thì bản thân cộng đồng SME có cơ hội phát triển lớn hơn.

Tăng Triển

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục