Năm 2021, Sacombank đạt hơn 4.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 32% so với năm 2020 và vượt 10% kế hoạch; tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,7% xuống 1,47%, tổng nợ xấu tính đến cuối năm là 5.721 tỷ đồng.
Được biết, trong gần 5 năm qua, kể từ khi ông Dương Công Minh chính thức ngồi ghế “nóng” Chủ tịch Hội đồng quản trị, ngân hàng này đã xử lý được lượng lớn nợ xấu tồn đọng sau sáp nhập Southern Bank, ước tính lên đến 35.000 - 40.000 tỷ đồng.
Nợ xấu giảm, lợi nhuận vượt kế hoạch, lợi nhuận lũy kế đến cuối năm 2021 là 6.496 tỷ đồng, Sacombank liệu có chia cổ tức, đáp ứng mong mỏi của cổ đông sau 4 năm chờ đợi?
Hội đồng quản trị Sacombank cho hay, Ngân hàng tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 22/5/2017 nên cần tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng.
“Khi tái cơ cấu thành công mới thực hiện các vấn đề như chia cổ tức, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược”, ông Minh chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, sau khi hoàn thành tái cơ cấu trong năm 2022, Ngân hàng sẽ bán 32,5% vốn cổ phần cho hai đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, việc này phải được sự đồng ý của Chính phủ và đại diện của số cổ phần đó là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sacombank đang xin cơ chế để mua lại 32,5% cổ phần là nợ xấu đã bán mà VAMC quản lý.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Sacombank, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho biết, trong tổng số khoản nợ Sacombank còn tồn đọng mà VAMC quản lý mới chỉ xử lý được một nửa.
Một nửa còn lại có xấp xỉ 10.000 tỷ đồng là cổ phiếu Sacombank (mã chứng khoán STB) của ông Trầm Bê. VAMC đã trình phương án xử lý khoản nợ xấu này lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, dự kiến trong nửa đầu năm 2022 sẽ nhận được câu trả lời chính thức.
Theo Chủ tịch VAMC, số cổ phiếu STB của ông Trầm Bê khi được xử lý sẽ giúp Sacombank cải thiện hoạt động. Người mua sẽ đưa “tiền tươi” vào để tái cơ cấu và thúc đẩy Sacombank phát triển.
Trong khi đó, ông Minh kỳ vọng, sau khi xử lý, ông chủ thực sự của số cổ phần trên sẽ xuất hiện và chăm lo cho Sacombank, tương tự như ông đang chăm lo cho Ngân hàng hiện nay.
Mới đây, trong báo cáo chiến lược năm 2022, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận xét, quy định về trần sở hữu nước ngoài (room) dẫn đến việc khó tăng room cho tất cả các ngân hàng trong hệ thống, nhưng Sacombank là ứng viên sáng giá trong việc nới room lên 49% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Liên quan đến room, theo Quyết định 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7/2021 thay thế Quyết định 58/2016/QĐ-TTg, Nhà nước sẽ sở hữu ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025.
Do đó, VCSC không kỳ vọng có sự nới room cho khối ngân hàng này trong ngắn hạn. Thay vào đó, nhóm phân tích VCSC cho rằng, có thể nới room tại một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Theo EVFTA, trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (1/8/2020), Việt Nam cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng châu Âu được sở hữu tới 49% vốn điều lệ của hai ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không áp dụng đối với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối là BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank.
Vì thế, ứng cử viên có cơ hội cao trong cam kết EVFTA này là Sacombank, do 32,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng được giữ làm tài sản thế chấp cho một khoản nợ không thanh toán được đã được chuyển nhượng cho VAMC.
“Việc bán 32,5% trong một lần đem lại giá trị cao nhất cho VAMC và do số cổ phần này vượt quá ngưỡng tối đa 30% (đang áp dụng cho các ngân hàng), nên việc bán sẽ phải được thực hiện theo một miễn trừ đặc biệt như EVFTA”, VCSC nhấn mạnh.
Sacombank dự kiến tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vào ngày 22/4/2022 tại Trung tâm hội nghị White Palace, Hoàng Văn Thụ. Quận Phú Nhuận. TP.HCM. Các cổ đông có tên trong danh sách chốt ngày 20/1/2022 có quyền tham dự đại hội.