Cơ hội nào từ khủng hoảng nợ châu Âu?

(ĐTCK-online) Khủng hoảng nợ châu Âu đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu của chính phủ các nước, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trên thế giới.
Cuộc khủng khoảng nợ châu Âu cũng là cơ hội để các DN xuất khẩu Việt Nam mở rọng thị trường - Ảnh minh họa: Đức Thanh. Cuộc khủng khoảng nợ châu Âu cũng là cơ hội để các DN xuất khẩu Việt Nam mở rọng thị trường - Ảnh minh họa: Đức Thanh.

>> Khủng hoảng nợ châu Âu và TTCK Việt Nam

>> Khủng hoảng nợ châu Âu và chiến lược đầu tư

Phân tích và nhận định về diễn biến và xu hướng của khủng khoảng nợ châu Âu là cần thiết để có những quyết định kinh doanh và đầu tư hợp lý. Trên cơ sở phân tích về lợi ích và thiệt hại của các quốc gia chính có liên quan đến vấn đề này, bài viết xin đưa ra một số nhận định về xu hướng diễn biến sắp tới của khủng hoảng nợ châu Âu.

 

Mỹ được lợi nhiều hơn thiệt

Khác với cuộc khủng hoảng tài chính trước đó, phần lớn các nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng tiêu cực thì cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lần này, Mỹ được lợi nhiều hơn là thiệt hại.

Người Mỹ từ lâu đã không mong muốn một đồng tiền chung châu Âu ra đời và ngày càng có sức cạnh tranh với đồng USD trong thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối.

Hơn nữa, nhờ khủng hoảng nợ châu Âu mà trái phiếu chính phủ Mỹ đã được bán "chạy" hơn, Chính phủ Mỹ nhờ vậy có thêm tiền thực hiện các biện pháp để kích thích kinh tế.

Mỹ có thể bị ảnh hưởng xuất khẩu của họ sang châu Âu, nhưng thị trường châu Âu dường như ngày càng mất dần vai trò là thị trường chính của Mỹ, thay vào đó là châu Á và châu Mỹ.

Hơn nữa, việc đồng EUR giảm giá so với USD chỉ mang tính chất ngắn hạn. Nếu Mỹ thấy cần phải làm giảm giá đồng USD thì họ có thể làm được trong thời gian tới, vì điều này hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ.

 

Đức tăng cường tiếng nói trong khủng hoảng nợ châu Âu

Có lẽ, nước được lợi nhiều nhất khi đồng tiền chung châu Âu ra đời là nước Đức.

Đức là nước có nền kinh tế mạnh nhất châu Âu và là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Việc ra đời đồng tiền chung châu Âu đã tạo điều kiện cho hàng hóa của Đức được bán cho các nước thành viên trong khối một cách dễ dàng vì có sức cạnh tranh cao, trong khi các nước trong khối không thể dựa vào công cụ tỷ giá để hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Đức.

Do vậy, nếu đồng tiền chung châu Âu tan rã hoặc các nước trong khối sử dụng đồng tiền chung tuyên bố vỡ nợ thì Đức là nước bị thiệt hại nhiều nhất.

Vừa qua, khi Đức có một số yêu cầu "hơi quá" đối với các nước cứu trợ đã bị Pháp phản ứng gay gắt và dọa sẽ rút khỏi đồng tiền chung châu Âu, khiến thủ tướng Đức ngay lập tức phải thay đổi quan điểm và đã có những động thái cam kết hỗ trợ mạnh mẽ trong việc đưa ra giải pháp ngăn chặn khủng hoảng.

 

Trung Quốc thay đổi chiến lược trong việc dự trữ ngoại hối

Trung Quốc là một trong những nước có dự trữ ngoại hối lớn hàng đầu thế giới với loại ngoại tệ chủ yếu là USD và EUR.

Khủng hoảng tài chính thế giới và khủng hoảng nợ châu Âu là điều Trung Quốc không mong muốn vì nó làm giảm tài sản của Trung Quốc, hơn nữa, đồng EUR giảm giá không có lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc.

Thời điểm hiện tại, Trung Quốc không muốn bán tài sản của mình với giá rẻ và có thể làm giảm giá mạnh hơn nếu họ có động thái bán đi các tài sản loại này.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhận ra những điểm bất lợi khi họ để tài sản của mình dưới dạng dữ trữ ngoại hối là đồng EUR và USD.

Họ đang khuyến khích người dân và các doanh nghiệp nên dự trữ bằng vàng và chuyển tài sản dự trữ sang các nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho sản xuất và phục vụ đời sống của người dân sau này.

 

Nhật Bản là nước chịu thiệt hại nhiều nhất

Nhật Bản là quốc gia không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, các sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu của họ phần lớn là các hàng hóa sử dụng công nghệ cao, đắt tiền.

Khi khủng hoảng xảy ra thì nhu cầu đối với các loại hàng hóa này trên thế giới sụt giảm nhanh chóng. Do vậy, tại Nhật Bản, tình trạng giảm phát là vấn đề nhức nhối đối với Chính phủ, trong khi các nước khác khi kinh tế dần phục hồi thì đang có nguy cơ lạm phát.

Nhật Bản không mong muốn khủng hoảng nợ châu Âu xảy ra, vì sẽ không tốt cho hàng hóa xuất khẩu của Nhật và Chính phủ Nhật cũng không mong muốn đồng Yên tăng giá thời điểm này.

Như vậy, trong bối cảnh này, Mỹ và Anh (tuy là một thành viên trong liên minh châu Âu nhưng Anh từ chối việc tham gia cứu trợ các nước trong khu vực sử dụng đồng tiền chung EUR) sẽ không có các hành động mạnh mẽ để giúp các nước trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Trung Quốc không bán mạnh trái phiếu chính phủ đã mua của các nước châu Âu và của Mỹ.

Đối với các nước trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu thì tuy là nợ quốc gia của một số nước khá lớn nhưng chủ yếu họ vay mượn lẫn nhau và chủ nợ chủ yếu là Đức, số tiền đến hạn phải trả chưa phải là cao, Đức chắc chắn sẽ không thể làm cho vấn đề trầm trọng thêm, các hành động vừa qua của Thủ tướng Đức chủ yếu nhằm làm tăng ảnh hưởng của nước này trong khối và buộc các nước khác phải có hành động kiên quyết hơn trong việc giảm thâm hụt ngân sách.

Mấu chốt để giải quyết vấn đề là có một sự đồng thuận trong chính sách cắt giảm thâm hụt ngân sách của các quốc gia và các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu sẽ tạo ra một quỹ để hỗ trợ các nước trong khối gặp khó khăn về tài chính, có thể Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ phải in thêm tiền.

Như vậy, khủng hoảng nợ châu Âu sẽ được giải quyết trong thời gian tới khi các nước châu Âu đã có sự đồng thuận trong chính sách.

 

Cơ hội nào cho các DN Việt Nam?

Với những doanh nghiệp nhập khẩu, nên tận dụng cơ hội này để nhập hàng hóa và nguyên vật liệu giá rẻ phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, khi mà tình hình căng thẳng nguồn vốn đã giảm hơn vài tháng trước khá nhiều, các yếu tố vĩ mô trong nước tốt đang hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (trực tiếp và gián tiếp) cũng đã nhận thấy những tiềm năng ở thị trường Việt Nam, khi sự ổn định về vĩ mô ngày càng được cải thiện, giá chứng khoán đã rẻ và nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việ Nam.

Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng khi đồng EUR suy yếu, nhưng do hàng hóa của Việt Nam là những hàng hóa chất lượng trung bình, giá cả rẻ nên cũng có thể đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường vì khi khủng hoảng xảy ra, người tiêu dùng quốc tế dễ chấp nhận hàng hóa chất lượng thấp hơn với giá cả rẻ hơn.

Nguyễn Hồng Hải, Nguyên phó tổng giám đốc Oceanbank
Nguyễn Hồng Hải, Nguyên phó tổng giám đốc Oceanbank

Tin cùng chuyên mục