Làn sóng bán tháo
VN-Index mở đầu tuần qua trong trạng thái thận trọng, chờ đợi các thông tin liên quan đến chính sách thuế mới của Mỹ. Tuy nhiên, thông tin bất lợi về mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam đã kích hoạt làn sóng bán tháo. Phiên thứ Năm, chỉ số chung ghi nhận mức giảm gần 80 điểm và mất thêm 44 điểm trong phiên sáng thứ Sáu. Lực cầu bắt đáy chỉ xuất hiện khi chỉ số chạm vùng hỗ trợ kỹ thuật quanh 1.160 điểm, giúp thu hẹp đà giảm trong phiên cuối tuần. Kết thúc tuần giao dịch đầu tháng 4/2025, VN-Index dừng tại 1.200 điểm, mất tổng cộng hơn 120 điểm, tương đương mức giảm 9,2%.
Hầu hết các nhóm ngành ghi nhận mức điều chỉnh mạnh trong tuần, trong đó chịu ảnh hưởng lớn nhất là các ngành có liên quan trực tiếp đến xuất khẩu và có khả năng bị tác động bởi thuế đối ứng của Mỹ như dệt may, thủy sản, gỗ, khu công nghiệp, cao su, logistic. Tuy nhiên, các nhóm ngành khác ít bị ảnh hưởng đã ghi nhận diễn biến “thoát sàn” và hồi phục tích cực trong phiên cuối tuần như ngân hàng (VCB, ACB, TCB, VIB), tiêu dùng (VNM, SAB).
Khối ngoại gia tăng hoạt động bán ròng, tập trung tại các cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, TPB, SSI. Ở chiều ngược lại, dòng tiền nước ngoài có tín hiệu mua rải rác ở một số cổ phiếu như DGC, VGC, nhưng không đủ để trung hòa áp lực bán.
|
Cơ hội “bắt đáy”
Sự kiện thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump ban hành có thể xem là sự kiện lớn nhất và có tác động mạnh nhất đến thị trường chứng khoán trong năm 2025. Phiên ngày 3/4, VN-Index đã trải qua mức giảm kỷ lục 80 điểm (gần 7%). Các thị trường chứng khoán lớn khác cũng giảm mạnh từ 1,6 - 3,3%. Sự hoảng loạn trên các thị trường tài chính toàn cầu thể hiện sự lo ngại về suy thoái kinh tế và gián đoạn thương mại quốc tế.
Các nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng và chịu áp lực bán mạnh nhất từ thông tin thuế quan có thể kể đến dệt may, thủy sản, gỗ, khu công nghiệp, cao su, logistic.
Ngược lại, các nhóm có tỷ trọng doanh thu nội địa cao như ngân hàng (VCB, ACB, TCB, VIB), tiêu dùng (VNM, SAB) bắt đầu thu hút lực cầu, có dấu hiệu hồi phục. Trong ngắn hạn, sự phân hóa giữa nhóm chịu ít ảnh hưởng và chịu nhiều ảnh hưởng từ thuế quan dự báo sẽ sớm xuất hiện.
Thị trường hiện tại có thể xem như là một cơ hội để tái cơ cấu danh mục, cộng với nhịp điều chỉnh của VN-Index trước đó, một số cổ phiếu đã được chiết khấu từ 15 - 20% thị giá. Đây có thể xem là một mức chiết khấu hấp dẫn trong ngắn hạn để có thể xem xét giải ngân. Tuy nhiên, như quan điểm trước đó, sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu có thể diễn ra mạnh hơn, dẫn đến rủi ro trên từng quyết định đầu tư nếu chưa có sự xem xét kỹ lưỡng.
Trong giai đoạn này, việc sàng lọc các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, các doanh nghiệp có cơ cấu doanh thu từ nội địa cao, hưởng lợi từ chính sách đầu tư công hay ngân hàng sẽ là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi tin rằng, cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, thực phẩm, hạ tầng, vật liệu sẽ có sự phục hồi sớm nhất sau khi tâm lý thị trường ổn định, do triển vọng doanh nghiệp vẫn đang có những điểm nổi bật hơn các nhóm ngành khác.