Cơ hội “săn” doanh nghiệp dưới giá trị

(ĐTCK) Mỗi khi nỗi sợ hãi bao trùm thị trường, nhà đầu thường không quan tâm tới giá trị doanh nghiệp, mà hành động mang tính đám đông là chính. Tuy nhiên, chính giai đoạn hành động theo đám đông lại là cơ hội cho nhà đầu tư giá trị có thể lọc được những doanh nghiệp đang giao dịch dưới giá trị thực và chờ cho tâm lý đám đông qua đi để gặt hái thành quả nhờ sự kiên nhẫn. Lịch sử đã chứng minh, sau khi dịch đạt đỉnh thì TTCK thường chạm đáy và đi lên.
Cơ hội “săn” doanh nghiệp dưới giá trị

Nhận diện cơ hội khối doanh nghiệp gốc Nhà nước

Trên sàn HNX và UPCoM hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, tài sản nhiều, tuy nhiên do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.

Nhóm doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu lớn gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (BCM), Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang sở hữu khối tài sản lần lượt là 78,2 nghìn tỷ đồng, 43,5 nghìn tỷ đồng, 61,8 nghìn tỷ đồng và 59,3 nghìn tỷ đồng. Mỗi doanh nghiệp đều có lợi thế riêng, nhưng gần như chưa khai thác hiệu quả.

Cụ thể, GVR sở hữu 407.800 ha đất cao su, trong đó đất khai thác mủ cao su là 201.083 ha, quản lý 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.000 ha, diện tích thương phẩm 4.013 ha với tỷ lệ lắp đầy 85%.

Mặc dù quỹ đất lớn, nhưng việc khai thác còn hạn chế, nên biên lợi nhuận ròng chỉ cải thiện nhẹ, từ 18,07% lên 19,88% trong năm 2019.

Với định hướng đẩy mạnh chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp, GVR có khả năng tạo dòng tiền đều và tiếp tục cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Hiện tại, cổ phiếu chỉ được giao dịch quanh ngưỡng 12.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị sổ sách. Nếu việc chuyển đổi đất thuận lợi, kỳ vọng doanh nghiệp sẽ cải thiện đà tăng trưởng.

Điều tương tự cũng diễn ra đối với BCM. Doanh nghiệp hiện quản lý trực tiếp Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, 2 & 3, Khu công nghiệp Thới Hoà, Khu công nghiệp Bàu Bàng với tổng diện tích thương phẩm 4.037,08 ha, doanh nghiệp cho thuê được 2.150,44 ha, tỷ lệ lấp đầy lần lượt 86,73%, 96,06%, 88,14%, 57,24% và 63,32%.

Ngoài ra, BCM còn đầu tư vào các công ty con và công ty liên kết để hợp tác phát triển dự án khu công nghiệp. Mặc dù quỹ đất lớn nhưng kết quả kinh doanh chỉ tăng nhẹ, chỉ tiêu sử dụng vốn trên tài sản (ROA) chỉ đạt 5,71%.

Hiện cổ phiếu giao dịch ở vùng 25.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức P/E 12,18 lần. Trong khi đó, quỹ đất còn lại tiếp tục cho thuê vẫn lớn, doanh nghiệp mới góp vốn nắm giữ 30% tại dự án Becamex VSIP Bình Thuận để phát triển dự án khu công nghiệp.

Với các vị trí khu công nghiệp thuận lợi tại Bình Dương, cũng như hệ thống công ty con lớn, kỳ vọng công ty này sẽ sớm tận dụng được lợi thế để khẳng định mặt bằng giá trị mới.

VGI chuyên mảng viễn thông đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Viettel, do đặc điểm mảng viễn thông giai đoạn đầu phải đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, làm cho chi phí khấu hao lớn.

Điều này thể hiện qua báo cáo dòng tiền đầu tư năm 2016 là -13.273 tỷ đồng, năm 2017 -3.196 tỷ đồng, năm 2018 -10.225 tỷ đồng và năm 2019 -4.368 tỷ đồng.

Trái ngược lại dòng tiền đầu tư liên tục chi ra, dòng tiền hoạt động kinh doanh đã bắt đầu quay về, nếu năm 2016 âm 279 tỷ đồng, thì năm 2017 là dương 4.327 tỷ đồng, năm 2018 là 4.840 tỷ đồng và năm 2019 là 6.233 tỷ đồng.

Năm 2019 là năm đầu tiên doanh nghiệp có lãi sau nhiều năm mở rộng hoạt động. Như vậy, có thể thấy, sau giai đoạn đầu tư mạnh, dòng tiền đã quay về doanh nghiệp và kỳ vọng sự bùng nổ khi chi phí đầu tư qua điểm hoà vốn.

Hiện cổ phiếu đang giao dịch tại 27.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng vùng giá đỉnh hồi mới lên sàn. Kể từ năm 2019, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã bắt đầu lời và dòng tiền hoạt động kinh doanh quay về mạnh.

ACV là doanh nghiệp độc quyền khai thác và vận hành 22 sân bay dân dụng trên cả nước. Tỷ suất sinh lời ROA là 14,76% và ROE là 24,63%.

Doanh nghiệp liên tục tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, năm 2016 ghi nhận doanh thu 10.466 tỷ đồng, tới năm 2019 là 18.292 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình doanh thu 3 năm là 20,72%.

Đối với lợi nhuận, năm 2016 ghi nhận 2.718 tỷ đồng, năm 2019 là 8.343 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm là 45,5%. Mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng như vậy, nhưng giá cổ phiếu hiện là 51.700 đồng/cổ phiếu, gần như không biến động nhiều so với các giai đoạn trước đó.

Bên cạnh đó, sàn Hà Nội còn nhiều doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước sở hữu quỹ đất, tài sản lớn như Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN), Tổng công ty IDICO (IDC), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HTM)…, nhưng kết quả hoạt động kinh doanh đi ngang, nên thiếu động lực để giá cổ phiếu có thể bứt phá.

Khối doanh nghiệp tư nhân cũng không ít hàng tốt

Ngoài doanh nghiệp gốc nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân trên sàn cũng cho thấy dấu hiệu kinh doanh hiệu quả và tăng trưởng như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS)…

Các doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng và giữ được tỷ lệ sinh lợi ROA, ROE vượt mức sinh lời trung của ngành, nhưng giá cổ phiếu vẫn giao dịch mức thấp nhiều năm.

Cơ hội “săn” doanh nghiệp dưới giá trị ảnh 1

Bên cạnh nhóm doanh nghiệp lớn chưa khai thác hết tiềm năng thì vẫn còn đó nhiều doanh nghiệp thực hiện chia trả cổ tức bằng tiền mặt cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, do hoạt động giới hạn ở một khu vực, hoặc không có danh tiếng nên ít được nhà đầu tư bên ngoài biết tới.

Cơ hội “săn” doanh nghiệp dưới giá trị ảnh 2

Đơn cử, cổ phiếu SHS của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội giao dịch ở mức 7.900 đồng/cổ phiếu.

Nhờ lượng tiền mặt tích luỹ nhiều năm nên SHS đã chia cổ tức 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2018.

Cổ phiếu G36 của Tổng công ty 36 được giao dịch ở mức giá 4.900 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên lượng tiền mặt của doanh nghiệp chiếm tới 16,33% tổng tài sản và thực hiện chia cổ tức 801 đồng/cổ phiếu.

Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng tích luỹ được 1.085 tỷ đồng, chiếm 49,59% tổng tài sản, năm 2018 chia cổ tức 16% tiền, cổ phiếu hiện giao dịch ở mức 15.500 đồng/cổ phiếu.

Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thành Đạt (DTD) lên kế hoạch chia cổ tức 12% năm 2019, kết thức năm tài chính 2019 có 243 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 14,25% tổng tài sản và hoàn thành 293% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Hiện cổ phiếu được giao dịch ở mức 12.400 đồng/cổ phiếu…

Có thể thấy, hiện nay trên sàn HNX và UPCoM có rất cổ phiếu đang giao dịch ở vùng giá hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp.

Trong ngắn hạn, tâm lý tiêu cực đã dẫn tới hành động bán theo đám đông. Tuy nhiên, sau khi đại dịch đạt đỉnh, nhiều khả năng thị trường sẽ dần nhận ra nhiều cổ phiếu đang giao dịch ở vùng giá thấp nên quay lại đầu tư, đẩy giá chứng khoán lên.

Chính vì vậy, giai đoạn hiện nay phù hợp với các nhà đầu tư giá trị, nhưng có tiền mặt để đầu tư, thay vì sử dụng margin.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục