“Cơ hội ngàn năm” và “những chữ nếu” của cơ hội đầu tư - kinh doanh 2025

0:00 / 0:00
0:00
“Cơ hội ngàn năm để Việt Nam vào nhóm nước phát triển”; quyết tâm “bỏ tư duy không quản được thì cấm”; biến số từ kinh tế thế giới" là những từ khóa đáng chú ý về kinh tế Việt Nam năm 2025.

“Cơ hội ngàn năm"

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse gọi năm 2005 là cái năm khởi đầu của một chu kỳ kinh tế mới.

“Việt Nam, cũng như thế giới, đã trải qua một cái giai đoạn dịch bệnh kéo dài 4 năm. Mọi người đang ở trạng thái bị nén, rất muốn quay trở lại. Năm 2025 là cơ hội để khởi đầu của một cái chu kỳ kinh tế mới”, ông Phú chia sẻ trong Chương trình đối thoại đầu năm với Báo Đầu tư.

Việt Nam nằm ở vị trí địa - chính trị rất thuận lợi để đón dòng vốn dịch chuyển

Việt Nam nằm ở vị trí địa - chính trị rất thuận lợi để đón dòng vốn dịch chuyển

Thứ nhất, Việt Nam nằm ở vị trí địa - chính trị rất thuận lợi để đón dòng vốn dịch chuyển do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhìn cả ở góc độ chi phí dịch chuyển và khả năng đáp ứng nguồn nhân lực.

Thứ hai, làn sóng ứng dụng robot, tự động hóa, AI vào các hoạt động của kinh tế - xã hội đã mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp bắt kịp xu hướng chuyển đổi số; nhưng cũng là điểm chấm hết cho các doanh nghiệp đứng ngoài vòng quay này.

Thứ ba và quan trọng nhất, theo ông Phú, những thay đổi trong nội tại nền kinh tế, nhất là quyết tâm tháo gỡ thể chế, chính sách.

“Đây là mong mỏi lớn nhất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không cần hỗ trợ nhiều về vật chất, tiền bạc của Chính phủ mà cần cơ chế. Với doanh nghiệp, cơ hội kinh doanh rất quan trọng, nhưng để biến một cơ hội thành thành tiền bạc, phụ thuộc vào thời gian và tốc độ.

Hiện nay, thế giới chuyển động rất nhanh và cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nên khi cơ hội xuất hiện thì phải được triển khai ngay. Lúc này, điều doanh nghiệp cần nhất là tốc độ, là thời gian.

“Tôi hy vọng cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp cơ sở, cấp giải quyết trực tiếp những vấn đề cho doanh nghiệp nhận ra rằng chúng ta trong cơ hội “nghìn năm mới có lần này. Nếu chúng ta mất đi cơ hội lần này, Việt Nam sẽ không thể vào nhóm nước phát triển”, ông Phú nhấn mạnh.

Với quan điểm này, ông gửi gắm: “Nếu chúng ta cùng nhận thức, để chúng ta chạy đua, chúng ta thay đổi, chúng ta dám loại bỏ những cái thủ tục rườm rà, tìm ra mọi cách để cho doanh nghiệp biến cơ hội thành tiền bạc, thành của cải vật chất, thì của cải, vật chất đó sẽ tạo ra tăng trưởng, từ đó quay lại phục vụ người dân..."

Biến số đến từ kinh tế thế giới

Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa của Tập đoàn FPT dự cảm một thế giới đầy biến động, có lẽ còn lớn hơn năm 2023 và 2024 cộng lại.

Công nghệ, khoa học, trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra cơ hội lớn nếu các doanh nghiệp Việt cùng tham gia vào một hệ sinh thái...

Công nghệ, khoa học, trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra cơ hội lớn nếu các doanh nghiệp Việt cùng tham gia vào một hệ sinh thái...

Trong các báo cáo cập nhật tình hình kinh tế của nhiều tổ chức quốc tế, thương mại toàn cầu đang được dự báo tăng 3,4% trong năm 2025, cao hơn mức 3,1% của năm 2024 và 0,8% năm 2023; lạm phát năm 2025 được kỳ vọng sẽ ở mức 4,3% năm 2025, giảm đáng kể so với 5,8% năm 2024 và 6,7% năm 2023. Xu hướng chuyển đổi xanh, công nghệ số, AI tăng mạnh...

Tuy nhiên, xung đột địa chính trị tiếp tục phức tạp; gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, phân mảnh và bảo hộ thương mại gia tăng. Lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao.

Đặc biệt, các chính sách đối ngoại, kinh tế của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đang được cho là sẽ tác động rất lớn tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ví dụ như thay đổi chính sách thuế quan và mở rộng tài khóa, làm tăng lạm phát Mỹ và toàn cầu, khiến Fed và ngân hàng trung ương các nước trì hoãn giảm lãi suất. Áp lực lạm phát sẽ tăng, kéo theo lãi suất, tỷ giá và dịch chuyển vốn đầu tư gián tiếp tại các nước mới nổi. Chính sách tăng bảo hộ thương mại, áp thuế quan, điều tra, kiện bán phá giá... cũng tác động tiêu cực đến ngoại thương toàn cầu...

“Trật tự của thế giới vẫn chưa được sắp xếp lại, nhưng đã hình thành các cụm, nổi lên một số doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Công nghệ đã và sẽ là hướng phát triển mạnh. Cơ hội đến không chỉ cho doanh nghiệp công nghệ mà công nghệ, khoa học, trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam”, ông Khoa chia sẻ góc nhìn.

Tuy nhiên, vế sau của cơ hội, theo ông Khoa, là nếu các doanh nghiệp phải cùng tham gia vào một hệ sinh thái, hình thành các “doanh nghiệp dân tộc” có thể dẫn dắt nền kinh tế thay vì cái gì cũng tự làm, làm tranh của người khác hay “trâu buộc ghét trâu ăn”.

Ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng với sự phục hồi của nền kinh tế kể từ quý II/2024, những khó khăn sẽ dần lùi lại phía sau, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng và bứt phá.

Song, vị doanh nhân này cũng nhấn mạnh, “nếu chính quyền của Tổng thống Donald Trump tăng thuế nhập khẩu lên tới 60% như tuyên bố thì sức mua và lạm phát của Mỹ sẽ chưa bị tác động ngay mà có thể trong vòng 2 năm tới, nghĩa là vào khoảng quý III/2026. Và vì vậy, nếu thương chiến xảy ra thì theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kịch bản ứng phó cho các năm 2026-2027..

Trong ngắn hạn 2025, lãnh đạo PNJ nhận định Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi từ sự chuyển dịch chuỗi sản xuất, vốn đầu tư FDI ra khỏi Trung Quốc. Theo đó, một số lĩnh vực có thể hưởng lợi từ làn sóng này như logistics, khu công nghiệp, bán lẻ… và đặc biệt là ngành bất động sản với kỳ vọng từ chính sách tiền tệ, dòng tiền và hệ thống pháp luật được cải thiện.

KInh tế tư nhân là động lực tăng trưởng chính khi có sự đồng hành

Doanh nghiệp chính là cái nòng cốt tạo ra của cải, hàng hóa cho xã hội, nếu chúng ta vun đắp, ủng hộ cho những doanh nghiệp chân chính, tạo đều mọi điều kiện để họ có năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế và họ phải đi ra được quốc tế, tăng tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa, nền kinh tế hoàn toàn có thể đạt tốc độ tăng trưởng trên 8% và cao hơn.

Cần phải có những chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp dám làm

Cần phải có những chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp dám làm

Đây là quan điểm của ông Nguyễn Xuân Phú. Đây là lý do ông khuyến nghị người dân cũng như chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường cho doanh nghiệp Việt phát triển một cách nhanh nhất.

Cùng với đó, ông đề nghị Chính phủ tạo điều kiện và xây dựng cơ chế, chính sách với nguyên tắc là những doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ hoặc chưa có tiền lệ để làm, cần phải có những chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp dám làm, để doanh nghiệp Việt có thể có đặt chân một cách vững vàng trong những dự án lớn, công trình mang tính biểu tượng của giai đoạn phát triển tới đây của đất nước.

Tất nhiên, bản thân doanh nghiệp thì cũng cần phải thay đổi, phải tiếp cận lại cái phương pháp quản lý mới, quản trị doanh nghiệp, quản trị chất lượng công trình, hàng hóa để làm sao tiệm cận theo chuẩn quốc tế để thâm nhập thị trường quốc tế và đáp ứng chuẩn cao hơn của chính người tiêu dùng trong nước.

“Tôi muốn các cơ chế, chính sách đều theo hướng ủng hộ doanh nghiệp Việt, coi tài sản của doanh nghiệp là tài sản của quốc gia, ủng hộ những người dám đột phá, dám làm cái mới có lợi cho xã hội. Khi đó, đất nước sẽ phát triển”, ông Phú khuyến nghị.

Chia sẻ quan điểm này, ông Hiếu đề nghị xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng về mặt thủ tục nhưng phải tính đến mục tiêu để doanh nghiệp trong nước tham gia vào các những công trình, dự án lớn. Chính vì vậy, môi trường kinh doanh cần sự công bằng chứ không phải cào bằng.

"Tăng trưởng 2 con số" và quyết tâm “bỏ tư duy không quản được thì cấm”

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chọn cụm từ “tích cực” để dự báo về kinh tế Việt Nam 2025, dù khó khăn và cơ hội có thể ngang nhau.

Nỗ lực, quyết tâm cải cách thể chế đang có rất nhiều điểm mới rất sát và gắn với đòi hỏi của thực tế, của doanh nghiệp

Nỗ lực, quyết tâm cải cách thể chế đang có rất nhiều điểm mới rất sát và gắn với đòi hỏi của thực tế, của doanh nghiệp

Tôi tin tưởng vào những thay đổi trong nước, nhất là những thay đổi với tư duy mới trong cải cách thế chế, tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Nếu chúng ta làm quyết liệt và kịp thời những cải cách trong nước, quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao sẽ tạo thêm cơ hội mới, bên cạnh thúc đẩy động lực hiện có”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến tư duy và cách làm mới trong quyết tâm cải cách thể chế cũng như điều hành chính sách.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thậm chí không dùng “ưu tiên tăng trưởng” nữa mà dùng “tăng tốc, bứt phá”, thể hiện quyết tâm hành động theo tôi là lớn hơn nhiều so với ngôn từ mà chúng ta nhìn thấy trong các văn bản”, ông Hiếu nhìn nhận.

Đặc biệt, ông nhìn thấy sự chuyển động về tư duy cũng như những nỗ lực, quyết tâm cải cách thể chế có rất nhiều điểm mới rất sát và gắn với đòi hỏi của thực tế, của doanh nghiệp.

Với tuyên ngôn dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, việc thực thi sẽ giảm thiểu rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, tăng sự yên tâm, tin cậy trong hoạt động đầu tư dài hạn. Tuyên ngôn này cũng cho thấy không chỉ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho những dự án, công trình, hoạt động sản xuất - kinh doanh đang gặp vướng mắc mà còn thúc đẩy những dự án đầu tư mới, nhấn mạnh nhiều hơn đến thúc đẩy, khuyến khích đổi mới, sáng tạo và tinh thần kinh doanh.

“Tôi muốn nói thêm là tất cả những điều trên không còn là định hướng trên nghị quyết hay văn bản mà đã có những hành động cụ thể. Đơn cử, quy trình đầu tư đặc biệt - chưa có tiền lệ, áp dụng nguyên tắc hậu kiểm, thay vì tiền kiểm”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, nếu những chuyển động cần nhiều hơn, đồng bộ hơn, thực chất hơn, quyết tâm hơn thì không chỉ tạo ra thêm cơ hội mới mà còn gia tăng khả năng chớp cơ hội cho doanh nghiệp.

Đây chính là cơ sở để cho các mục tiêu tăng trưởng rất cao trong năm nay, ít nhất là 8% và hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số ngay trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

“Trong 20 năm tới, nước ta phải tăng trưởng cao, phấn đấu ở mức hai con số (10% trở lên) để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, cũng là thời kỳ chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của Việt Nam để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục