Cơ hội ở đâu khi thị trường sợ hãi?

(ĐTCK) Phiên giao dịch ngày 5/2, thị trường ghi nhận tình trạng “đỏ lửa” với mức giảm 56,3 điểm, VN-Index đóng cửa tại 1.048,7 điểm. Tính theo số tuyệt đối, đây là mức giảm điểm cao kỷ lục trên TTCK Việt Nam. Diễn biến giao dịch phản ánh tâm lý sợ hãi của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, điểm tích cực là thanh khoản vẫn ở mức cao.
Cơ hội ở đâu khi thị trường sợ hãi?

Rơi sâu vì… xu thế

Nhiều TTCK trên thế giới, dẫn đầu là thị trường chứng khoán Mỹ, giảm điểm mạnh vào cuối tuần qua đã tạo sức ép đáng kể lên TTCK Việt Nam trong phiên giao dịch đầu tuần này (5/2), nhất là khi thị trường đã có dấu hiệu giảm trong tuần qua, cùng với tâm lý thận trọng của không ít nhà đầu tư trước động thái cắt giảm giao dịch ký quỹ (margin) và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang tới gần.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, áp lực bán không quá mạnh, nhưng trải đều khắp thị trường, trong khi lực cầu lại yếu ớt, khiến chỉ số giảm sâu.

Theo ông Khoa, các ngưỡng hỗ trợ VN-Index trước phiên giảm điểm đầu tuần lần lượt tại 1.063 điểm, 1.020 điểm và 970 điểm. Sự suy yếu lực cầu trùng với nhịp điều chỉnh của thị trường thế giới có thể khiến VN-Index giảm mạnh hơn so với các nhịp điều chỉnh trước đó. Khả năng chỉ số quay lại kiểm tra ngưỡng 1.020 điểm và 1.000 điểm là có thể xảy ra.

Đồng quan điểm, ông Đăng Thanh Thế, Giám đốc chiến lược, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, nhân tố ảnh hưởng đến thị trường lớn nhất trong phiên 5/2 chính là việc thị trường chứng khoán Mỹ có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2008, chỉ số Dow Jones mất 666 điểm trong một phiên giao dịch, khiến các nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam bắt đầu quan ngại về dòng tiền của khối ngoại (vốn là động lực chủ yếu thúc đẩy đà tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong năm 2017 và đầu năm 2018).

Cơ hội ở đâu khi thị trường sợ hãi? ảnh 1

“Về mặt kỹ thuật, VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại mốc tâm lý 1.000 điểm nếu diễn biến của thị trường thế giới vẫn xấu đi”, ông Thế nói và cho rằng, có 3 yếu tố có thể lý giải áp lực bán gia tăng trong những phiên gần đây.

Thứ nhất, sau giai đoạn tăng điểm kéo dài với sự khởi sắc ở nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn (thép, ngân hàng, chứng khoán, dầu khí...), mặt bằng giá cổ phiếu đã được đẩy lên mức cao, trong khi chưa xuất hiện thêm các yếu tố hỗ trợ mới, nhà đầu tư sẽ có xu hướng bán ra để chốt lời.

Thứ hai, Tết cổ truyền sắp đến, các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao thường bán ra, giảm dần tỷ trọng để tránh phải trả lãi margin trong các ngày nghỉ. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến sẽ nâng tỷ lệ ký quỹ margin từ 50% lên 60% cũng khiến nhà đầu tư quen sử dụng đòn bẩy cao “chùn tay” và thực hiện giảm tỷ lệ margin.

Thứ ba, diễn biến TTCK toàn cầu tiêu cực trong tuần qua (xuất phát từ lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất sau khi nền kinh tế Mỹ có nhiều chuyển biến tích cực) cũng ít nhiều tác động đến TTCK Việt Nam do thị trường Việt Nam hiện nay đã có tính liên thông khá rõ nét với TTCK toàn cầu.

Rủi ro từ thị trường thời điểm hiện tại ở mức cao hơn đối với các hoạt động giao dịch ngắn hạn hoặc các cá nhân nhà đầu tư lạm dụng đòn bẩy tài chính. Thậm chí, phiên giảm điểm mạnh ngày 5/2 được lý giải một phần từ áp lực giải chấp của công ty chứng khoán, khiến thị trường giảm nhanh hơn.

Chọn “bắt đáy” hay mở vị thế mua?

Những diễn biến ngắn hạn thường khó lường nhất là vào thời điểm nhạy cảm cuối năm. Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, sau diễn biến tăng trong 2 năm qua, việc thị trường điều chỉnh mạnh là bình thường.

Trong tình huống xấu nhất - thị trường đảo chiều xu hướng sang giảm sâu, thì với quán tính tâm lý và dòng tiền mạnh mẽ như hiện tại, VN-Index nhiều khả năng sẽ giằng co ở vùng giá trên 1.000 điểm một khoảng thời gian từ 2 - 6 tháng mới có thể xác nhận xu hướng giảm rõ nét.

Do đó, cơ hội vẫn là 50:50 đối với các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và nhà đầu tư có thể sử dụng thị trường phái sinh để bảo hiểm một phần cho danh mục nếu quyết định tham gia thị trường thời gian này.

Nhìn chung, thị trường điều chỉnh được nhiều chuyên gia nhìn nhận là bình thường, nhưng mức giảm quá lớn và đột ngột khiến nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay. Đây có thể là cơ hội tốt để mở vị thế mua mới, nhưng các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư không nên vội vàng giải ngân, mà nên giải ngân từng phần theo các nhịp giảm điểm của thị trường.

Theo ông Khoa, diễn biến thị trường trong ngắn hạn phức tạp và khó lường khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2017 đã kết thúc, hoạt động giao dịch sắp xếp lại margin đón đầu quy định mới và diễn biến thị trường thế giới ảnh hưởng dến dòng tiền cũng như tâm lý thị trường.

VN-Index cũng đã có chu kỳ tăng điểm mạnh với lượng cổ phiếu tích lũy lớn nên nhịp điều chỉnh dự báo có thể kéo dài. Do vậy, nhà đầu tư chỉ nên mua thăm dò ở những phiên giao dịch đi ngang với thanh khoản cạn kiệt sau nhịp giảm hiện tại, đồng thời quan sát phản ứng giá tại các vùng hỗ trợ kể trên để có kế hoạch đầu tư phù hợp.

Với nhận định thị trường có nguy cơ tiếp tục điều chỉnh và phân hoá cao, Công ty Chứng khoán Bảo Việt khuyến nghị, ở giai đoạn này, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu, đặc biệt đối với các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy margin cao. Việc bán ra này vừa để bảo vệ thành quả sau giai đoạn thị trường đã tăng giá mạnh, vừa giảm thiểu rủi ro trong kịch bản thị trường điều chỉnh sâu.

Cũng theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, thị trường chưa đáng sợ hãi đến mức nhà đầu tư nên tính việc bán ra hoàn toàn danh mục. Xét trên các yếu tố vĩ mô, xu hướng đầu tư chứng khoán trong trung hạn vẫn được đánh giá ở mức tích cực. Công ty này khuyên nhà đầu tư nên duy trì một tỷ trọng cổ phiếu ở mức độ vừa phải, tập trung vào nhóm cổ phiếu cơ bản có tiềm năng tăng trưởng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Việc nắm giữ nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ cao trong giai đoạn này nên được hạn chế.

Nhà đầu tư huyền thoại Warrant Buffet có câu nói nổi tiếng: “Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi và hãy biết sợ khi người khác tham lam”. Bạn có đầu tư theo lời khuyên này và có bình thản khi thị trường rơi mạnh?

Thị trường hiện tại dành cho những nhà đầu tư mạo hiểm

Cơ hội ở đâu khi thị trường sợ hãi? ảnh 2

 Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Sau phiên giảm điểm mạnh ngày 5/2, chỉ số VN-Index đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ của xu hướng tăng ngắn hạn tại 1.060 điểm (tạo bởi đường trung bình động MA20 ngày). Theo đó, về mặt kỹ thuật, chỉ số sàn HOSE sẽ kiểm định ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của đường trung bình động MA50 ngày ở mốc tâm lý 1.000 điểm.

Từ ngưỡng này, VN-Index có thể sẽ có một nhịp hồi phục kỹ thuật. Tuy vậy, trước kỳ nghỉ Tết kéo dài và thời điểm hiệu lực dự kiến của chính sách giao dịch ký quỹ mới ngày 1/3 đang tới gần (giảm tỷ lệ cho vay từ 50% xuống 40%), thị trường có nguy cơ tiếp tục giảm sau đó. Vì vậy, việc giao dịch trong thời điểm hiện tại nên dành cho những nhà đầu tư mạo hiểm và tham gia với một tỷ trọng cổ phiếu vừa phải.

Thị trường điều chỉnh để củng cố xu hướng tăng trung hạn

Cơ hội ở đâu khi thị trường sợ hãi? ảnh 3

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco) 

Ngày 5/2, điểm số thị trường rơi mạnh, phần lớn là do ảnh hưởng bởi sự sụt giảm chung của chứng khoán thế giới.

Hiện tại, đã đến gần thời điểm nghỉ Tết, nên cá nhân tôi không đánh giá cao khả năng có nhiều dòng tiền vào bắt đáy. Vậy nên, nếu VN-Index có giảm về 1.000 điểm cũng là có cơ sở và hợp lý. Thực tế, thị trường đã tăng điểm mạnh trong thời gian qua mà không có các đợt điều chỉnh đáng kể. Có lẽ, đây cũng đã là thời điểm mà thị trường cần điều chỉnh mạnh hơn những lần trước để củng cố xu hướng tăng trung hạn. Ở một khía cạnh nào đó, nhịp điều chỉnh lần này là lành mạnh cho thị trường và sẽ cần thêm vài phiên trước Tết diễn biến theo hướng này.

Tôi hy vọng, VN-Index sẽ không bị rơi khỏi mốc 1.030 điểm. Trường hợp thị trường tiếp tục rơi khỏi mốc này với động lượng mạnh, thì việc chỉ số giảm xuống dưới 1.000 nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục