Ngày 25/9/2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, Thương vụ Việt Nam tại Singapore phối hợp cùng Hội đồng kinh doanh EU – ASEAN, Phòng Thương mại quốc tế Singapore và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tổ chức sự kiện Hội nghị trực tuyến “EVFTA chính thức có hiệu lực – Các cơ hội mới về đầu tư và kinh doanh cho các doanh nghiệp EU vào Việt Nam”.
Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Singapore, Giám đốc Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN, ông Chris Humphrey và ông Nicolas Audier, Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Việt Nam cùng các diễn giả của Bộ Công thương cùng hơn 100 đại diện doanh nghiệp EU tại Singapore.
Đây là dịp để các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Singapore có thông tin đầy đủ hơn về các cơ hội đầu tư kinh doanh mới ở Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Singapore, Tào Thị Thanh Hương, nền kinh tế Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng khá trong những năm qua, GDP luôn đạt khoảng 7%/năm, lạm phát thấp, chỉ số phát triển bền vững được cải thiện nhanh chóng, chỉ số đánh giá độ tin cậy của hệ thống ngân hàng chuyển từ “ổn định” lên “tích cực,” tỷ lệ đói nghèo giảm...
Góp phần đáng kể vào những thành tựu kinh tế là nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có dòng vốn từ các doanh nghiệp châu Âu. Đến nay, các nhà đầu tư EU đã có 2.244 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 24,67 tỷ USD, chưa tính một số dự án lớn khác thông qua quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thứ ba.
Dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng thời gian qua, doanh nghiệp từ nhiều nước thành viên EU đã tận dụng Hiệp định EVFTA để khai thác thị trường Việt Nam ở cả khía cạnh thương mại, đầu tư.
Covid-19 kéo dài đã gây cản trở các chuyến đi của doanh nghiệp EU tới Việt Nam. Không ngồi chờ hết dịch, những hoạt động kết nối đầu tư, thương mại vẫn được diễn ra bằng nhiều cách. Ngay trong tuần đầu tháng 9 này, khoảng 100 doanh nghiệp Hà Lan đã có hoạt động kết nối đầu tư, thương mại trực tuyến với doanh nghiệp Việt Nam.
Trong 8 tháng qua, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường như Hàn Quốc, ASEAN sụt giảm, (Hàn Quốc đạt 28,7 tỷ USD, giảm 8,3%; ASEAN đạt 19,4 tỷ USD, giảm 9,2%), hàng hóa từ EU vẫn gia tăng nhập khẩu vào Việt Nam trong 8 tháng qua, với kim ngạch 9,5 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019.
EVFTA đã có hiệu lực được gần 2 tháng, dự báo trong thời gian tới, EVFTA sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam, bởi những cam kết trong FTA này. Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA chặt chẽ hơn sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về tiếp cận thị trường EU của Việt Nam, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Để khai thác các lợi thế từ EVFTA, trong phiên thảo luận, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến triển vọng nối lại đường bay thương mại giữa Việt Nam và EU, cũng như giữa Việt Nam và Singapore để các doanh nghiệp và các chuyên gia EU làm việc tại Singapore có thể sớm tiếp cận thị trường.
Các doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi về khả năng phối hợp khai thác ba bên Hiệp định thương mại tự do giữa EU với Việt Nam và Singapore và cách thức tận dụng các quy định về xuất xứ của các Hiệp định này trong quá trình sản xuất. Một nội dung quan trọng được các diễn giả cung cấp thông tin cho doanh nghiệp là vấn đề kết nối chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp EU và Việt Nam cũng như thông qua thị trường Việt Nam để kết nối với thị trường ASEAN để xây dựng chuỗi giá trị mới bền vững.