Củng cố vị thế
Ngày 1/7/2025, TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức sáp nhập, hình thành siêu đô thị đầu tiên của Việt Nam - TP.HCM mở rộng. Sự sáp nhập này không đơn thuần là mở rộng địa giới hành chính, mà đặt nền móng cho một mô hình phát triển mới, đa trung tâm, tích hợp và bền vững, tạo tiền đề để TP.HCM vươn lên thành một đô thị dẫn đầu khu vực.
Với diện tích 6.772 km2, dân số khoảng 14 triệu người và quy mô kinh tế vượt 100 tỷ USD, TP.HCM mới không chỉ trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, mà còn sở hữu hệ thống cảng biển, logistics, khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam.
|
Nguồn: Roland Berger |
Sau sáp nhập, TP.HCM sở hữu lợi thế chiến lược về vị trí, gồm giáp biển, liền kề sân bay quốc tế và cụm cảng sâu rộng, tọa lạc trên các hành lang kinh tế toàn cầu. Những điều kiện này không chỉ mở rộng cơ hội thương mại - đầu tư, mà còn đem lại sức mạnh cạnh tranh, củng cố vị thế TP.HCM như đối trọng với các đô thị lớn trong khu vực và quốc tế.
Cơ hội phát triển mới
Việc sáp nhập mang lại cho TP.HCM không gian phát triển hoàn toàn mới, với khả năng kết nối chặt chẽ giữa sản xuất, dịch vụ, logistics và đổi mới sáng tạo. Có 3 nhóm cơ hội chính đóng vai trò động lực phát triển trong giai đoạn tới.
Nhóm 1 là phát triển công nghiệp công nghệ cao và tập trung vào chuỗi giá trị thượng nguồn của TP.HCM. Đây là cơ hội để TP.HCM định hình lại ngành công nghiệp trọng điểm theo hướng mở rộng chuỗi giá trị lên thượng nguồn và phát triển chiều sâu vào các khâu có giá trị gia tăng cao. Thành phố cần xác lập vai trò rõ ràng cho từng địa phương trong tổng thể quy hoạch vùng. Việc thiết lập các cụm liên kết ngành với chính sách ưu đãi phát triển đặc thù sẽ là chìa khóa để tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh của từng khu vực, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái sản xuất - dịch vụ có khả năng cung cấp các giải pháp ở phân khúc giá trị cao.
Công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phải được đẩy mạnh, để những tiến bộ kỹ thuật nhanh chóng được đưa vào các ngành công nghiệp chủ lực, có giá trị gia tăng cao. Việc củng cố hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ, hoàn thiện các phân đoạn trong chuỗi giá trị ô tô và gắn kết chặt chẽ với mạng lưới cung ứng toàn cầu sẽ giúp TP.HCM mở rộng tầm ảnh hưởng trong các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Với lợi thế tài nguyên dầu khí, bờ biển dài và điều kiện khí tượng thuận lợi, TP.HCM hoàn toàn có thể chuyển hướng sang mô hình sản xuất năng lượng trung hòa carbon. Định hướng này không chỉ tạo đà cho Thành phố trở thành trung tâm năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam, mà còn đặt nền móng để mở rộng thu hút các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới tham gia chiến lược Net Zero đến năm 2050. Việc kết hợp phát triển công nghiệp công nghệ cao với năng lượng xanh sẽ khẳng định vị thế của siêu đô thị mới trên bản đồ kinh tế khu vực và toàn cầu.
Nhóm 2 là cơ hội xây hệ sinh thái dịch vụ gắn với Trung tâm Tài chính quốc tế, thúc đẩy công nghệ đổi mới. Ở lĩnh vực dịch vụ, TP.HCM mở rộng có điều kiện thuận lợi để phát triển thành một trung tâm dịch vụ giá trị gia tăng quy mô lớn, nhờ sự tập trung của dân số đô thị, hạ tầng hiện đại, mạng lưới logistics biển - cảng - công nghiệp liền mạch. Hạt nhân của chiến lược này là xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế với vai trò là đầu mối cung cấp dịch vụ tài chính cao cấp cho doanh nghiệp trong nước, khu vực.
Bao quanh Trung tâm Tài chính quốc tế là hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ gồm giáo dục chất lượng cao, dịch vụ y tế quốc tế, trung tâm công nghệ xanh - tạo thành một cụm dịch vụ đa ngành “1+3”. Nếu triển khai hiệu quả, cụm dịch vụ này sẽ giúp nâng cấp tiêu chuẩn sống đô thị, thu hút doanh nghiệp toàn cầu và từng bước khẳng định vị thế của TP.HCM mở rộng như một đô thị dịch vụ hàng đầu Đông Nam Á.
Song song với phát triển dịch vụ, sự ra đời của siêu đô thị mới tạo tiền đề cho một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quy mô vùng. Không giới hạn trong phạm vi TP.HCM cũ, mạng lưới này sẽ lan tỏa đến các trung tâm công nghiệp, cảng biển và đô thị mới tại Bình Dương cũ và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ. Mạng lưới các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ sẽ kết nối chặt với hạ tầng số đồng bộ như mạng 5G, trung tâm dữ liệu và các cụm R&D - tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm và ứng dụng công nghệ mới.
Việc tích hợp không gian đổi mới sáng tạo này giúp rút ngắn chu kỳ phát triển sản phẩm, thúc đẩy sự hợp tác giữa khu vực nghiên cứu, sản xuất và logistics - một nền tảng thiết yếu để thu hút dòng vốn đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao trên phạm vi quốc tế.
TP.HCM còn có tiềm năng hưởng lợi từ hệ sinh thái du lịch biển, trở thành điểm du lịch tập trung các khu vui chơi giải trí quy mô lớn với các lễ hội, sự kiện quy mô khu vực, cùng hệ thống nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Nhóm 3 là cơ hội phát triển kinh tế biển qua chuỗi đô thị - kinh tế - du lịch biển với 3 trụ cột chính.
TP.HCM đang đứng trước cơ hội hình thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại và đổi mới, có tầm ảnh hưởng hàng đầu tại Việt Nam và khu vực. Trọng tâm của định hướng này là phát triển Cụm cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải và Cần Giờ thành đầu mối hàng hải chiến lược, đồng thời triển khai các mô hình khu thương mại tự do và khu kinh tế ven biển tích hợp giữa Vũng Tàu, Cần Giờ và Côn Đảo. Trên nền tảng đó, Thành phố sẽ dẫn dắt tăng trưởng và đổi mới trong bốn ngành công nghiệp chủ lực gồm dịch vụ cảng và logistics, công nghệ xanh, tài chính biển và các ngành phụ trợ.
TP.HCM còn có dư địa lớn để phát triển du lịch sinh thái biển tại các khu vực Hồ Tràm và Bình Châu, kết nối chặt chẽ với Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Sự giao thoa giữa hệ sinh thái ngập mặn, cảnh quan ven biển và văn hóa địa phương mang lại trải nghiệm đa dạng từ khám phá thiên nhiên đến giải trí về đêm, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Đô thị ven biển mới hứa hẹn trở thành điểm đến đáng sống với không khí trong lành, thiên nhiên hoang sơ và khí hậu nhiệt đới lý tưởng. Các dự án công viên biển, mảng xanh đô thị và hạ tầng bền vững tạo nên chất lượng sống cao, khẳng định vị thế TP.HCM như một đô thị biển văn minh và thân thiện.
Qua các trụ cột phát triển trên, quy mô mới của TP.HCM cũng đòi hỏi một tư duy phát triển đô thị hoàn toàn khác biệt: quản trị đa trung tâm, tích hợp công nghệ số và đảm bảo chất lượng sống lâu dài.
Một ưu tiên trước mắt là xây dựng hạ tầng quản trị đô thị thông minh, gồm hệ thống điều hành giao thông thời gian thực, nền tảng giám sát chất lượng môi trường tự động và hạ tầng hỗ trợ phương tiện điện (trạm sạc, bãi đậu xe thông minh). Song song đó, chính quyền thành phố có thể đẩy mạnh các tiêu chuẩn phát triển bền vững: mở rộng diện tích không gian xanh, phát triển công trình đạt chuẩn tiết kiệm năng lượng, tăng cường khả năng chống chịu trước rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
Mục tiêu dài hạn là hình thành môi trường sống đáng tin cậy cho cư dân và nhà đầu tư, giúp TP.HCM thích ứng tốt hơn với biến động trong tương lai.
Tầm nhìn cơ hội tương lai
Việc hình thành TP.HCM mở rộng là một dấu mốc lịch sử, mở ra cơ hội tái cấu trúc toàn diện về công nghiệp, dịch vụ, logistics, kinh tế biển và đô thị thông minh trên quy mô vùng. Tuy nhiên, quy mô lớn cũng đi kèm những thách thức về quản trị, quy hoạch và huy động nguồn lực. Để thành công, TP.HCM cần một lộ trình phát triển dài hạn, lấy điều phối vùng làm nền tảng, cải thiện môi trường đầu tư, áp dụng công nghệ để quản trị hiệu quả.
Nếu tận dụng tốt các điều kiện mới và thực hiện cải cách quyết liệt, TP.HCM hoàn toàn có khả năng vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ và logistics hàng đầu Đông Nam Á, dẫn dắt chu kỳ tăng trưởng tiếp theo của Việt Nam.